Bệnh giang mai bẩm sinh nguy hiểm thế nào, có chữa được không?

Chantal, 27 tuổi, được kết luận dương tính với bệnh giang mai khi đang mang thai 7 tháng. Con trai của Chantal sinh ra nặng 3,9kg vào giữa tháng 3 - bị mù một bên mắt và có thể sẽ gặp nhiều vấn đề sức khoẻ.

Ngày 21 tháng 7 năm 2017 - Chantal, 27 tuổi, sống tại Hạt Fresno, CA, Mỹ, được kết luận dương tính với bệnh giang mai khi đang mang thai 7 tháng, cho dù trước đó cô không có triệu chứng gì. Cô được điều trị ngay lúc đó nhưng cũng đã quá muộn. Con trai của Chantal sinh ra nặng 3,9kg vào giữa tháng 3 - bị mù một bên mắt và có thể sẽ gặp nhiều vấn đề sức khoẻ khác liên quan đến bệnh giang mai bẩm sinh do lây từ mẹ.

"Tôi đã nhìn thấy hình ảnh mắt của bé, võng mạc mắt phải có màu tím, còn mắt trái dường như bị rữa ra", cô Chantal cho biết.

Theo bác sĩ M. Nael Mhaissen, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhi ở Bệnh viện Nhi đồng Valley, người đã điều trị cho Chantal và con trai chia sẻ: "Thật sự rất khó khăn khi phải nhìn những đứa trẻ vừa sinh ra đã mắc phải căn bệnh được phát hiện từ 500 năm trước".

Giang mai, thảm họa quá khứ tưởng như đã bị xóa sổ ở Hoa Kỳ thì nay đã trở lại với tỷ lệ đáng báo động ở tất cả các bang.

Còn ở Việt Nam, mới đây, bệnh viện ĐKKV Nghĩa Lộ cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận bé C. 1 tháng tuổi, được bệnh viện huyện chuyển đến với bệnh cảnh nặng nề: Bú kém, da xanh nhợt, khó thở, rút lõm lồng ngực, bụng chướng, tuần hoàn bàng hệ nổi rõ, gan, lách to và đặc biệt trẻ có vết chợt loét vùng mông, lòng bàn chân. Nghi ngờ trẻ mắc giang mai bẩm sinh, các bác sỹ tư vấn làm xét nghiệm, kết quả cả bé và mẹ đều dương tính với xoắn khuẩn giang mai.

Bệnh giang mai bẩm sinh nguy hiểm thế nào, có chữa được không?-1
Vét loét ở chân trẻ do nhiễm xoắn khuẩn giang mai.

BS. Mai Hồng Tình, khoa Nhi bệnh viện ĐKKV Nghĩa Lộ cho biết giang mai bẩm sinh là bệnh xảy ra khi người mẹ mắc giang mai truyền bệnh cho con trong thai kỳ.

Giang mai bẩm sinh có thể có tác động lớn đến sức khỏe của thai nhi. Mức độ ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe của trẻ tùy thuộc vào thời gian bạn mắc giang mai và điều trị nhiễm trùng.

Bệnh giang mai bẩm sinh nguy hiểm như thế nào?

Giang mai bẩm sinh có thể gây ra:

- Thai chết lưu

- Trẻ tử vong trong lúc sinh

- Sinh non

- Cân nặng khi sinh của trẻ thấp

Những trẻ mắc giang mai bẩm sinh nếu không được điều trị sẽ có thể phát triển các triệu chứng về sau này và chết vì nhiễm trùng. Trẻ cũng có thể chậm phát triển hoặc co giật.

Đối với trẻ sinh ra mắc bệnh giang mai có thể gặp các vấn đề sức khỏe sau:

- Biến dạng xương

- Thiếu máu

- Phì đại gan và lá lách

- Vàng da và vàng mắt

- Các vấn đề về não và thần kinh, có thể bị mù hoặc bị điếc

- Viêm màng nào

- Viêm da

Những dấu hiệu và triệu chứng ở trẻ mắc giang mai bẩm sinh là gì?

Hầu hết các bé bị nhiễm bệnh giang mai bẩm sinh có vẻ bình thường. Theo thời gian, các triệu chứng có thể phát triển. 

Ở trẻ dưới 2 tuổi, các triệu chứng có thể bao gồm:

- Gan hoặc lách to

- Không tăng cân hoặc không phát triển mạnh (cân nặng thấp trước và sau khi sinh)

- Sốt

- Hay cáu gắt

- Kích ứng và nứt da quanh miệng, bộ phận sinh dục và hậu môn

- Phát ban xuất hiện như những mụn nước nhỏ, đặc biệt là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Sau đó chuyển sang phát ban màu đồng, phẳng hoặc nhấp nhô

- Bất thường xương

- Không thể di chuyển một cánh tay hoặc chân đau

- Chảy nước mũi

Bệnh giang mai bẩm sinh nguy hiểm thế nào, có chữa được không?-2

Các triệu chứng ở trẻ lớn và trẻ nhỏ có thể bao gồm:

- Bất thường về răng, cụ thể là răng cửa Hutchinson

- Đau xương

- Mù

- Đục giác mạc

- Giảm thính lực hoặc điếc

- Biến dạng mũi với sống mũi dẹt

- Có các mảng màu xám, giống như chất nhầy xung quanh hậu môn và âm đạo

- Sưng khớp

- Dị tật xương chày

- Sẹo ở vùng da quanh miệng, bộ phận sinh dục và hậu môn

Cũng có trường hợp, trẻ mắc giang mai bẩm sinh không có bất kỳ triệu chứng nào khi sinh. 

Bệnh giang mai bẩm sinh nguy hiểm thế nào, có chữa được không?-3
Giang mai bẩm sinh làm biến dạng khuôn mặt

Bệnh giang mai bẩm sinh có chữa được không?

Nhiều em bé bị nhiễm bệnh sớm trong thai kỳ là thai chết lưu. Việc điều trị của người mẹ làm giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai bẩm sinh ở em bé. Em bé bị nhiễm bệnh qua đường sinh có thể dự đoán tốt hơn so với những trẻ bị nhiễm bệnh khi bắt đầu mang thai.

Trẻ sinh ra mắc giang mai bẩm sinh được điều trị như thế nào?

Trẻ có bệnh giang mai cần được điều trị ngay lập tức, nếu không bệnh sẽ tiến triển gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tùy thuộc vào kết quả khám sức khỏe, trẻ có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh tại bệnh viện trong vòng 10 ngày. Trong một số trường hợp, chỉ cần một mũi tiêm kháng sinh.

Ngoài ra, các trẻ đang điều trị bệnh giang mai bẩm sinh cần được chăm sóc và theo dõi chặt chẽ để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả.

Bệnh giang mai bẩm sinh nguy hiểm thế nào, có chữa được không?-4

Làm thế nào để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh?

Thai nhi sẽ không bị bệnh giang mai nếu bà mẹ không mắc bệnh giang mai. Có hai điểm quan trọng mà sản phụ cần thực hiện để bảo vệ trẻ khỏi bệnh giang mai bẩm sinh và các vấn đề sức khỏe liên quan đến nhiễm trùng do bệnh giang mai, gồm:

- Xét nghiệm giang mai trong lần khám thai đầu tiên.

- Giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai trước và trong khi mang thai

Nếu có quan hệ tình dục, những biện pháp sau đây có thể làm giảm khả năng mắc bệnh giang mai:

+ Quan hệ chung thủy hoặc lâu dài với chồng/bạn tình đã được xét nghiệm và khẳng định không mắc bệnh giang mai.

+ Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ. Mặc dù bao cao su có thể ngăn ngừa truyền bệnh giang mai bằng cách ngăn chặn sự tiếp xúc với vết loét, nhưng bạn nên biết rằng đôi khi vết loét giang mai xảy ra ở những khu vực không được bao cao su bảo vệ và nếu tiếp xúc với những vết loét này vẫn có thể truyền bệnh giang mai.


Theo Nhịp Sống Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc http://nhipsongviet.toquoc.vn/benh-giang-mai-bam-sinh-nguy-hiem-the-nao-co-chua-duoc-khong-22202026519925592.htm

Bệnh giang mai


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.