Bệnh nhân nhi bị sốt xuất huyết, tràn dịch màng phổi, bác sĩ đưa ra khuyến cáo

Bệnh nhân 14 tuổi có triệu chứng đau người, khó chịu 5 ngày mới được bố mẹ đưa vào bệnh viện khám thì trẻ đã trong tình trạng tràn dịch nhiều cơ quan như ổ bụng, màng phổi, tinh hoàn.

Trao đổi với chúng tôi, BS. Vũ Thị Mai, khoa Nhi-BV Thanh Nhàn cho biết, tính đến nay đơn vị đang điều trị cho khoảng 7 trường hợp bệnh nhi bị sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca tình trạng nặng.

Cụ thể. 2 trường hợp bệnh nhi tuổi 13-14 bị nặng hơn so với độ tuổi nhỏ. Các bác sỹ tại khoa đã điều trị tích cực. 

Theo BS Mai, trong số các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đáng chú ý trường hợp bé trai14 tuổi bị sốt ở nhà đã 5 ngày mới được gia đình đưa vào bệnh viện khám.

Bệnh nhân nhi bị sốt xuất huyết, tràn dịch màng phổi, bác sĩ đưa ra khuyến cáo-1
Bệnh nhân nhi nhập viện tăng đột biến

Tình trạng bệnh nhân nhập viện khi đã bị tràn dịch ổ bụng, màng phổi, tràn dịch tinh hoàn, sần nốt dày; tiểu cầu giảm thấp, có hiện tượng chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen. Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhi đã tiến triển tốt và được chuyển xuống phòng chăm sóc bình thường.

Các phụ huynh cần lưu ý những điểm này

BS Mai cho hay, bệnh sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà bởi bệnh có diễn biến theo chu kỳ và tự khỏi, tuy nhiên, các bác sỹ lưu ý: Các ca sốt xuất huyết nặng ở nhà chủ yếu do bố mẹ chủ quan. Khi thấy con hết sốt bố mẹ nghĩ khỏi bệnh rồi nhưng đó là giai đoạn giảm tiểu cầu, nguy hiểm.

"Có nhiều bệnh nhân đến bệnh viện khám, bác sĩ nhận thấy có thể điều trị ở nhà nên đã cho thuốc theo đơn", BS Mai chia sẻ.

Bệnh nhân nhi bị sốt xuất huyết, tràn dịch màng phổi, bác sĩ đưa ra khuyến cáo-2
BS Mai đang thăm khám cho các bệnh nhân

Vì vậy, các phụ huynh cần theo dõi tình trạng mệt của con. Nếu trẻ đau bụng, nhịp tim nhanh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay. 

Đặc biệt, trong ngày thứ 4 của chu kỳ nên cho con đi xét nghiệm kiểm tra mức độ tiểu cầu để kịp thời có biện pháp chăm sóc.

"Ở bệnh nhân nhi chỉ số tiểu cầu ở mức bình thường là 140-150. Mức nguy hiểm là dưới 50, có xuất huyết một số nơi phải đưa trẻ vào viện ngay. Nhưng có thể tiểu cầu chưa giảm đến dưới 150 nhưng trẻ đã có xuất huyết thì vẫn nguy hiểm. Vậy nên để tránh những biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết, khi trẻ sốt kéo dài đến ngày thứ 4 với các trường hợp thông thường thì nên cho con đi khám, còn với những trẻ mệt nhiều thì nên cho con đi khám ngay để phát hiện kịp thời bệnh", BS. Mai khuyến cáo.

BS Mai cũng khuyến cáo, trong chăm sóc trẻ khi mắc sốt xuất huyết, không nên cho trẻ kiêng tắm vì đấy là cơ hội để trẻ nhiễm bệnh khác như nấm. 

Kiêng ăn càng không nên vì không đủ năng lượng, sức khoẻ, chống lại bệnh tật cũng như để tiểu cầu không bị giảm quá.

Dinh dưỡng cho trẻ SXH khi sốt cần bổ sung nhiều nước kể cả khi hết sốt. Giai đoạn tiểu cầu đã giảm nên ăn đồ dễ tiêu, đồ ăn lỏng.

Bệnh nhân nhi bị sốt xuất huyết, tràn dịch màng phổi, bác sĩ đưa ra khuyến cáo-3
Phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị cho con

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue có trong muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti). Bệnh có khả năng lây truyền từ người nay qua người khác qua vật trung gian là muỗi vằn, thời gian phát bệnh chỉ từ 4 – 5 ngày sau khi nhiễm mầm bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả.

Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm nào trong năm?

Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm tháng 3 – tháng 4 và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên muỗi vằn sinh sản rất nhiều. Hai khoảng thời gian này cũng chính là thời điểm bùng phát mạnh mẽ dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc. Còn ở miền Nam, bất kỳ thời gian nào cũng có thể xảy ra dịch sốt xuất huyết do sự phân bố dày đặc của muỗi vằn.

4 giai đoạn phát triển của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết có 4 giai đoạn phát triển quyết định tới việc bệnh có tự khỏi được hay không?

Giai đoạn 1: Ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh sẽ có thời gian kéo dài trung bình từ khoảng 4 – 7 ngày. Tùy theo cơ địa và khả năng miễn dịch của từng người mà virus Dengue sẽ nhân số lượng lên dần dần, khi đủ số lượng sẽ dẫn đến biểu hiện cụ thể và bệnh sốt xuất huyết chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2: Sốt Dengue

Khoảng 2 – 7 ngày là thời gian kéo dài của giai đoạn sốt Dengue và đi kèm dấu hiệu tương tự như cảm cúm. Giai đoạn sốt Dengue không nguy hiểm nhưng có thể xuất hiện những triệu chứng khó chịu như nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, buồn nôn… đặc biệt sẽ bị sốt cao từ 39 đến 40 độ C.

Giai đoạn 3: Nguy hiểm

Đa số người bệnh sẽ không không còn sốt trong giai đoạn 3, tuy nhiên đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, mang tính quyết định xem bệnh sốt xuất huyết có diễn biến trầm trọng hay không?

Virus Dengue đã khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu đi rất nhiều ở giai đoạn 3 nên số lượng bạch cầu, tiểu cầu giảm đi đáng kể, khả năng đề kháng của người bệnh bị ảnh hưởng. Vậy nên người bệnh cần có sự theo dõi và thăm khám hàng ngày từ bác sĩ.

Giai đoạn 4: Phục hồi

Sau khi vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, cơ thể của người bệnh sẽ phục hồi dần dần, nhịp tim và huyết động ổn định, đi tiểu nhiều, cảm giác khát nước và thèm ăn.

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết

Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có triệu chứng bệnh sốt xuất huyết tương tự nhau, sẽ có một trong hai trường hợp xảy ra khi người bệnh nhiễm phải virus Dengue gây bệnh là xuất huyết biểu hiện ra bên ngoài hoặc xuất huyết nội tạng.

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ (dạng cổ điển)

Ở thể nhẹ, người lớn sẽ có biểu hiện sốt xuất huyết rầm rộ hơn trẻ em. Các biểu hiện điển hình xuất hiện và không gây ra biến chứng. Trong vòng 4 – 7 ngày tính từ sau khi bị muỗi đốt truyền mầm bệnh sẽ bắt đầu bằng triệu chứng sốt và kèm theo những biểu hiện khác như:

Đau phía sau mắt

Đau nhức đầu nghiêm trọng

Đau cơ và khớp

Sốt cao lên tới 40,5 độ C

Phát ban trên da

Buồn nôn và nôn

Thể sốt xuất huyết gây xuất huyết nội tạng

Triệu chứng sốt xuất huyết nội tạng sẽ bao gồm xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não.

Khi bị xuất huyết đường tiêu hóa, người bệnh sẽ bị đau đầu bình thường và sốt nhẹ, phát ban không xảy ra. Khoảng 2 ngày sau, người bệnh sẽ đi ngoài ra máu, phân màu đen hoặc đi ngoài ra máu tươi, xuất hiện các chấm xuất huyết trên da, người mệt mỏi, da tái xanh…

Rất khó nhận biết trường hợp xuất huyết não vì triệu chứng sốt xuất huyết sẽ không rõ ràng, người bệnh có thể chỉ bị sốt, đau đầu, tay chân tê liệt hoặc liệt nửa người, hôn mê và dẫn đến tử vong.

Biểu hiện sốt xuất huyết Dengue (hội chứng sốc Dengue)

Thể bệnh sốt xuất huyết Dengue bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ, kèm theo triệu chứng chảy máu, huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt, hạ huyết áp…

Đây được coi là thể bệnh nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, xảy ra ở người bệnh trong lần nhiễm bệnh sau, khi cơ thể đã có miễn dịch chủ động hoặc thụ động với một loại kháng nguyên virus. Bệnh sẽ tiến triển nặng hơn sau khoảng 2 – 5 ngày và gây tử vong nhanh chóng.

Theo Tổ Quốc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://toquoc.vn/benh-nhan-nhi-bi-sot-xuat-huyet-tran-dich-mang-phoi-bac-si-dua-ra-khuyen-cao-20220922122011978.htm

Tràn dịch màng phổi

sốt xuất huyết


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.