Bệnh tâm thần gia tăng hậu Covid-19

Ngày càng nhiều báo cáo về tình trạng người khỏe mạnh gặp phải chứng lo âu cực độ, hoang tưởng và ảo giác không lý do. Điều này khiến các chuyên gia lo lắng và chưa thể lý giải.

Ngay từ đầu đại dịch, nhiều nghiên cứu đã cho thấy Covid-19 có thể tác động sâu sắc tới sức khỏe tâm thần và thể chất của người dân trên toàn cầu. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Covid-19 là thủ phạm khiến tỷ lệ lo âu và trầm cảm tăng lên 25%, đặc biệt ngay cả ở những người chưa từng bị bệnh.

Nhiều yếu tố khiến bệnh tâm thần gia tăng

Với những người đã nhiễm nCoV, nguy cơ mắc các bệnh tâm thần càng cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra bệnh nhân khỏi Covid-19 có khả năng mắc trầm cảm, lo âu sau một năm nhiễm virus, đồng thời, họ cũng dễ gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ, lạm dụng chất kích thích.

Với nhóm nhỏ bệnh nhân, tình trạng này có thể xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng. Trong hơn hai năm qua, các bác sĩ trên khắp thế giới đã công bố nhiều báo cáo mô tả chứng rối loạn tâm thần liên quan Covid-19, ngay cả ở người từng khỏe mạnh nhưng sau khi khỏi bệnh, họ đột nhiên có ảo giác hoặc hoang tưởng bạo lực.

Bệnh tâm thần gia tăng hậu Covid-19-1
Thanh thiếu niên và phụ nữ là nhóm người bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần nhiều nhất hậu Covid-19. Ảnh: iStock.

Theo WHO, lý do chính khiến tỷ lệ trầm cảm, lo âu tăng cao chưa từng có là giãn cách xã hội trong đại dịch. Sự đứt gãy xã hội, hạn chế khả năng giao tiếp, tìm kiếm hỗ trợ từ người thân yêu hay không thể tham gia với cộng đồng khiến nhiều người bị cô đơn, đối diện cảm giác sợ lây nhiễm, đau khổ, mất mát người thân, lo lắng về tài chính. Trong số các nhân viên y tế, tình trạng kiệt sức là nguyên nhân chính dẫn đến suy nghĩ tự tử.

Theo Huff Post, chúng ta đang đối mặt cơn bão hậu Covid-19 với hàng loạt vấn đề sức khỏe tâm thần. WHO ví nó là “tảng băng chìm” và hàng triệu người đang phải đối phó với hội chứng Covid-19 kéo dài. Cảm giác không chắc chắn và nỗi đau thể xác, tinh thần vẫn rình rập, nuốt chửng nhiều người đã khỏi bệnh.

Các báo cáo mà WHO thu thập được cho thấy đại dịch ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, phụ nữ nhiều nhất. Họ có xu hướng tự sát, tự làm hại bản thân nhiều hơn. Ngoài ra, những phụ nữ có tình trạng sức khỏe thể chất như hen suyễn, ung thư, bệnh tim, có nhiều khả năng gặp các triệu chứng rối loạn tâm thần hơn.

Hiện tượng bí ẩn hậu Covid-19

Bên cạnh các yếu tố khách quan, nhiều chuyên gia cho rằng bệnh tâm thần gia tăng hậu Covid-19 còn là do tác động của virus lên cơ thể. SARS-CoV-2 khiến con người có nguy cơ gặp nhiều vấn đề như viêm nhiễm, cục máu đông - những yếu tố này có thể gây ảnh hưởng não. Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy virus xâm nhập trực tiếp vào não bộ.

Dù vậy, điều khó khăn nhất chính là mối quan hệ giữa Covid-19 và vấn đề sức khỏe tâm thần rất phức tạp. Các chuyên gia nhận thấy những người bị tâm thần phân liệt, rối loạn tâm trạng (như trầm cảm) có nguy cơ cao hơn khi mắc bệnh. Nhưng nguyên nhân không thể lý giải.

Một số giả thuyết cho rằng người mắc chứng tâm thần phân liệt bị rối loạn hệ miễn dịch tiềm ẩn, dễ khiến họ trở nặng khi mắc Covid-19. Họ cũng không loại trừ khả năng các yếu tố xã hội gây ra tác động này.

Hiện tại, chúng ta chưa có ước tính cụ thể số người mắc các bệnh tâm thần sau khi khỏi Covid-19.

Năm 2021, TS Crisopher Barley, nhà tâm thần miễn dịch học tại Đại học California San Francisco, Mỹ, quan sát 3 thanh thiếu niên bị tâm thần nặng và đột ngột sau khi mắc Covid-19.

Ông đặt giả thuyết các virus khác (ví dụ herpes simplex), có thể xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm não tự miễn và dẫn đến rối loạn tâm thần. Nhưng vị chuyên gia cũng cảnh báo các bằng chứng hiện tại cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trực tiếp vào tế bào não vẫn còn “yếu”.

Một giả thuyết mà TS Bartley cảm thấy khá thuyết phục là chứng rối loạn tâm thần tự miễn dịch. SARS-CoV-2 tàn phá hệ thống miễn dịch đến mức cơ thể bắt đầu tấn công chính nó, bao gồm cả hệ thống thần kinh trung ương. Nhưng đây mới là lý thuyết. Các bác sĩ không tìm thấy dấu hiệu sinh học của chứng rối loạn tâm thần tự miễn dịch trên người thật.

“Chứng rối loạn tâm thần hậu Covid-19 rất bí ẩn. Hầu hết trường hợp xảy ra đều bất thường và chúng tôi không rõ vì sao”, TS Barley nhận định.

Bệnh tâm thần gia tăng hậu Covid-19-2
Đứt gãy xã hội, cảm giác cô đơn, mất mát, áp lực tài chính, cuộc sống bấp bênh khiến ngày càng nhiều người trầm cảm, lo âu, thậm chí có ý định tự tử hậu Covid-19. Ảnh: Shutter Stock.

Lời kêu gọi

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần nhấn mạnh giới nghiên cứu cần xem xét nghiêm túc hiện tượng gia tăng bệnh tâm thần hậu Covid-19. Bản thân chứng rối loạn tâm thần vẫn chưa được điều trị. Nhiều người phải chờ đợi vài năm trước khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức y tế. Vì vậy, với một số trường hợp, thời điểm rối loạn tâm thần của họ là ngẫu nhiên.

TS Barley cho rằng còn quá sớm để nói về những triển vọng điều trị rối loạn tâm thần hậu Covid-19. Song, chúng ta có một số lý do để hy vọng.

“May mắn là một số ca rối loạn tâm thần hậu Covid-19 có những triệu chứng tự khỏi mà không cần can thiệp. Chúng tôi chưa nhận thấy SARS-CoV-2 dẫn tới bệnh tâm thần phân liệt - bệnh lý rối loạn đeo bám người mắc cả đời. Đây là điều tạm thời chúng ta có thể yên tâm”, vị chuyên gia nói thêm.

Tuy nhiên, một số người khỏe mạnh vẫn gặp phải tình trạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng không rõ lý do. Đây là thách thức với các chuyên gia y tế trong điều trị và phòng ngừa.

Rối loạn tâm thần có thể được điều trị bằng cách kết hợp liệu pháp tâm lý và thuốc chống loạn thần. Một số người cần được chăm sóc trong bệnh viện hoặc cơ sở phục hồi chức năng. Người bị tâm thần phân liệt cũng có nhiều cách để kiểm soát và sống chung với nó.

Nhưng điều quan trọng là các bác sĩ phải hiểu được nguyên nhân gốc rễ. Và ở thời điểm hiện tại, quá nhiều câu hỏi mà họ chưa thể giải đáp.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/benh-tam-than-gia-tang-hau-covid-19-post1308949.html

Covid-19

Bệnh tâm thần


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.