Biện pháp quan trọng để người dân không nhiễm nCoV khi đi chợ

Theo bác sĩ Lưu Quang Minh, người dân nên rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong ít nhất 20 giây khi vừa trở về nhà từ chợ và một lần nữa sau khi cất đồ đạc.

Sau hơn 4 tháng kể từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát (27/4 đến nay), Việt Nam đang từng bước tiến tới việc sống chung với SARS-CoV-2 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo đó, trong thời gian tới, các siêu thị, chợ, cửa hàng tại những địa phương trước đó phải giãn cách xã hội sẽ được mở cửa và hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, để sống chung với Covid-19 an toàn, bản thân người dân cũng phải tự ý thức được việc phòng tránh lây nhiễm để bảo vệ chính mình cũng như gia đình, đặc biệt ở môi trường tập trung đông người như siêu thị chợ...

Nguy cơ lây nhiễm khi đi mua sắm

Bác sĩ Lưu Quang Minh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết: “Bất kỳ ai mắc Covid-19 đều có thể làm lây lan SARS-CoV-2, ngay cả khi họ không có triệu chứng. Do đó, người dân khi đi mua thực phẩm khó tránh khỏi các nguồn phơi nhiễm tiềm năng".

Theo lý thuyết, các nghiên cứu đã chỉ ra SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu từ người sang người thông qua 3 con đường chính gồm: Tiếp xúc, giọt bắn và không khí.

Biện pháp quan trọng để người dân không nhiễm nCoV khi đi chợ-1
Một người dân mua thực phẩm tươi sống tại trung tâm thương mại thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Nhật Sinh.

Cụ thể, người bệnh thường thở ra các giọt bắn và hạt rất nhỏ chứa virus. Những giọt và hạt này có thể bị người khác hít vào hoặc rơi xuống mắt, mũi, miệng của họ khi F0 ho, hắt hơi, nói chuyện. Ngoài ra, người dân cũng có thể bị lây bệnh sau khi chạm vào bề mặt hoặc vật thể có virus, sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng.

Với nguyên tắc đó, những người ở gần F0 ít hơn 2 m có nhiều khả năng nhiễm nCoV nhất. Tại các khu chợ, trung tâm thương mại, siêu thị..., bác sĩ Minh cho rằng có 3 tình huống dễ dẫn đến lây nhiễm SARS-CoV-2:

- Tiếp xúc gần với người bán hàng nhiễm nCoV

- Chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của mình sau khi mua hàng

- Chạm vào tiền mặt hoặc hàng hóa mà người bán hàng hoặc nhân viên thu ngân nhiễm nCoV đã chạm trước đó.

Sau khi nhiễm virus, người lớn tuổi và người có các tình trạng bệnh lý nền nghiêm trọng có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng do Covid-19. Do đó, người dân khi đi chợ, siêu thị, trung tâm thương mại..., cần đặc biệt lưu ý, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

Phòng tránh lây nhiễm nCoV khi mua sắm

Theo bác sĩ Lưu Quang Minh, nguyên tắc đầu tiên để tránh lây nhiễm nCoV khi phải đi mua sắm đồ dùng thiết yếu là hạn chế thời gian ở những khu vực đông người.

"Người dân nên chuẩn bị trước một danh sách mua sắm để không mất nhiều thời gian khi đi chợ, siêu thị, trong các cửa hàng hoặc trung tâm thương mại. Việc này cũng giúp bảo vệ cả bạn và nhân viên cửa hàng", bác sĩ Minh gợi ý.

Vị chuyên gia này cũng khuyên người dân nên mua thực phẩm đủ cho gia đình sử dụng trong khoảng thời gian từ một đến 2 tuần mỗi lần mua sắm.

Tại chợ, cửa hàng, siêu thị hoặc trung tâm thương mại, bác sĩ Minh khuyên người dân vẫn nên thực hiện biện pháp phòng tránh lây nhiễm cơ bản là mang khăn che mặt và đeo khẩu trang.

Ngoài ra, mọi người cũng nên mang theo hoặc sử dụng khăn do cửa hàng cung cấp để lau tay cầm của giỏ hàng, xe đẩy. Trong khi đó, nếu sử dụng túi mua sắm có thể tái sử dụng, người dân cần đảm bảo chúng được làm sạch hoặc giặt sạch trước mỗi lần dùng.

"Mọi người nên thực hành giãn cách xã hội khi mua sắm, giữ khoảng cách ít nhất 2 m giữa bạn và những người mua sắm khác hoặc nhân viên cửa hàng", bác sĩ Minh nói.

Biện pháp quan trọng để người dân không nhiễm nCoV khi đi chợ-2
Các biện pháp phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 được thực hiện tại một quầy thu ngân thuộc trung tâm thương mại ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Nhật Sinh.

Vị chuyên gia này cũng khuyến khích người dân sử dụng các tùy chọn thanh toán không chạm (Internet banking, QR code) nếu có thể, từ đó hạn chế việc xử lý tiền mặt hay các loại thẻ như thẻ ATM, thẻ tín dụng...

Ông nói thêm: "Mọi người cũng có thể lựa chọn mua sắm từ xa, gửi tiền, giao hàng, nhận hàng gián tiếp hoặc mua qua điện thoại để hạn chế tiếp xúc".

Nếu phải dùng tiền mặt, người dân cần lưu ý không chạm lên vùng mặt sau khi thanh toán mà không rửa tay. Một cách khác là đặt tiền trực tiếp trên quầy khi thanh toán và yêu cầu người bán hàng hoặc nhân viên thu ngân làm tương tự.

"Việc sát khuẩn tay sau khi đổi hoặc thanh toán tiền mặt là bắt buộc", bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Ngoài ra, người mua hàng cũng được khuyến cáo cần làm sạch và khử trùng một số bề mặt trước khi dùng như máy trạm, máy tính tiền, thiết bị thanh toán, tay nắm cửa, bàn và mặt bàn...

Sau khi trở về nhà, mọi người rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong ít nhất 20 giây và làm một lần nữa sau khi cất đồ đạc.

Bác sĩ Minh giải thích: "Thực hành vệ sinh tay đúng cách là biện pháp kiểm soát nhiễm trùng quan trọng từ nhân viên y tế đến toàn dân. Chúng ta có thể sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn chứa ít nhất 60% cồn. Dẫu vậy, chúng ta vẫn không thể thay thế việc rửa tay bằng xà phòng và nước".

Dù chưa có bằng chứng về việc lây lan nCoV qua đóng gói thực phẩm, người dân cũng có thể lau bao bì sản phẩm và để khô trong không khí như một biện pháp bổ sung.

Với thực phẩm, bác sĩ Minh khuyến cáo trước khi ăn, người dân nên rửa trái cây và rau tươi dưới vòi nước chảy, cả những loại còn vỏ, vỏ không ăn được.

Các loại thịt, gia cầm, trứng, hải sản và thực phẩm dễ hỏng khác như quả mọng, rau diếp, rau thơm và nấm cũng cần được cho vào tủ lạnh hoặc đông lạnh trong vòng 2 giờ sau khi mua.

Bên cạnh đó, người dân nên vệ sinh quầy bếp bằng sản phẩm khử trùng thường xuyên; Luôn ghi nhớ 4 bước cơ bản về an toàn thực phẩm: Làm sạch, riêng biệt, nấu chín và làm lạnh.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/bien-phap-quan-trong-de-nguoi-dan-khong-nhiem-ncov-khi-di-cho-post1263779.html

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.