Bộ Y tế chỉ ra 5 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ; Tăng cường giám sát biến thể phụ BA.4, BA.5

Liên tục trong tuần này số ca COVID-19 ở nước ta đã gia tăng; trong khi biến thể phụ mới BA.4, BA.5, BA.2.12.1 xâm nhập, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ; 5 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị.

Ca COVID-19 mới và ca nặng đều tăng nhanh

Bộ Y tế cho biết ngày 29/7 có 1.803 ca COVID-19; Đây là ngày có số F0 cao nhất trong 75 ngày qua; Trong ngày có hơn 9 nghìn F0 khỏi và 1 trường hợp tử vong ở Quảng Ninh.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.776.484 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.713 ca nhiễm);

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi: 9.897.545 ca; Trong số các F0 đang điều trị và theo dõi có 45 trường hợp thở oxy (cao hơn ngày trước đó 14 trường hợp), trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 43 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca.

Bộ Y tế chỉ ra 5 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ; Tăng cường giám sát biến thể phụ BA.4, BA.5-1
Việc tiêm vaccine COVID-19 hiện tại vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh Ảnh: Trần Minh

Theo Bộ Y tế các biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch.

5 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị

Tại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người vừa ban hành Bộ Y tế cho biết đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng phân tuyến điều trị theo thể bệnh.

Theo đó, tại y tế xã/phường, quận/huyện sẽ điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh.

Tuyến tỉnh, trung ương sẽ tiếp nhận ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai), ca bệnh có biến chứng nặng.

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị:

- Giảm thị lực.

- Giảm ý thức, hôn mê, co giật.

- Suy hô hấp.

- Chảy máu, giảm số lượng nước tiểu.

- Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn

TP HCM chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng do biến thể Omicron BA.4 và BA.5, để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, Sở Y tế và Sở Giáo dục - đào tạo chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại TP HCM.

Các điểm tiêm sẽ được tổ chức tại trường học đối với trẻ đi học và điểm tiêm cộng đồng đối với trẻ không đi học.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các quận, huyện và TP Thủ Đức chịu trách nhiệm triển khai và công bố rộng rãi các điểm tiêm này để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đưa con em mình đến tiêm.

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 579,8 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.

Nhật Bản đang chứng kiến xu hướng gia tăng số ca mắc gần đây với tổng số ca mắc mới trong nước vượt 200.000 ca ngày 27/7. Trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/7 cho biết Nhật Bản có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất thế giới trong tuần tính đến ngày 24/7 với hơn 969.000 ca, sau đó là Mỹ với 860.000 ca và Đức với 570.000 ca.

Nhật Bản đang đối diện với làn sóng dịch thứ 7, do biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Theo WHO, có hơn 6,6 triệu ca mắc mới trên toàn cầu trong tuần qua, tăng khoảng 300.000 ca so với tuần trước đó.

Tại Ấn Độ, ngày 28/7 ghi nhận số ca mắc mới một lần nữa vượt mốc 20.000 ca. Cụ thể, có 20.557 ca mắc mới được báo cáo trong ngày 28/7, đưa tổng số ca mắc lên 43.959.321 ca. Số ca đang điều trị hiện là 146.323 ca. Ấn Độ cũng ghi nhận 44 ca tử vong trong ngày.

Chính phủ Ấn Độ đang tập trung thúc đẩy tiêm vaccine liều tăng cường khi tỷ lệ này vẫn còn thấp.

Bộ Y tế chỉ ra 5 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ; Tăng cường giám sát biến thể phụ BA.4, BA.5-2Sức khỏe
Những loại rau củ có thể khiến bạn béo phì, tăng cân ‘chóng mặt’ hơn cả thịt, cá

Theo Sức khỏe đời sống

Xem link gốc Ẩn link gốc https://suckhoedoisong.vn//sang-30-7-bo-y-te-chi-5-dau-hieu-nguy-hiem-cua-benh-dau-mua-khi-tang-cuong-giam-sat-bien-the-phu-ba4-ba5-169220730083255245.htm

đậu mùa khỉ

Bộ Y tế


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.