Các bệnh viện bật chế độ "phòng thủ" trước nguy cơ COVID-19 trở lại

Số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đang gia tăng đột biến trong những tuần qua. Theo các bác sĩ, triệu chứng chung của đợt COVID-19 lần này không quá nặng, nhưng các đối tượng là người cao tuổi, người có bệnh nền, có thể trạng kém… vẫn cần đặc biệt lưu ý.

Dấu hiệu đợt dịch mới

Trong tuần từ 5-11/4, cả nước ghi nhận 639 ca mắc mới COVID-19, trung bình 90 ca mỗi ngày. Qua phân tích 639 ca mắc mới đã ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2%) thuộc nhóm từ 50 tuổi trở lên, số ca nhập viện có xu hướng gia tăng và đã có hơn 10 ca nặng.

Các bệnh viện bật chế độ phòng thủ trước nguy cơ COVID-19 trở lại-1
Số ca mắc COVID-19 trong ngày 17/4 vượt mốc 1.000

Riêng ngày 17/4, cả nước có 1.031 ca mắc COVID-19. Đây là số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong ngày cao nhất trong đợt bùng phát dịch hiện nay. Trong ngày cũng có 2 bệnh nhân được công bố điều trị khỏi. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 14 ca phải thở oxy, gồm 12 ca thở oxy qua mặt nạ và 2 ca thở oxy dòng cao HFNC.

Theo ghi nhận tại các bệnh viện, thời gian qua, số lượng bệnh nhân COVID-19 đã gia tăng một cách đột biến. Các chuyên gia nhận định, đây là diễn biến chung của dịch, tức là sau thời gian ổn định và đất nước mở cửa trở lại, lượng bệnh nhân sẽ tăng lên khi quá trình giao lưu, đi lại gia tăng. Tuy nhiên, triệu chứng chung của COVID-19 đợt này không quá nặng, nhưng với người cao tuổi và những người thể trạng kém, có bệnh nền, thì mắc COVID-19 vẫn là vấn đề phải lưu ý.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô - nơi tiếp nhận chủ yếu bệnh nhân là người cao tuổi, số ca mắc COVID-19 đang tăng cao, gấp 5-6 lần so với thời điểm trước đó. BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt-Xô cho biết, nhiều bệnh nhân vào viện khi thấy có triệu chứng mệt mỏi, ho, sốt, nhưng không biết mình bị COVID-19. Sau khi vào viện và làm xét nghiệm kiểm tra mới xác định mắc bệnh.

“Các triệu chứng chủ yếu của người bệnh là đau mỏi người, đau đầu, sốt, ho và một số bệnh nhân có thể trạng kém thì có thêm triệu chứng khó thở. Đây là dấu hiệu cảnh báo có thể sẽ bùng phát một đợt dịch mới, mặc dù, người dân đã có miễn dịch từ vaccine và các lần mắc bệnh trước đó. Trước diễn biến dịch lần này, cần quan tâm tới đối tượng suy giảm miễn dịch, người già yếu và có nhiều bệnh nền”, BS Khiêm khuyến cáo.

Trong khuyến nghị mới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã dự báo virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả phòng, chống dịch. Do đó một trong những nhiệm vụ hiện nay là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai). Những đối tượng này khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng nên đeo khẩu trang; đồng thời phải tiêm chủng vaccine đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo.

Bệnh viện bật chế độ “phòng thủ”

Cũng theo BS Khiêm, tất cả các bệnh nhân vào Khoa cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, đều được xét nghiệm COVID-19, bởi dây là xét nghiệm sàng lọc để đảm bảo sự an toàn đối với “khoa cửa ngõ của bệnh viện”. Trong thời điểm dịch có xu hướng tăng trở lại, tất cả các bệnh nhân nhập viện đều được xét nghiệm nhanh, qua đó, ngăn ngừa nguồn lây từ bên ngoài vào bệnh viện, cũng như để có tiên lượng tốt hơn khi điều trị cho người bệnh.

Đối tượng vào Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô đa số là người già và đều có bệnh nền, do vậy, khoảng 60-70% là phải ở lại viện theo dõi và điều trị. Khoảng 30% bệnh nhân còn lại, sau khi được đánh giá ban đầu, nếu tất cả các triệu chứng ổn định, bệnh ổn định, thì bác sĩ có thể tư vấn và hướng dẫn điều trị tại nhà, điều trị online qua đường dây nóng.

Các bệnh viện bật chế độ phòng thủ trước nguy cơ COVID-19 trở lại-2
BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt-Xô

“Bệnh viện đã cung cấp hotline để bệnh nhân có thể liên hệ khi cần. Đa phần, bệnh nhân có triệu chứng 1-2 ngày tại nhà rồi mới vào viện, do vậy, nếu lây thì có thể đã lây sang người xung quanh rồi. Với khuyến cáo điều trị tại nhà, cũng giống như những đợt dịch trước, người bệnh cần thiết phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, nâng cao thể trạng bằng ăn uống và dùng các thuốc điều trị triệu chứng. Quan trọng nhất là các bệnh nhân sẽ được cấp một cuốn cẩm nang bỏ túi, để tự theo dõi các triệu chứng và biết khi nào thì cần thông báo với nhân viên y tế. Như vậy bệnh nhân cũng sẽ yên tâm hơn”, BS Khiêm cho biết thêm.

Để tăng cường và chủ động phòng dịch COVID-19 hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo, người dân đã tiêm đủ mũi vaccine cơ bản nhưng chưa được bổ sung mũi 3, 4 thì đến các trạm y tế xã, phường để tiêm. Bên cạnh đó, nếu có triệu chứng mắc bệnh nhẹ cần tự theo dõi, cách ly tại nhà, chỉ những trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao và triệu chứng biểu hiện nặng thì cần đến cơ sở y tế điều trị.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng, để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để giảm bớt sự lây nhiễm, Bộ Y tế khuyến cáo, đối với người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác...

Việc đeo khẩu trang trong các cơ sở khám chữa bệnh, trên các phương tiện công cộng là yêu cầu phòng, chống dịch./.

Theo VOV

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/xa-hoi/cac-benh-vien-bat-che-do-phong-thu-truoc-nguy-co-covid-19-tro-lai-post1014542.vov

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.