Chủng SARS-CoV-2 ở Đà Nẵng lây lan nhanh nhưng độc lực không tăng

Với những ca bệnh vừa ghi nhận tại Đà Nẵng, Việt Nam xác định thêm chủng virus gây Covid-19 thứ 6. Bộ Y tế đã đưa chủng này lên ngân hàng gene thế giới để so sánh.

Trong 4 ngày, Việt Nam ghi nhận 22 ca lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Đặc biệt, virus được phát hiện từ những ca bệnh này được xác định là chủng mới xuất hiện tại Việt Nam. Trước đây, Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau.

Thêm nhiều người nhiễm vì tốc độ lây nhanh

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay chủng virus vừa được ghi nhận trên các ca bệnh mới có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước. Kết quả phân tích nguồn gene từ các bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng cho thấy chúng xâm nhập từ bên ngoài.

Trả lời về điều này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, cho biết bản chất virus corona luôn có đột biến. Hiện nay, thế giới xác định được gần 99 chủng của loại virus này. Việt Nam mới ghi nhận chủng thứ 6, còn quá ít so với các chủng này trên thế giới.

Theo GS Kính, chủng mới có độ lây lan nhanh hơn rất nhiều nhưng độc lực so với virus ban đầu không tăng lên.

“Với chủng virus mới có độ lây lan nhanh, sẽ có thêm nhiều người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, chỉ 5% trong số đó diễn biến thành nguy kịch. Điều này lý giải vì sao ở thế giới vọt lên một triệu ca trong ba ngày và cán mốc hơn 16 triệu ca mắc trong thời gian qua nhưng số tử vong đang dần được kiểm soát”, BS Kính nói.

Chủng SARS-CoV-2 ở Đà Nẵng lây lan nhanh nhưng độc lực không tăng-1
Hiện nay, thế giới đã xác định được gần 99 chủng virus corona. Ảnh: Phạm Thắng.

BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết để xác định SARS-CoV-2 biến chủng hay không phải làm giải trình tự gene xem virus đó bản chất ban đầu có khác biệt gì không.

“Ngày trước, chúng ta nghĩ virus khó sống trong môi trường không khí nóng. Nhưng thời gian gần đây, dịch phức tạp hơn. Ngay cả những nơi nóng như châu Phi vẫn tồn tại virus này. Điều này cho thấy có sự thay đổi về điều kiện lây nhiễm virus”, BS Hùng nói.

Khi xác định được độ lây lan của virus chủng mới, Việt Nam sẽ cố gắng truy vết, cách ly từ F0 đến F3, cắt đứt đường lây truyền để nó không lây lan nhanh.

Những vùng có nhiều bệnh nhân thực hiện phong tỏa tạm thời quy mô nhỏ. Trong địa bàn có dịch phải giãn cách xã hội, tăng cường hoạt động dự phòng đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay, khuyến cáo người dân không tụ tập đông người.

Phải bình tĩnh chiến đấu

GS Kính khẳng định khi thế giới còn ca bệnh thì vẫn có nguy cơ lọt ca bệnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không hoang mang, sợ hãi và phải bình tĩnh chiến đấu.

“Chúng ta có kinh nghiệm giai đoạn một trong truy vết các ca bệnh. Về phong tỏa, chúng ta cũng đạt trình độ cao hơn, không cần phải phong tỏa cả nước như một số quốc gia. Chúng ta phong tỏa từng vùng có dịch để kiểm soát tình hình, giúp người dân yên ổn”, GS Kính cho hay.

Chỉ trong tháng 7, Đà Nẵng đón 80.000 lượt khách và nhiệm vụ của cơ quan chức năng là phải truy vết những người này.

Theo chuyên gia, mong muốn mở cửa phát triển kinh tế là nhu cầu của mọi quốc gia nhưng kinh tế và bệnh tật phải cân bằng. Nếu thiên về kinh tế, mở cửa sớm, chúng ta phải đối mặt với tình hình dịch bệnh khó kiểm soát. Nếu cố gắng kiểm soát, phong tỏa, giãn cách, kinh tế không phát triển.

Về tình hình điều trị, GS Kính cho hay bệnh nhân 418 có diễn biến nặng hơn BN416, đang phải sử dụng ECMO. Đây là bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp, thở máy, toan hô hấp rất nặng. Tại cuộc hội chẩn gần nhất, các chuyên gia đã bàn luận về việc điều trị cá thể hóa cho bệnh nhân này.

“Càng nhiều ca chạy ECMO, việc cung ứng máy móc và nhóm chuyên gia thực hiện cũng là vấn đề. Chúng ta phải dồn sức, triển khai điều phối quyết liệt nhanh chóng theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo và Tiểu ban Điều trị, cố gắng cứu chữa hiệu quả cao nhất. Không ai trong cuộc chiến này nói một cách duy ý chí là cứu được hết vì việc phục hồi còn phụ thuộc vào từng cá thể”, PGS Kính cho hay.

18h ngày 28/7, Bộ Y tế công bố Việt Nam có thêm 7 ca mắc Covid-19. Trong đó, 3 bệnh nhân ở Quảng Nam, 4 người còn lại ở Đà Nẵng. Một người là nhân viên y tế.

Như vậy, từ 25/7 đến nay, Việt Nam có 4 ngày liên tiếp đều ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng với 22 bệnh nhân được công bố ở 3 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Tính đến 18h ngày 28/7, Việt Nam có tổng cộng 438 ca mắc Covid-19, trong đó, 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Chủng SARS-CoV-2 ở Đà Nẵng lây lan nhanh nhưng độc lực không tăng-2

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/chung-sars-cov-2-o-da-nang-lay-lan-nhanh-nhung-doc-luc-khong-tang-post1112460.html

Covid-19

virus corona

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.