Chuyên gia BV Bạch Mai cảnh báo: 3 thủ phạm nguy hiểm gây bệnh "chết người trong gang tấc"

GS Nguyễn Gia Bình cho biết thói quen ăn uống không lành mạnh, rượu bia quá nhiều , lười vận động khiến bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp gia tăng.

GS Nguyễn Gia Bình cho biết thói quen ăn uống không lành mạnh, rượu bia quá nhiều , lười vận động khiến bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp gia tăng.

15 % bệnh nhân Viêm tụy cấp

Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai có 41 bệnh nhân thì có tới 6 bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp. GS Nguyễn Gia Bình – Nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực chia sẻ trước đây viêm tuỵ cấp chủ yếu do sỏi mật, giun chui ống mật, sỏi tụy … thì đến nay viêm tuỵ cấp ở nước ta chủ yếu là do uống quá nhiều rượu bia, hoặc tăng mỡ máu ( triglycerides)

Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Q. 39 tuổi, Vĩnh Phúc được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc lên Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán ban đầu viêm tuỵ cấp hoại tử rất nặng. Bác sĩ Bình cho biết khi nhập viện tuỵ của bệnh nhân hỏng hết, bệnh nhân bị tụt huyết áp, suy hô hấp, suy thận và hôn mê, rối loạn đông máu.

Các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật và hồi sức tích cực sau 1 tuần tiến triển có khá hơn nhưng tiên lượng sống vẫn chỉ là 50%.

 

Chuyên gia BV Bạch Mai cảnh báo: 3 thủ phạm nguy hiểm gây bệnh chết người trong gang tấc-1
Tuỵ là một bộ phận rất nhỏ, to hơn ngón tay nằm trong bụng có chức năng tiết enzim để nghiền thức ăn

Với đủ các loại ống cắm trên người, dây truyền, lọc máu anh Q. tạm qua cơn nguy hiểm. GS Bình cho biết bênh nhân có rối loạn mỡ máu. Người nhà anh Q. cho biết trung bình ngày nào anh Q. cũng uống nửa lít rượu và hút thuốc lá.

Cách đây không lâu, GS Bình cho biết một bệnh nhân là cán bộ của ngành hải quan cũng tử vong do viêm tuỵ cấp hoại tử sau 3 ngày liên hoan liên tục. Khi vào viện, bệnh nhân hoại tử, suy đa tạng, rối loạn đông máu dù cấp cứu liên tục nhưng vẫn không thể cứu được.

Hay như bệnh nhân Phạm Văn D. cũng quê Phúc Yên nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm theo nôn. Theo vợ anh D. cách đây 2 ngày anh D đi liên hoan họp lớp và sau đó đau bụng, gia đình đưa thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai.

Qua hơn 10 ngày điều trị, anh D. đã tỉnh táo và có thể ra viện. Bác sĩ cho biết trường hợp của anh D. bị viêm tuỵ cấp nhẹ. Tuy nhiên, vượt qua cửa tử anh D. cảm thấy mình may mắn.

Anh tâm sự làm nghề xây dựng, dân công trường khó tránh khỏi chén chú, chén anh. Lúc trước, anh chỉ nghĩ rượu bia gây bệnh gan chứ không nghĩ nó có thể dẫn ra bệnh bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh như thế.

Còn vợ anh Đ. cảm thấy hạnh phúc vì chồng chị đã trở về từ "cõi chết". Đến giờ chị vẫn lo lắng, hỏi han bác sĩ về việc ăn uống của chồng khi xuất viện làm thế nào để không bị viêm tuỵ trở lại.

Bia rượu + ăn nhiều + lười vận động: Nguy cơ viêm tuỵ cấp rất cao 

Bình thường người ta có hai quả thận, có hai con mắt nhưng tuỵ chỉ có 1 và khi bị viêm tuỵ cấp , tụy sẽ bị phù lên , trong trường hợp nặng tuỵ nhanh chóng bị hoại tử và lan rộng dẫn đến và biến chứng sốc và suy đa tạng rất nhanh. Để chẩn đoán viêm tuỵ cấp các bệnh viện tuyến dưới cũng có thể chẩn đoán được qua siêu âm, hoặc qua hình ảnh của chụp cắt lớp vi tính . 

Tuy nhiên để điều trị được viêm tuỵ cấp bệnh nhân phải được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt , các trường hợp nhẹ hầu hết bệnh nhân qua được. 

Nhưng thể nặng đặc biệt là thể hoại tử ngay cả ở các nước phát triển tỉ lệ tử vong vẫn còn cao tới 30% mặc dù đã áp dụng các kỹ thuật hồi sức hiện đại, phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa ( nội khoa, hồi sức, gây mê , phẫu thuật,dinh dưỡng ...). Vì vậy tiên lượng cho các bệnh nhân viêm tụy cấp thể hoại tử đã có biến chứng sốc và suy đa tạng là hết sức nặng nề.

Chuyên gia BV Bạch Mai cảnh báo: 3 thủ phạm nguy hiểm gây bệnh chết người trong gang tấc-2

Bệnh nhân viêm tuỵ cấp nặng nằm trong BV Bạch Mai

Có khoảng 80% viêm tụy cấp có nguyên nhân, 20% không rõ nguyên nhân. Ở Việt Nam, trước kia viêm tụy thường do sỏi hoặc do giun đũa chui vào ống mất hoặc sỏi trong ống tụy. Tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu đang tăng lên nhanh chóng. 

Theo Giáo sư Bình, hiện nay viêm tuỵ cấp do rượu chiếm tới 70% số ca nhập viện. Sau đó là viêm tụy cấp do tăng lipid máu ( triglycerides) do ăn quá nhiều chất đạm và kèm theo là lười vận động. Viêm tụy cấp do giun chui vào ống mật đã giảm nhiều.

GS Bình cảnh báo với thói quen sinh hoạt mà nhiều người vẫn coi là bình thường như uống rượu bia quá nhiều, ăn nhiều chất đạm, lười vận động như hiện nay thì việc ngày càng có đông người bị viêm tuỵ cấp sẽ không phải là chuyện lạ. 

Có những bệnh nhân nhập viện bác sĩ lọc máu phải thay màng lọc thường xuyên vì trong máu có quá nhiều mỡ gây tắc cả màng lọc . Không chỉ gây viêm tụy các nguyên nhân này cũng đang làm các bệnh tim mạch ( cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, huyết khối tắc mạch,...) hay đái tháo đường gia tăng một cách nhanh chóng.

Vì vậy GS Bình lưu ý, hiện nay chúng ta có điều kiện sống tốt hơn nhưng nếu chúng ta không biết điều chỉnh lối sống cho phù hợp thì chỉ làm hại cho chính chúng ta mà thôi.

Triệu chứng của viêm tuỵ cấp:

Thứ nhất: đau bụng, đau thường xuất hiện một cách đột ngột ở vùng thượng vị, có thể lan lên ngực, ra hai mạng sườn hai bên, xiên ra sau lưng. Đau bụng liên tục, dữ dội kéo dài nhiều giờ, có thể đau khởi phát sau khi ăn. Cũng có khi khởi phát tự nhiên.

Thứ 2 là nôn. Đa số người bệnh có nôn hoặc buồn nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau đó nôn ra dịch, nôn xong có thể đỡ đau hoặc không.

Thứ 3 là bí trung đại tiện: Do tình trạng liệt ruột , người bệnh không trung tiện, không đi ngoài, bụng trướng và đầy tức khó chịu.

Khi nào thấy người thân của mình có triệu chứng như vậy thì các bạn cần đưa ngay đế các cơ sở y tế để được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Theo Trí thức trẻ


bệnh tim mạch

Viêm tụy cấp


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.