Chuyên gia: Những vấn đề bệnh nhân COVID-19 cần chú ý sau khi khỏi bệnh

Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 trong giai đoạn phục hồi lo lắng về những vấn đề sức khỏe sẽ mắc phải sau khi khỏi bệnh. Chuyên gia y tế sẽ giải đáp thắc mắc vấn đề này.

Chuyên gia: Những vấn đề bệnh nhân COVID-19 cần chú ý sau khi khỏi bệnh-1
Ảnh minh họa.

Tổn thương tâm lý

Hiện nay diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 đang vô cùng phức tạp, biến chủng virus Delta lây lan nhanh khiến nhiều tỉnh thành có số ca mắc đột biến. Song song với đó, tính đến nay, cả nước đã điều trị khỏi cho 238.860/462.096 ca bệnh (tính đến ngày 1/9).

Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đã phục hồi và âm tính với SARS-CoV-2 nhưng vẫn lo lắng về những vấn đề sức khỏe có thể xảy ra trong giai đoạn này. Trao đổi với PV về vấn đề này, TS. BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết sau khi khỏi bệnh, người mắc COVID-19 thực tế sẽ có những tổn thương về tâm lý và tinh thần, nhất là những bệnh nhân nặng.

Chuyên gia: Những vấn đề bệnh nhân COVID-19 cần chú ý sau khi khỏi bệnh-2
TS. BS Đào Thị Yến Phi.

"Họ thường cảm giác ám ảnh về những cơn khó thở hay nỗi sợ hãi về cái chết, thường không thể mất đi trong thời gian đầu tiên, cộng thêm với nỗi lo lắng về khả năng tái phát, tái nhiễm, di chứng… làm bệnh nhân mất ngủ và căng thẳng. Tưởng chừng đây là chuyện nhỏ nhưng tình trạng này thường góp phần làm cho cuộc sống của bệnh nhân tệ hơn ngay cả khi các tổn thương thực thể không nghiêm trọng quá mức", BS Phi chia sẻ.

Ngoài ra, theo BS Phi, một số tình trạng gia tăng đáp ứng miễn dịch muộn cũng có thể xảy ra. Đây là tình trạng hệ miễn dịch gia tăng hoạt động theo hướng gây các bệnh lý dị ứng - tự miễn trên những người có cơ địa bệnh tự miễn. Điều này cũng tương tự như các bệnh lý thấp tim, thấp khớp, Kawasaki, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm cầu thận cấp… xảy ra sau một đợt viêm họng do vi trùng hay nhiễm siêu vi.

"Vì vậy, ngay cả khi test COVID-19 đã âm tính, một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân vẫn xuất hiện tình thế nguy cơ và vẫn phải tiếp tục được can thiệp y khoa. Cần theo dõi các triệu chứng như: Khó thở, đau ngực, phát ban, tiểu ít… và gọi cho y tế hay bác sĩ nếu cảm thấy triệu chứng đó bất thường", BS Phi cho hay.

Tổn thương phổi

Một vấn đề khác có thể xảy ra là việc hình thành sẹo xơ vi thể ở nhu mô phổi. Với các bệnh nhân có viêm phổi lan tỏa trước đó, màng phế nang – mao mạch sau giai đoạn viêm sẽ lành dần, dịch viêm rút đi, các xác hồng cầu hay xác tế bào được dọn dẹp và các sẹo xơ li ti được hình thành.

Có thể hình dung quá trình này giống như một vết xước da nặng sau một thời gian sẽ lành dần, lên da non và để lại một vết sẹo, khác biệt là các vết sẹo trong phổi thường rất li ti, chỉ nhìn thấy qua kính hiển vi, nên được gọi là tình trạng xơ hóa vi thể.

Nếu các vết sẹo xơ li ti trong phổi xuất hiện ít thì bệnh nhân không cần lo lắng, vùng phổi lành có thể bù được chức năng hô hấp. Nhưng nếu sẹo xơ dày đặc hoặc các phế nang bị bít tắc nhiều, điều này có thể làm phổi giảm co giãn khi hô hấp sau này.

Về việc chẩn đoán người nào sẽ có sẹo xơ, nhiều hay ít, sẹo kiểu nào… thì còn tùy cơ địa, tùy vào tổn thương phổi nặng hay nhẹ, lứa tuổi, bệnh nền, tình trạng dinh dưỡng…

Chuyên gia: Những vấn đề bệnh nhân COVID-19 cần chú ý sau khi khỏi bệnh-3
Hình ảnh xơ phổi ở bệnh nhân mắc COVID-19.

"Hoặc một số bệnh nhân cũng sẽ có nguy cơ suy kiệt khối cơ và trống rỗng các kho dự trữ dưỡng chất trong cơ thể, bao gồm suy giảm khối cơ và giảm các chất dinh dưỡng đã sử dụng triệt để trong quá trình chống lại bệnh.

Khối cơ, bao gồm cơ bắp và các tế bào của các cơ quan, bị teo nhỏ, bị mất các sợi cơ, bị tổn thương hay hư hỏng các tế bào… Điều này xảy ra ở hầu hết các hệ cơ quan của bệnh nhân sau đợt bệnh, từ hệ tiêu hóa đến gan mật, từ hệ hô hấp đến tuần hoàn... Có bệnh nhân sụt cả chục kg sau đợt bệnh.

Số cân nặng này chủ yếu do giảm khối cơ vì sinh lý trong giai đoạn bệnh là cơ thể sẽ ưu tiên dùng chất đạm nhiều hơn chất béo cho các hoạt động chuyển hóa của mình.

Kho dự trữ các chất dinh dưỡng ít như vitamin nhóm B, C thường cạn kiệt; các chất dinh dưỡng dự trữ nhiều hơn như vitamin A, D (dự trữ trong gan), chất khoáng (dự trữ trong xương) cũng bị hao hụt rất nhiều", BS Phi phân tích.

Lời khuyên từ chuyên gia

Từ những nguy cơ trên, BS Phi khuyên bệnh nhân nên tập thở nhẹ nhàng. Đây là phần quan trọng nhất để chống tình trạng giảm độ đàn hồi (compliance) của phổi. Nói cách khác, tập thở sẽ giúp phổi co giãn tốt khi thở sau này.

Chuyên gia: Những vấn đề bệnh nhân COVID-19 cần chú ý sau khi khỏi bệnh-4
Tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 khi đã phục hồi nên tập thở để giúp bệnh hồi phục nhanh hơn. Ảnh: AT.

Thở bao gồm hít vào và thở ra. Động tác hít vào cần nhẹ nhàng, chậm, sâu, phình bụng ra từ từ để không khí ùa vào trong các phế nang nhỏ, tách các phế nang đang viêm dính ra, làm phế nang căng lên. Khi thở ra, cũng cần thở chậm vừa, thở ra đến cuối thì hóp bụng lại nhẹ nhẹ để ép phế nang chặt lại, đẩy hết không khí thừa ra ngoài.

Trong giai đoạn mới hết bệnh, tập thở nhiều và nặng sẽ gây ho và gây đau. Không cần phải gắng sức đến mức gây ho và gây đau, nhưng vẫn phải tập. Khi nào hít vào có cảm giác đau thì dừng lại, thở ra rồi lập lại chu kỳ hít vào tiếp theo. Nếu cảm thấy mệt, có thể tập khoảng 10 lần rồi nghỉ một chút, sau đó tập tiếp. Kèm với tập thở, cần uống đủ nước để làm lỏng đàm nhớt giúp thông thoáng đường thở, làm lỏng máu giúp hệ tuần hoàn hoạt động tốt hơn.

"Ngoài ra, dinh dưỡng trong giai đoạn phục hồi chính là phần quan trọng để phục hồi khối cơ, sửa chữa các hư hỏng của tế bào ở các cơ quan, và khôi phục các kho dự trữ dưỡng chất trong cơ thể", BS Phi nói.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-nhung-van-de-benh-nhan-covid-19-can-chu-y-sau-khi-khoi-benh-161210109143215639.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.