Cô gái Hà Nội 25 tuổi có buồng trứng lão hoá như 50, không thể có con

Cô gái trẻ độc thân hoàn toàn suy sụp khi nghe bác sĩ thông báo, buồng trứng đã lão hoá như phụ nữ mãn kinh, không thể có con.

20-30 tuổi đã mãn kinh

Ở độ tuổi 25, Mai Hoa (Hà Nội) luôn nghĩ mình đang ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời, vóc dáng thanh xuân, sức khoẻ dồi dào. Cô cũng chưa có ý định kết hôn vì muốn tận hưởng nốt những ngày tháng thanh xuân rực rỡ.

Tuy nhiên vài tháng trở lại đây, cô thường xuyên thấy trong người khó chịu không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, 3 tháng qua, cô không thấy kinh nguyệt. Lo sợ có bất thường, Hoa đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội thăm khám.

BS Nguyễn Phúc Hoàn chỉ định Hoa làm xét nghiệm AMH để đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng. Kết quả chỉ số AMH dưới 0,1 ng/mL, tương đương phụ nữ độ tuổi 50.

Cô gái Hà Nội 25 tuổi có buồng trứng lão hoá như 50, không thể có con-1

Bác sĩ tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép soi trứng trong phòng lab để kiểm tra chất lượng. Ảnh: T.Hạnh

Khi nhận kết quả, cô gái trẻ rất sốc và tuyệt vọng. Cô cầu cứu bác sĩ xem có cách nào để có thể lấy được trứng trữ đông. Tuy nhiên khi tiêm kích trứng, buồng trứng vẫn không đáp ứng. BS Hoàn khuyên cô sau này có thể xin trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

BS Hoàn cho biết, ở độ tuổi của Hoa, chỉ số AMH phải từ 2,2 – 6,8 ng/mL. Nếu chỉ số này dưới 0,5, buồng trứng đã còn rất ít, khả năng đậu thai vô cùng khó khăn.

Theo BS Hoàn, độ tuổi phụ nữ mãn kinh dao động từ 40-50 tuổi, tuy nhiên không chỉ Hoa, thời gian qua có rất nhiều cô gái trẻ trong độ tuổi 20-30 đến khám và đều phát hiện suy buồng trứng, mãn kinh sớm không rõ nguyên nhân.

“Hầu hết các trường hợp này đến viện khám vì bị rối loạn kinh nguyệt, đột ngột mất kinh, vòng kinh ngắn bất thường chỉ còn 24-25 ngày, kết hôn mãi chưa có con hoặc đã có 1 con nhưng muốn sinh thêm con không được”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Ngoài ra cũng có những trường hợp tình cờ phát hiện ra bệnh khi đi khám phụ khoa.

ThS.BS Trịnh Thị Ngọc Yến, Trung tâm hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép chia sẻ thêm, trong quá trình làm hỗ trợ sinh sản từng gặp trường hợp nữ bệnh nhân Lan Hương ở Bắc Giang bị suy buồng trứng sớm khi mới 24 tuổi.

Cô kết hôn cách đây hơn 1 năm nhưng chưa có con. Cặp vợ chồng trẻ sốt ruột xuống Hà Nội kiểm tra. Trong khi chồng hoàn toàn bình thường thì chỉ số AMH của Hương chỉ còn 0,1, nang cơ sở chỉ còn 2, trong khi bình thường từ 15-20.

Bác sĩ khuyên vợ chồng Hương nên làm thụ tinh ống nghiệm ngay khi còn kích được trứng. Lần đầu, bác sĩ kích được 3 trứng, tạo được 2 phôi nhưng chất lượng đều rất xấu không thể chuyển phôi. Tiếp tục kiên trì làm thêm lần 2, kích được 4 trứng, tạo được 4 phôi và may mắn Hương đã đậu thai, hiện đang mang thai được 10 tuần.

Kém may mắn hơn là trường hợp nữ bệnh nhân 31 tuổi ở Hà Nội. Cô đã có con gái đầu lòng, nhưng 6 tháng nay kinh nguyệt không xuất hiện, kèm theo đó là thường xuyên thấy bốc hoả, cáu gắt, khô âm đạo như phụ nữ mãn kinh.

Với trường hợp này, BS Yến cho biết, chỉ số AMH chỉ còn dưới 0,01 ng/mL, trong khi các chỉ số nội tiết FSH và LH đều cao trên 40 UI/L (gấp 4 lần bình thường) nên được chẩn đoán suy buồng trứng sớm. Khi siêu âm, 1 bên buồng trứng của nữ bệnh nhân đã teo nhỏ, bên còn lại không có nang.

Theo BS Yến, trường hợp này thực hiện kích trứng cũng hầu như không mang lại kết quả vì vậy bác sĩ tư vấn bệnh nhân đi xin trứng để có cơ hội làm mẹ.

Nên đánh giá chức năng buồng trứng trước khi có con

BS Hoàn cho biết, trên thế giới có nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng 9-24% trường hợp cần hỗ trợ sinh sản bị suy giảm buồng trứng.

Tại Việt Nam vẫn chưa có số liệu thống kê song tại trung tâm, số lượng nữ bệnh nhân trẻ tuổi đến khám và phát hiện bị suy buồng trứng ngày càng nhiều. Khi bị suy giảm buồng trứng sớm, có người sau 1-2 năm đã mãn kinh hoàn toàn, có người may mắn kéo dài được vài năm.

Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới, vừa sản xuất hormone sinh dục vừa sản xuất trứng phục vụ quá trình sinh sản. Thông thường, một phụ nữ ở tuổi dậy thì sẽ có 300.000 – 400.000 trứng. Qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, số trứng và nang trứng dự trữ sẽ giảm dần và thường “chạm đáy” ở độ tuổi 45-50, khi đó phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.

Theo BS Hoàn, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây suy giảm buồng trứng ở những người trẻ, song các nghiên cứu gần đây phát hiện có liên quan đến yếu tố gia đình.

Cô gái Hà Nội 25 tuổi có buồng trứng lão hoá như 50, không thể có con-2

BS Hoàn thực hiện chuyển phôi cho bệnh nhân

Như trường hợp Đặng Hoàng Anh, 27 tuổi ở Hà Nội. Sau thời gian dài lấy chồng không có con, cô đến Bệnh viện Đại học Y thăm khám thì phát hiện suy buồng trứng. Bác sĩ tiêm thuốc kích trứng, thu được 1 nang nhưng không có noãn.

Sau đó Hoàng Anh cậy nhờ em gái kém cô 3 tuổi đang học ở Mỹ về Việt Nam để cho trứng. Tuy nhiên khi xét nghiệm, chỉ số AMH của em gái cũng chỉ còn 0,5, đồng nghĩa buồng trứng còn rất ít.

Dù vậy em gái Hoàng Anh vẫn đồng ý hiến tặng trứng cho chị. Kết quả kích trứng lần đầu được 4 quả, cô cho chị gái. Chu kỳ tiếp cô kích thêm được 3 quả, đăng ký trữ đông cho bản thân.

Nhờ trứng của em gái, Hoàng Anh may mắn tạo phôi thành công và đậu thai, hiện đã sinh con trai được hơn 1 tuổi.

Ngoài ra, những bệnh nhân đang điều trị hoá, xạ trị ung thư cũng có thể bị suy buồng trứng hoặc những người lạm dụng bia rượu, thuốc lá, stress kéo dài, rối loạn kinh nguyệt… cũng có nguy cơ cao hơn người khác.

Với những phụ nữ bị suy buồng trứng sớm, hiện khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc hay biện pháp can thiệp nào để điều trị. Cách duy nhất để có thể mang thai là cần can thiệp hỗ trợ sinh sản càng sớm càng tốt trước khi những quả trứng cuối cùng bị lão hoá, suy thoái.

Cô gái Hà Nội 25 tuổi có buồng trứng lão hoá như 50, không thể có con-3

Nữ bệnh nhân đến tư vấn hỗ trợ sinh sản 

Do đó BS Hoàn khuyên các trường hợp không may mắc ung thư, có chỉ định xạ trị, hoá trị nên gửi đông trứng, đông phôi trước khi điều trị.

Những trường hợp còn trẻ nhưng kinh nguyệt bất thường, trong người có các biểu hiện như bốc hoả, da khô sạm, khô rát âm dạo… cần đi khám sớm để phát hiện tình trạng suy buồng trứng. Nếu có, cần dự trữ trứng ngay vì càng để lâu, trứng càng suy thoái cả về chất lượng và số lượng, khi đó làm thụ tinh IVF rất khó.

Với xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng AMH, bác sĩ chỉ cần lấy máu để xét nghiệm. Từ chỉ số AMH, dự kiến trong tương lai bác sĩ có thể tính được tuổi mãn kinh của phụ nữ.

BS Hoàn cũng khuyến cáo, tất cả phụ nữ muốn có con nên đi kiểm tra sức khoẻ trước khi mang thai để bác sĩ đánh giá chức năng buồng trứng.

Với những người trẻ, không nên phung phí sức khoẻ, cần xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng, ăn uống cân bằng, tập luyện đều đặn và hạn chế tiếp xúc với hoá chất.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/co-gai-ha-noi-25-tuoi-soc-khi-buong-trung-lao-hoa-nhu-50-khong-the-co-con-677205.html

Vô sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.