Cứu sống thai nhi có dây rốn thắt nút hiếm gây gặp cản trở tuần hoàn

Sản phụ Hồ Thị Dịu H. nhập viện tại Khoa Phụ sản - Cơ sở 2 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế chiều 23/10 với chẩn đoán thai con rạ 40 tuần 3 ngày

Sản phụ Hồ Thị Dịu H. nhập viện tại Khoa Phụ sản - Cơ sở 2 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế chiều 23/10 với chẩn đoán thai con rạ 40 tuần 3 ngày, thiểu ối, thai kém phát triển.

Cứu sống thai nhi có dây rốn thắt nút hiếm gây gặp cản trở tuần hoàn-1
Hai mẹ con sản phụ khỏe mạnh sau ca phẫu thuật. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Chiều 29/10, bác sỹ Chuyên khoa II Bùi Phim - Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 cho biết, đơn vị vừa mổ cấp cứu và cứu sống thai nhi có dây rốn thắt nút rất hiếm gặp.

Theo đó, sản phụ Hồ Thị Dịu H. (26 tuổi, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nhập viện tại Khoa Phụ sản - Cơ sở 2 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế chiều 23/10 với chẩn đoán thai con rạ 40 tuần 3 ngày, thiểu ối, thai kém phát triển, vảy nến toàn thân, cân nặng thai nhi khoảng 2.100 gram.

Quá trình theo dõi chuyển dạ phát hiện nhịp tim thai bất thường, êkíp bác sỹ sản khoa đã phối hợp cùng bác sỹ gây mê hồi sức hội chẩn và nhanh chóng tiến hành phẫu thuật lấy thai lúc hơn 22 giờ ngày 24/10.

Ghi nhận trong quá trình phẫu thuật, dây rốn bé bị thắt nút, cản trở tuần hoàn thai nhi. Đây là một trường hợp hiếm gặp trong sản khoa, có tỷ lệ tử vong thai nhi cao nếu không được can thiệp kịp thời.

Cuộc phẫu thuật đã thành công, một bé gái cân nặng 2.100 gram chào đời khỏe mạnh. Hiện mẹ con sản phụ H. sức khoẻ tốt, ổn định, dự kiến sáng 30/10 sẽ được xuất viện.

Bác sỹ Chuyên khoa II Bùi Phim - Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 cho biết việc dây rốn bị thắt nút là một trong những trường hợp hiếm gặp trong quá trình mang thai, với tỷ lệ khoảng 0,3-2% trường hợp.

Dây rốn thắt nút sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt quá trình chuyển dạ càng kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ tử vong của bé càng cao, gấp 4 lần bình thường.

Cứu sống thai nhi có dây rốn thắt nút hiếm gây gặp cản trở tuần hoàn-2
Hiện nay không có biện pháp phòng ngừa dây rốn thắt nút (Ảnh minh họa).

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến sự hình thành của dây rốn thắt nút bao gồm người mẹ mang thai lớn tuổi, thai giới tính nam, thai nhỏ, thai hoạt động nhiều, dây rốn dài, nước ối nhiều, đa thai.

Việc chẩn đoán dây rốn thắt nút dựa vào chủ yếu là siêu âm thai nhi Doppler màu và siêu âm 4D, phát hiện thường vào tuần thứ 9-12 của thai kỳ. Theo dõi chuyển dạ ở thai nhi có dây rốn thắt nút cần được thực hiện nghiêm ngặt để phát hiện sớm dấu hiệu thai suy và mổ lấy thai kịp thời.

Trường hợp dây rốn thắt nút lỏng vẫn có thể sinh thường nhưng không chắc chắn trẻ có tử vong hay không.

Bác sỹ cũng khuyến cáo, hiện nay không có biện pháp phòng ngừa dây rốn thắt nút. Các bà mẹ mang thai nên khám thai định kỳ, siêu âm thai ít nhất ba lần trong quá trình mang thai, quan tâm đến các chương trình tầm soát trước sinh và siêu âm đánh giá tình trạng dây rốn trong suốt thời kỳ mang thai ở cơ sở y tế tin cậy./.

Theo Vietnamplus


sản phụ

dây rốn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.