Cứu trẻ bị bỏng nặng đường hô hấp do ngạt khói

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bệnh nhi (7 tuổi, trú tại Hậu Giang) bị ngạt khói trong đám cháy.

Cứu trẻ bị bỏng nặng đường hô hấp do ngạt khói-1
Bệnh nhi được theo dõi điều trị tích cực. Ảnh: BVCC

Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, cách nhập viện 30 phút, mẹ bệnh nhi đi chợ và để bệnh nhi một mình trong nhà. Khoảng 10 phút sau khi về nhà, người mẹ thấy nhà đang cháy dữ dội, gia đình vội đưa bệnh nhi ra khỏi đám cháy rồi đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng toàn thân có nhiều bụi tro, ho khan, khàn giọng, có vết bỏng ở mặt ngoài bàn tay trái. Qua thăm khám hội chẩn giữa các chuyên khoa, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi hít ngạt khí CO, bỏng hô hấp, bỏng độ II, III bàn tay trái diện tích bỏng 6%.

Bệnh nhi nhanh chóng được xử trí cấp cứu thở oxy mask với nồng độ oxy 100% để loại khí CO, ổn định hô hấp, truyền dịch, giảm đau, sử dụng kháng viêm chống phù nề ở đường hô hấp, chăm sóc vết bỏng và theo dõi sát tình trạng hô hấp.

Qua 30 phút điều trị, bệnh nhi xuất hiện triệu chứng thở rít, khàn giọng nhiều hơn, thở co kéo tăng dần lên. Nhận định có khả năng bệnh nhi bị bỏng nặng ở đường hô hấp kèm viêm phổi hít khói bụi có thể phải nội soi rửa phế quản, các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản kiểm soát hô hấp, hội chẩn liên viện và chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh).

Bệnh nhi được nội soi rửa phế quản ngay khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Hiện tại, bệnh nhi được điều trị tiếp tục thở máy, kháng sinh, nuôi ăn tĩnh mạch, giảm đau. Tuy nhiên, do tình trạng bỏng nặng ở đường hô hấp nên tiên lượng của bệnh nhi còn rất nặng.

Theo các bác sĩ, bỏng là một trong những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, có nhiều nguyên nhân gây bỏng như bỏng nước sôi, bỏng do tiếp xúc hóa chất (acid, bazơ), bỏng điện, bỏng trong các đám cháy. Trong đó bỏng hô hấp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ và để lại những di chứng nặng nề ở đường hô hấp.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo: Tuyệt đối không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình vì trẻ em là đối tượng rất dễ tổn thương và luôn hiếu động, vì vậy phải luôn có người lớn trông coi.

Hướng dẫn và dạy trẻ kỹ năng thoát khỏi đám cháy: khi phát hiện có khói cháy thì phải hạ thấp người, kiếm khăn ướt che mũi miệng và di chuyển đến cửa để thoát khỏi đám cháy.

Không cho trẻ chơi với lửa như đốt củi, đốt rơm rạ ở vùng nông thôn. Đối với bỏng nước sôi nên để các phích nước nóng… xa khỏi tầm với của trẻ.

Khi trẻ bị bỏng phải nhanh chóng sơ cứu ban đầu: Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giày, dép, vòng... trước khi vết bỏng sưng nề. Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch. An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.

Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

Theo VTV

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtv.vn/suc-khoe/cuu-tre-bi-bong-nang-duong-ho-hap-do-ngat-khoi-20230223231931573.htm

ngạt khói


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.