Dầu ăn bị đông liệu có an toàn?

Các chuyên gia thực phẩm và dinh dưỡng cho biết đây là hiện tượng vật lý bình thường, không ảnh hưởng sức khỏe.

Dầu ăn khi để trong ngăn mát tủ lạnh hoặc khi tiết trời rét đậm thường có hiện tượng bị đông khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng về chất lượng, thành phần của các loại dầu ăn này. Tuy nhiên, các chuyên gia thực phẩm và dinh dưỡng cho biết đây là hiện tượng vật lý bình thường, không ảnh hưởng sức khỏe.

Dầu ăn đóng đông khi trời trở lạnh

Những ai từng sử dụng dầu ăn trong chế biến món ăn, chắc hẳn đã từng gặp hiện tượng dầu đông khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là những ngày rét đậm. Một số người để dầu ăn trong ngăn mát tủ lạnh cũng có thể gặp trường hợp này.

Chị Lưu Cẩm Tú (Quận 10, TP.HCM) cho hay, con gái chị sau khi nấu ăn đã đem bỏ chai dầu ăn vào ngăn mát tủ lạnh, sáng hôm sau chai dầu liền bị đóng đông. Chị Tú nghi ngại: “Mặc dù sản phẩm ghi rõ là công thức tốt cho sức khỏe nhưng tôi vẫn lo lắng có phải đơn vị sản xuất sử dụng dầu kém chất lượng hay không?” Mới đây, chị Cao Ngọc Hà (Từ Liêm, Hà Nội) cũng phản ảnh về sự việc tương tự, “Cứ mỗi khi thời tiết trở lạnh, có những hôm nhiệt độ thấp dưới 10 độ C là dầu ăn nhà mình lại đông trắng, vậy là đành phải bỏ đi vì sợ dầu ăn bị hư hỏng”. Trước những phản hồi của người tiêu dùng, có thể thấy, hiện tượng dầu đông và những tác động của an toàn thực phẩm tới sức khỏe đang trở thành băn khoăn của chị em nội trợ.

Chuyên gia nói gì?

Mang những băn khoăn đó đến Hội thảo Sức khỏe và An toàn thực phẩm được tổ chức bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cục ATTP tại Hải Phòng và Quảng Ninh ngày 11 và 12/11 vừa qua, các chị em nội trợ đã được chuyên gia đưa ra những lời giải đáp cặn kẽ. Theo đó, dầu đông khi nhiệt độ xuống thấp là hiện tượng vật lý bình thường. Mỗi loại dầu ăn có một “điểm đông” khác nhau, một số loại dầu chỉ cần vài phút là đông (như dầu mè, dầu phộng, dầu olein cọ) nhưng cũng có loại chịu được đến vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần (như dầu gạo, dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương,...).

TS. Lê Thị Hồng Hảo – Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết thêm: “Điểm đông của dầu ăn cao hay thấp có liên quan đến thành phần axit béo trong dầu. Các loại dầu ăn có hàm lượng axit béo bão hòa cao thường dễ bị đông hơn. Và ngược lại những loại dầu ăn chứa nhiều axit béo không bão hòa (đặc biệt là polyunsaturated rất có lợi cho sức khỏe) sẽ có nhiệt độ đông thấp hơn. Dầu đông không gây ra biến đổi về hóa học nên không làm thay đổi chất lượng của dầu. Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy dầu đông ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.”

Để đảm bảo về chất lượng, ATVSTP của dầu ăn, người tiêu dùng cần quan tâm thành phần nguyên liệu và nên lựa chọn sản phẩm của các đơn vị sản xuất lớn, có uy tín trên thị trường

Theo các chuyên gia tại hội thảo, để đảm bảo về chất lượng, ATVSTP của dầu ăn, người tiêu dùng cần quan tâm thành phần nguyên liệu và nên lựa chọn sản phẩm của các đơn vị sản xuất lớn, có uy tín trên thị trường, đồng thời cần lưu ý bảo quản và sử dụng sản phẩm đúng cách. Cụ thể là sau khi sử dụng, cần đậy kín nắp chai, để ở nơi thoáng mát (khoảng 25°C) và tránh ánh sáng mạnh. Trường hợp dầu bị đông, chỉ cần ngâm chai dầu vào nước ấm, dầu sẽ dần quay trở lại trạng thái lỏng và có thể sử dụng như bình thường.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.