Dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ

Sau cơn thiếu máu não thoáng qua, người bệnh có thể đối mặt với tình trạng đột quỵ thực sự vài ngày đến vài tháng sau đó.

Tôi 50 tuổi, từng cấp cứu vì đột ngột yếu liệt tay chân. Bác sĩ nói tôi bị cơn thiếu máu não thoáng qua, nay hoàn toàn bình phục. Vậy đây có phải cơn đột quỵ nhẹ hay không, tôi có nguy cơ đột quỵ nữa không? Xin cảm ơn bác sĩ! (Hồng Thúy, Đồng Nai). 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng,Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tư vấn:

Cơn thiếu máu não thoáng qua không tồn tại kéo dài mà hồi phục sau một thời gian ngắn. Người bệnh bị tắc nghẽn mạch máu, não không còn máu nuôi ở một phần nào đó. Sau đó, cơ thể tự tái thông trước khi tế bào não bị tổn thương. Vì thế, người bệnh hồi phục hoàn toàn. 

Đột quỵ có triệu chứng tương tự nhưng không tự tái thông mạch máu dẫn đến tế bào não bị chết, không thể hồi phục. Do đó, cơn thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ là hai mức độ khác nhau của cùng một tình trạng bệnh lý. 

Trước đây, người ta cho rằng đột quỵ gần như không được báo trước. Tuy nhiên, cơn thiếu máu não thoáng qua là một dấu hiệu quan trọng để người bệnh có cơ hội dự phòng đột quỵ thật sự.

Dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ-1
Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng và bệnh nhân đang điều trị đột quỵ. Ảnh: BVCC.

Cụ thể, khoảng 7% người bị thiếu máu não thoáng qua sẽ gặp đột quỵ trong 2 ngày sau đó; 12% trong 30 ngày và 17% trong 90 ngày. Nghĩa là, cứ 100 người bị thiếu máu não thoáng qua, có khoảng 7 người bị đột quỵ trong 2 ngày sau đó; 12 người đột quỵ trong 30 ngày sau đó và 17 người đột quỵ trong 90 ngày.

Về lâu dài, có từ 20-30% người bị thiếu máu não thoáng qua sẽ gặp đột quỵ thật sự. 

Triệu chứng chính của đột quỵ là yếu tay chân, yếu cơ mặt, yếu giọng nói. Một số ít có thể bị lảo đảo, không giữ được thăng bằng hoặc rối loạn thị giác.

Khi xảy ra các triệu chứng trên, người dân không cần chờ đợi để phân biệt đột quỵ hay cơn thiếu máu não thoáng qua, mà cần cấp cứu ngay như một ca đột quỵ. Nếu chần chừ chờ đợi cơ thể tự tái thông mạch máu, bệnh nhân sẽ mất thời gian vàng, có thể tử vong hoặc bị di chứng. 

Tại nhà, người thân chỉ cần xử trí bằng cách giữ cho bệnh nhân an toàn và đưa đến bệnh viện phù hợp nhất để cấp cứu. Các biện pháp chích máu, cắt lể, vắt chanh… không có lợi mà còn gây hại cho bệnh nhân. 

Với đột quỵ, “thời gian là não”, mất thời gian sẽ khiến tế bào não sẽ chết đi nhiều hơn. 

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/dau-hieu-con-dot-quy-nao-duoc-canh-bao-truoc-90-ngay-2121520.html

đột quỵ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.