Dấu hiệu cảnh báo tiểu đường ít ai biết: Đọc ngay xem mình có bị không

Một bà mẹ thấy con thường xuyên có biểu hiện này, khi đi khám bệnh tình trạng của con đã ở mức báo động.

Dấu hiệu cảnh báo tiểu đường ít ai biết: Đọc ngay xem mình có bị không-1

Chị Nguyễn Hoàng Hà – Tân Mai, Hà Nội chia sẻ, con trai chị mới 8 tuổi những đã phát hiện tiểu đường tuýp 1 từ hơn 2 năm trước. Dấu hiệu duy nhất chỉ điểm bệnh là con thường xuyên khát nước. Chị bảo, mỗi lần uống nước, con uống đầy cốc 200ml nhưng chỉ nửa giờ sau bé lại tìm nước để uống. Khi đến trường, con cũng uống nước rất nhiều. Cô giáo chủ nhiệm nói rằng "Cả ngày chỉ thấy bạn ấy đi uống nước".

Chị Hà không hiểu tại sao đột nhiên con lại uống nhiều nước đến vậy. Bởi trước đó, bé nhà chị rất lười uống nước, thậm chí còn uống sữa tươi thay nước mỗi ngày. Chị bèn lên mạng tìm hiểu và được biết, đây là một dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường. Vợ chồng chị vội vàng cho con tới Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra và kết quả bé bị tiểu đường tuýp 1, đồng thời phải nằm viện theo dõi trong 2 tuần.

Kể từ đó, chị Hà phải thay đổi chế độ chăm sóc con. Mỗi ngày chị đều kiểm tra đường huyết 2 lần cho con và tiêm insulin 1 lần dưới da.

Trong lúc con nằm viện, chị Hà thấy rằng có tới 80% bệnh nhi được phát hiện tiểu đường qua dấu hiệu khát nước và tiểu nhiều. Các bậc phụ huynh thường chủ quan vì cho rằng, tiền sử gia đình không có người mắc bệnh và con còn quá nhỏ nên không thể mắc căn bệnh này.

Còn trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Tuấn – Hạ Long, Quảng Ninh, anh cũng phát hiện bệnh nhờ triệu chứng khát nước. Nhưng khi đi khám, các bác sĩ cho biết bệnh đã biến chứng sang nhiều cơ quan khác nhau vì chỉ số đường huyết lúc đói của anh rất cao, lên tới 19 mmol/l. Con số này khiến anh không khỏi bàng hoàng.

Anh chia sẻ, bản thân làm nghề lái xe và anh khá chủ quan với các vấn đề về sức khoẻ. Hơn 4 tháng nay, anh thấy mình khát nước rất nhiều, cảm giác khô cổ, muốn uống nước liên tục. Anh lại nghĩ do thời tiết nắng nóng, mồ hôi tiết nhiều nên dẫn tới khát nước.

Dấu hiệu cảnh báo tiểu đường ít ai biết: Đọc ngay xem mình có bị không-2
Khát nước là triệu chứng của bệnh tiểu đường

Vì sao bệnh nhân tiểu đường lại hay khát nước?

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám Nội tiết và Chuyển hoá Thái Hà, nguyên bác sĩ Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, khát nước là điều bình thường nhưng nếu tình trạng này kéo dài mà không phải do ăn đồ mặn hoặc đổ mồ hôi thì có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.

Bởi vì cơ thể người bệnh tiểu đường không thể hấp thụ đường từ thức ăn một cách bình thường khiến cho đường trong máu tăng lên. Và khi lượng đường trong máu tăng cao, thận phải hoạt động nhiều hơn để loại bỏ lượng đường dư thừa. Lúc này, cơ thể cần một lượng lớn nước để đào thải đường. Thậm chí, cơ thể còn "huy động" nước từ những mô khác của cơ thể khiến người bệnh có cảm giác thường xuyên khô miệng, khát nước.

Theo bác sĩ Cường, ngoài triệu chứng khát nước, bệnh nhân tiểu đường còn có các triệu chứng khác như thường xuyên có cảm giác đói bụng, mệt mỏi, tiểu nhiều, ngứa da và nhìn mờ. Nếu không phát hiện sớm bệnh tiểu đường, người bệnh có thể gặp các biến chứng như giảm thị lực, tê các chi, lâu lành các vết thương hở...

Bác sĩ Cường còn cho biết khi đường huyết tăng cao, nó có thể "phá hỏng" các bộ phận trong cơ thể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ và mù lòa cao gấp 2 - 3 lần so với người bình thường. Đồng thời, tiểu đường còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận.

Để phòng tránh bệnh tiểu đường, mỗi chúng ta nên thay đổi lối sống của mình. Trong ăn uống nên hạn chế các thực phẩm có lượng đường bột cao, nên tăng cường vận động tối thiểu 150 phút mỗi tuần, đồng thời giữ cân nặng ở mức thích hợp.

Nếu có các triệu chứng của bệnh, cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Bác sĩ Cường cho biết, chẩn đoán tiểu đường rất đơn giản, không như các bệnh khác nên người bệnh không nên e dè, ngại ngùng tới bệnh viện.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/dau-hieu-canh-bao-tieu-duong-it-ai-biet-doc-ngay-xem-minh-co-bi-khong-161212211091429509.htm

tiểu đường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.