Dấu hiệu nhận biết ngộ độc xyanua, tuyệt đối không được bỏ qua

Xyanua là hóa chất cực độc, có thể gây tử vong trong 2 giờ đầu nếu không cấp cứu kịp thời, vậy dấu hiệu nhận biết ngộ độc xyanua là gì?

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, xyanua là hóa chất cực độc, thậm chí được đưa vào danh sách những chất độc nhất trong các chất độc. Chúng được hấp thu nhanh vào cơ thể, ức chế nhanh, mạnh với hô hấp tế bào, hệ thần kinh gây nhiễm độc cấp tính, một liều rất nhỏ cũng có thể gây tử vong. 

Nhiễm độc xyanua khiến cơ thể không trao đổi oxy được. Người dùng tử vong nhanh thường do suy hô hấp, co giật. Liều gây ngộ độc của xyanua phụ thuộc vào dạng (muối hay khí), thời gian tiếp xúc và đường tiếp xúc.

Những dấu hiệu để nhận biết khi trúng độc xyanua là cảm thấy đau đầu, chóng mặt, bứt rứt, lơ mơ, có khi co giật hôn mê, buồn nôn, thở nhanh, nhịp tim tăng cao, cảm thấy bồn chồn và kiệt sức. Lúc đầu sẽ thở nhanh, nhịp tim tăng, nhưng sau đó sẽ trụy tim mạch, tụt huyết áp. Nếu người trúng độc xyanua trong vòng 2 giờ không được chữa trị kịp thời, sẽ gây nguy cơ ngưng tim, ngưng thở và tử vong.

Với những trường hợp ăn uống các loại thực phẩm chứa xyanua hoặc liên quan nghề nghiệp, làm việc trong môi trường có chất này, các triệu chứng thường diễn ra từ từ và mức độ nghiêm trọng tăng dần theo thời gian. Chẳng hạn, người bị nhiễm độc có thể mờ mắt, giảm thị lực; liệt co cứng hai chân hơn là hai tay và đối xứng. Tình trạng này hay gặp ở người hay ăn khoai mì thường xuyên mỗi ngày, nhất là người suy dinh dưỡng thì nguy cơ càng cao. Nhiễm độc xyanua có thể gây rối loạn hormone giáp, suy giáp.

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc xyanua, tuyệt đối không được bỏ qua-1
Nhiễm độc xyanua khiến cơ thể không trao đổi oxy được. (Ảnh minh hoạ)

Khi phát hiện ra người có dấu hiệu lơ mơ, hôn mê, khó thở, cần phải đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để được hồi sức cấp cứu. Tình huống ngộ độc hay nhiễm độc xyanua thường sẽ không được nhìn ra ngay từ đầu, trừ khi biết trước đang tiếp xúc với chất có xyanua.

Nếu không biết nguồn độc, không biết do nguyên nhân gì mà vẫn nghi ngờ ngộ độc hay nhiễm độc, bạn hãy gọi xin tư vấn ngay với bác sĩ chuyên về bệnh nhiễm độc. Điều này giúp tìm nguyên nhân và nguồn độc, từ đó phòng tránh bị nhiễm độc kịp thời.

Theo chuyên gia, xyanua có thể tồn tại trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như hạt của một số loại trái cây (mận, đào, mơ, táo). Trong số các loại thực vật dễ gây ngộ độc xyanua nhất có sắn và măng tươi - loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình người Việt.

Chất độc này có đặc tính tan trong nước và bay hơi ở nhiệt độ cao. Với măng tươi tốt nhất các gia đình nên ngâm nhiều giờ trong nước trước khi chế biến tiếp, chất xyanua sẽ giảm dần khi tiếp xúc với nước.

Bạn nên luộc măng thật kỹ, thay nước nhiều lần để loại bỏ độc tố. Măng muối chua để chín, có mùi chua đặc trưng, ngả sang màu vàng mới sử dụng, tuyệt đối không ăn măng sống.

Sắn tươi cũng chứa chất độc xyanua trong cả vỏ và thịt. Khi luộc, nhất là luộc với số lượng lớn thì chất này sẽ đóng váng trên bề mặt nước. Người ăn phải chất này với hàm lượng cao sẽ bị ngộ độc, dân gian hay gọi là "say" sắn. Thực tế nhiều người ăn sắn bị chết vì chất xyanua có trong sắn.

Theo chuyên gia, cách tốt nhất để loại bỏ chất xyanua trong sắn là lột vỏ, cắt đầu, đuôi, sau đó ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc. Ngoài ra, trong lúc luộc, nên mở nắp nồi để chất xyanua bay đi, lượng độc chất sẽ giảm đáng kể.

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/dau-hieu-nhan-biet-ngo-doc-xyanua-tuyet-doi-khong-duoc-bo-qua-ar883984.html

chất độc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.