Đột biến kỳ lạ ở virus corona: Phát hiện biến thể có khả năng sinh sản gấp 270 lần chủng khác

Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện những biến thể mới hiếm gặp tới nỗi họ không nghĩ rằng có thể xảy ra trong thực tế.

Đột biến kỳ lạ ở virus corona: Phát hiện biến thể có khả năng sinh sản gấp 270 lần chủng khác-1
Ảnh minh họa: BBC

Phát hiện mới

Theo SCMP, một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện rằng virus corona có thể đột biến thành nhiều chủng khác nhau và có thể gây ra những ảnh hưởng khác biệt tại các khu vực trên khắp thế giới.

Cụ thể, Giáo sư, chuyên gia dịch tễ học Lý Lan Quyên và các đồng nghiệp tại Đại học Chiết Giang đã nghiên cứu một nhóm nhỏ các bệnh nhân và tìm thấy nhiều chủng biến thể của virus corona chưa được báo cáo trong các nghiên cứu trước đây. Những biến thể này có những thay đổi hiếm gặp tới nỗi các nhà khoa học không nghĩ rằng có thể xảy ra trong thực tế.

Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên nhóm các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng rằng một số biến thể nhất định có thể nguy hiểm hơn các loại biến thể khác.

"Sars-CoV-2 đã phát triển khả năng đột biến để thường xuyên thay đổi trong quá trình lây lan," bà Lý và các cộng sự viết trong nghiên cứu.

Để thực hiện nghiên cứu này, bà Lý đã sử dụng phương pháp khác với bình thường. Bà đã phân tích các chủng virus corona tách từ 11 mẫu bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên ở Hàng Châu, sau đó quan sát xem các virus này xâm nhập và tiêu diệt tế bào hiệu quả tới mức nào.

Đột biến kỳ lạ ở virus corona: Phát hiện biến thể có khả năng sinh sản gấp 270 lần chủng khác-2
Giáo sư Lý Lan Quyên. Ảnh: Tân Hoa Xã

Một số chủng chết người nhất cũng đã được tìm thấy ở một số bệnh nhân ở châu Âu, trong khi một số chủng biến thể yếu hơn được tìm thấy phổ biến ở nhiều vùng ở Mỹ, bao gồm bang Washington.

Một nghiên cứu độc lập khác cũng cho thấy các chủng phổ thông ở New York đã được đưa vào từ châu Âu. Tỉ lệ tử vong ở New York cũng tương đồng với tỉ lệ ở nhiều nước châu Âu.

Tuy nhiên, chủng biến thể yếu hơn không có nghĩa rằng nguy cơ từ dịch bệnh sẽ giảm đi. Tại Chiết Giang, hai bệnh nhân trong độ tuổi 30 và 50 tuổi đã bị nhiễm biến thể yếu nhưng cũng rơi vào tình trạng nguy kịch. Mặc dù cả hai bệnh nhân đều qua khỏi, nhưng người bệnh 50 tuổi phải được tiếp tục chữa trị trong khoa chăm sóc tích cực.

Nghiên cứu này có thể giúp lí giải cho sự khác biệt trong tỉ lệ tử vong ở các khu vực trên thế giới. Mức độ lây nhiễm và tử vong ở các quốc gia không tương đồng, và nhiều chuyên gia đã đi tìm lời giải cho vấn đề này.

Ứng dụng của nghiên cứu

Tại các bệnh viện, COVID-19 chỉ được coi là một loại bệnh và các bệnh nhân được điều trị như nhau dù họ nhiễm các chủng khác nhau. Bà Lý và đồng nghiệp cho rằng việc xác định biến thể khu vực sẽ quyết định cách thức điều trị để chống lại loại virus này.

"Quá trình phát triển thuốc điều trị và vaccine, dù gấp gáp, cũng cần phải tính toán tới ảnh hưởng tổng quát của các biến thể để tránh những nguy cơ tiềm ẩn," nhóm nhà khoa học cho biết.

Theo truyền thông Trung Quốc, giáo sư Lý Lan Quyên là nhà khoa học đầu tiên đề xuất phong tỏa Vũ Hán. Chính quyền địa phương đã lắng nghe và nhanh chóng đóng cửa khu vực này.

Số lượng mẫu trong các nghiên cứu gần đây đều khá nhỏ. Các nghiên cứu khác đối với đột biến của virus corona thường cần tới hàng trăm, hoặc hàng nghìn mẫu bệnh nhân.

Đội ngũ của bà Lý đã phát hiện được 30 đột biến. Trong đó 19 đột biến - tương đương 60% - là đột biến mới. Loại biến chủng nguy hiểm nhất mà bà Lý và các cộng sự tìm thấy có khả năng sinh sản gấp 270 lần chủng yếu nhất. Những biến chủng này cũng tiêu diệt tế bào nhanh hơn.

Bà Lý cho biết: "Kết quả bất ngờ từ nghiên cứu cho thấy con người vẫn chưa hiểu rõ mức độ đa dạng thực sự của virus corona".

SCMP cho biết, virus corona có thể trải qua 1 đột biến mỗi tháng. Tới nay, hơn 10.000 chủng virus corona đã được nghiên cứu bởi các nhà khoa học trên toàn cầu, phát hiện hơn 4.300 đột biến.

Tuy nhiên, hầu hết các mẫu virus đều được nghiên cứu bằng biện pháp tiêu chuẩn thông thường để có kết quả nhanh. Vì vậy, các mẫu gen chỉ được đọc 1 lần và có khả năng sẽ xảy ra sai số.

Trong khi đó, đội ngũ của bà Lý sử dụng biện pháp "phân tách siêu sâu", mỗi khối gen virus được đọc hơn 100 lần, cho phép các nhà khoa học phát hiện những thay đổi mà có thể bị bỏ qua bởi phương pháp phổ thông.

Nhóm nghiên cứu còn tìm thấy một đột biến lạ ở một bệnh nhân 60 tuổi. Theo đó, bệnh nhân này phải nằm viện hơn 50 ngày, lâu hơn rất nhiều so với các bệnh nhân khác, và thậm chí trong phân của người bệnh cũng có virus sống.

Một nhà khoa học nói: "Sự hiểu biết của chúng ta về virus còn khá ít ỏi. Virus tới từ đâu, tại sao có thể khiến người trẻ và khỏe mạnh tử vong trong khi không gây ra triệu chứng ở người khác vẫn là các câu hỏi hóc búa đối với các nhà khoa học. Nếu có một nghiên cứu lật ngược lại những quan điểm trước đó, mọi người cũng đừng quá ngạc nhiên".


Theo Tổ Quốc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://toquoc.vn/dot-bien-ky-la-o-virus-corona-phat-hien-bien-the-co-kha-nang-sinh-san-gap-270-lan-chung-khac-82020224793892.htm

Covid-19

virus corona

dịch bệnh

virus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.