Em bé ngừng thở khi đang rửa mũi bằng nước muối sinh lý

Thấy con khó chịu, nghẹt mũi, gia đình rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Tuy nhiên, khi đang vệ sinh mũi thì trẻ tím tái, ngưng thở.

Sáng 12/1, bác sĩ Lê Nguyệt Minh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết vừa cấp cứu một trẻ nhỏ nguy kịch bị sặc nước muối sinh lý.

Em bé ngừng thở khi đang rửa mũi bằng nước muối sinh lý-1
Bé 75 ngày tuổi ngưng thở khi ba mẹ rửa mũi bằng nước muối sinh lý (ảnh minh họa)

Cụ thể, bé H. K. A. (75 ngày tuổi, ở Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, thở gắng sức rõ và nhịp tim nhanh. Trước đó, thấy con quấy khóc, khó chịu do bị nghẹt mũi nên gia đình đã dùng xi lanh bơm nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ.

Tuy nhiên, khi đang được vệ sinh mũi thì bé xuất hiện cơn ngừng thở và tím tái toàn thân. Ngay lập tức bé được người nhà hô hấp nhân tạo và đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé K. A. bị hội chứng xâm nhập do dịch rửa mũi họng chảy qua thanh quản vào khí quản gây co thắt thanh, khí quản, khiến trẻ khó thở cấp tính và thiếu oxy trầm trọng.

May mắn, gia đình đã kịp thời hô hấp nhân tạo cho trẻ trước khi đưa đi bệnh viện. Sau khi được bác sĩ thực hiện các biện pháp cấp cứu kịp thời, bệnh nhi thoát khỏi cơn nguy kịch.

Sau 2 tiếng kể từ khi nhập viện, bé ổn định, trẻ thở đều, da hồng hào...

Theo các bác sĩ, rửa mũi là một phương pháp hiệu quả trong phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh chưa trang bị đầy đủ kiến thức về phương pháp này, áp dụng sai cách, sử dụng sai dung dịch hoặc tuỳ tiện lạm dụng việc rửa mũi gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Trẻ có thể bị viêm họng, viêm tai giữa, tổn thương niêm mạc mũi khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn và thậm chí đe doạ tới tính mạng của trẻ.

Bác sĩ Lê Nguyệt Minh cho hay, trước đây đã ghi nhận một trường hợp ngưng thở sau khi cha mẹ rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Do đó, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ.

Bác sĩ Minh giải thích, trong mũi, họng đều có một lượng dịch tự nhiên đủ để bôi trơn niêm mạc, có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn.

Việc thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý để phòng bệnh như nhiều bậc phụ huynh vẫn làm một mặt có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng nặng hơn do dụng cụ rửa mũi không được vô trùng, mặt khác rửa mũi thường xuyên sẽ làm khô lớp chất nhầy có tác dụng giữ ẩm, sát khuẩn tự nhiên của niêm mạc mũi.

Nếu mất đi lớp chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, khi ấy niêm mạc mũi sẽ tiết ra nhiều dịch nhầy hơn tụ lại ở mũi họng khiến trẻ nghẹt mũi, hay thở khò khè và ho, thậm chí dễ gây viêm nhiễm mãn tính.

Đặc biệt, cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý sử dụng xi lanh để rửa mũi cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì bơm xi lanh có áp lực cao, dễ gây sặc và sang chấn tâm lý cho trẻ nhỏ.

Chưa kể, loại xi lanh đầu nhọn, sắc sẽ làm chảy máu mũi, tổn thương niêm mạc mũi vốn đã mỏng, rất yếu và cực kỳ nhạy cảm với các tác động bên ngoài của trẻ.

Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nếu muốn thực hành rửa mũi cho trẻ thì các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Nếu có chỉ định thì nên được tư vấn, hướng dẫn thực hành bởi nhân viên y tế trước khi tự thực hiện cho trẻ tại nhà.

 

Theo PNOL

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.phunuonline.com.vn/em-be-ngung-tho-khi-dang-rua-mui-bang-nuoc-muoi-sinh-ly-a1425511.html

bệnh nhi

Bắc Giang


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.