Giải pháp giúp hạn chế di chứng Covid-19

Không chỉ hạn chế lây nhiễm nCoV, vaccine còn được các chuyên gia đánh giá có thể làm giảm di chứng kéo dài sau khi khỏi Covid-19.

Nhiều người mắc Covid-19 sau khi nhận kết quả âm tính vẫn tồn tại các triệu chứng của bệnh, thậm chí xuất hiện thêm những biểu hiện bất thường khác, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống.

Hậu Covid-19 là gánh nặng với người bệnh và cần được can thiệp

Trao đổi bên lề Hội thảo Tiếp cận và xử trí các bệnh lý hậu Covid-19, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết các triệu chứng xuất hiện sau khi người bệnh âm tính với SARS-CoV-2 đang được giới khoa học chia làm 2 giai đoạn.

“Trong khoảng thời gian từ 4 đến 12 tuần sau khi người bệnh khỏi Covid-19, các triệu chứng này được xếp vào giai đoạn Covid-19 kéo dài hay còn gọi là ‘on going’. Với các triệu chứng mới xuất hiện hoặc tồn tại sau 12 tuần tính từ thời điểm khỏi bệnh, chúng sẽ được xếp vào nhóm hậu Covid-19”, bác sĩ Cấp nói.

Giải pháp giúp hạn chế di chứng Covid-19-1
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Vị chuyên gia nhận định cả 2 giai đoạn này đều là gánh nặng với bệnh nhân cũng như quá trình chăm sóc và điều trị. Do đó, dù là Covid-19 kéo dài hay hậu Covid-19, bệnh nhân đều cần sớm được tiếp cận và giải quyết.

Bác sĩ Cấp nói thêm: “Tùy thuộc vào số liệu thống kê với 55 triệu chứng khác nhau của hậu Covid-19 cũng như cách phân loại, chúng ta có thể đánh giá tỷ lệ bệnh nhân gặp vấn đề nào. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đến nay ghi nhận khoảng 70-80% bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19, dù từng diễn biến nặng hay nhẹ, đều xuất hiện một vài biểu hiện trong nhóm 55 triệu chứng đó”.

Ông cũng đánh giá các ảnh hưởng của hậu Covid-19 rất hiện hữu. Người bệnh có thể cảm thấy chúng hàng ngày. Một số triệu chứng thực sự nghiêm trọng như mệt mỏi, mất khả năng làm việc hoặc rối loạn trí nhớ, hành vi, giấc ngủ,...

“Đây là các vấn đề ngành y tế cần đồng hành với bệnh nhân để giải quyết sớm nhất có thể. Mặt khác, một số vấn đề nhẹ hơn cũng có thể tự khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu để hướng dẫn bệnh nhân”, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ.

Cũng tại hội thảo, thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay một số triệu chứng của hậu Covid-19 có thể kéo dài từ 6 tháng trở lên. Y học thế giới cũng đang coi đây là các biểu hiện bệnh lý của hậu Covid-19, ảnh hưởng tới chất lượng đời sống người bệnh, cần can thiệp từ y bác sĩ mới có thể cải thiện.

Theo ông, hậu Covid-19 có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan như hô hấp, huyết học, tim mạch, thần kinh, thận tiết niệu, nội tiết, tiêu hóa và gan mật, da liễu hay hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em.

Một số triệu chứng phổ biến có thể kể tới là khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt,... Các vấn đề này có thể nặng nề hơn khi hoạt động thể lực, trí óc cường độ cao. Hậu Covid-19 cũng gây ảnh hưởng về trí nhớ, sự tập trung, giấc ngủ, ho kéo dài, đau tức ngực,...

Tuy nhiên, bác sĩ Giang nhấn mạnh các mẫu nghiên cứu đến nay có thể vẫn chưa đại diện được hết những triệu chứng của hậu Covid-19 khi số ca mắc đang tăng lên từng ngày. Chúng ta vẫn cần những bằng chứng tiếp theo để đưa ra vấn đề nổi bật nhất của hậu Covid-19.

Bệnh nhân nào dễ gặp di chứng hậu Covid-19?

Bác sĩ Trần Văn Giang khẳng định Covid-19 là bệnh lý có biểu hiện toàn thân. Các trường hợp nhiễm virus có thể không xuất hiện triệu chứng, diễn biến nhẹ, nặng, nguy kịch, biểu hiện đa dạng. Các nhóm bệnh nhân cũng ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều nhất là người trưởng thành.

Từ đây, ông cho biết tất cả trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, dù có phải nhập viện hay không, ở mọi lứa tuổi, đều có thể xuất hiện các biểu hiện của hậu Covid-19. Nhóm trẻ em mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ, các di chứng hậu Covid-19 ít gặp hơn nhưng vẫn xuất hiện.

Giải pháp giúp hạn chế di chứng Covid-19-2
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thảo Vy.

Bác sĩ Giang lưu ý: “Các trường hợp mắc Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch, cần can thiệp nhiều khi điều trị và phải nhập viện ở khoa hồi sức tích cực thường gặp vấn đề về hậu Covid-19 nhiều, trầm trọng hơn”.

Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia này cho biết đến nay, vaccine vẫn là cách tốt nhất để phòng bệnh Covid-19. Mặt khác, những người đã tiêm vaccine khi nhiễm virus, các di chứng hậu Covid-19 cũng sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn.

Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Lancet mới đây cho thấy nồng độ kháng thể kháng SARS-CoV-2 thấp có thể tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề hậu Covid-19.

Do đó, Phó trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng khuyến cáo người dân nên tiêm đủ mũi vaccine để phòng bệnh cũng như hạn chế được các vấn đề hậu Covid-19.

Về chẩn đoán và điều trị, vị chuyên gia cho biết đến nay, các bác sĩ vẫn phải chẩn đoán lâm sàng và sử dụng phương pháp loại trừ đối với trường hợp có di chứng hậu Covid-19.

“Chúng ta chưa có phương pháp xét nghiệm để khẳng định người bệnh có tình trạng hậu Covid-19. Việc dương tính với SARS-CoV-2 hay kháng thể của virus không có ý nghĩa quyết định để chẩn đoán bệnh. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị hậu Covid-19 lúc này vẫn thực sự khó khăn”, bác sĩ Giang nói.

Liên quan vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho rằng đến nay, Việt Nam cũng như thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu về hậu quả các di chứng sau Covid-19 để lại. Nhiều cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được hiểu rõ.

Do đó, ông cho rằng cách dự phòng các di chứng hậu Covid-19 tốt nhất hiện nay vẫn là tránh để bản thân nhiễm SARS-CoV-2. Mọi người cần tập trung tuân thủ khuyến cáo 5K và nhanh chóng tiêm vaccine phòng bệnh.

“Trong thời gian này, ngành y tế vẫn nỗ lực tìm giải pháp, sản xuất thêm các loại thuốc nhằm khống chế triệu chứng của bệnh”, GS Kính nói.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/giai-phap-giup-han-che-di-chung-covid-19-post1298894.html

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.