Hai bệnh nhân đầu tiên khỏi ung thư máu nhờ phương pháp mới

Sau khi được điều trị bằng phương pháp CAR T, hai bệnh nhân ở Mỹ gây bất ngờ vì cơ thể họ không còn tế bào ác tính.

Năm 1996, Doug Olson bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Sau khi khám cho người đàn ông đến từ Pleasanton, California, Mỹ, bác sĩ cau mày và tìm các hạch bạch huyết trên cổ bệnh nhân. Olson được chỉ định sinh thiết.

Kết quả cho thấy ông bị bạch cầu lymphocytic mạn tính - bệnh ung thư máu chủ yếu tấn công người lớn tuổi và chiếm 25% trong số những ca mắc bệnh về bạch cầu. Nhưng khi đó, Olson mới 46 tuổi và luôn khỏe mạnh. Nó khiến người đàn ông này rất sốc.

Theo NY Times, 6 năm tiếp theo trôi qua mà các khối u không hề phát triển. Nhưng niềm vui không đến sớm như vậy. Sau đó, chúng lớn lên rất nhanh và Olson phải trải qua 4 đợt hóa trị, bệnh vẫn tái phát. Người đàn ông tại Mỹ tưởng chừng như không còn hy vọng.

Đây cũng là lúc TS David Porter, Đại học Pennsylvania, bác sĩ điều trị của Olson, đề nghị ông tham gia dự án chưa từng có. Đó là trở thành một trong những bệnh nhân đầu tiên thử nghiệm liệu pháp tế bào CAR T. Đây là phương pháp chữa ung thư hoàn toàn mới.

Hai bệnh nhân đầu tiên khỏi ung thư máu nhờ phương pháp mới-1
Ông Doug Olson chụp ảnh vào tháng 12/2021. Năm 2010, ông là một trong ba bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR T giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Sau 12 năm, cơ thể ông không còn tế bào ác tính. Ảnh: Gia đình bệnh nhân cung cấp.

Tế bào ung thư biến mất sau vài tuần

Năm 2010, ông trở thành bệnh nhân thứ 2 trong số 3 người đầu tiên được điều trị bằng phương pháp mới. Ngay cả những bác sĩ thực hiện dự án cũng không hy vọng nhiều. Theo TS Carl June, điều tra viên chính của thử nghiệm này, họ từng nghĩ liệu pháp sẽ mất hiệu lực sau 1-2 tháng.

Nhưng 12 năm sau, họ nhận ra mình đã sai. Trong bài báo được công bố ngày 2/2 trên tạp chí Nature, TS June và các cộng sự cho biết phương pháp điều trị CAR T đã tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư ở 2 trong số 3 tình nguyện viên của thử nghiệm đầu tiên. Tất cả đều mắc bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính.

Đặc biệt, ngay cả khi bệnh ung thư đã bị tiêu diệt từ lâu, các tế bào CAR T vẫn ở trong máu bệnh nhân, lưu thông và làm nhiệm vụ như “tế bào lính canh”.

TS June hạnh phúc tuyên bố: “Bây giờ, chúng tôi đã có thể nói liệu pháp tế báo CAR T thực sự chữa khỏi ung thư máu”.

“Tôi đang sống rất tốt, khỏe mạnh, năng động và thậm chí chạy được nửa vòng marathon vào năm 2018”, Olson, người đã 75 tuổi, vui mừng chia sẻ với CNN.

Trong cuộc họp báo công bố về thành công của phương pháp mới, nam bệnh nhân chia sẻ: “Khi biết tin mắc ung thư, tôi đã rất kinh hãi. Tuy nhiên, trong khoảng 6 năm đầu, tôi không cần điều trị nhiều. Hóa trị giúp tôi kéo dài tuổi thọ thêm 5 năm nữa, sau đó, mọi thứ xuống dốc khá nhanh. Đến năm 2010, khoảng 50% tủy xương của tôi là tế bào ung thư”.

Tháng 9/2010, ông Olson được truyền tế bào CAR T đầu tiên, ngay sau đó, nam bệnh nhân ốm nặng và phải nhập viện 3 ngày. Vài tuần sau, bác sĩ chuyên khoa thông báo họ không tìm thấy tế bào ung thư trong cơ thể ông.

“Chúng tôi không nghĩ đây sẽ là liệu pháp chữa bệnh đáng hy vọng như vậy. 10 năm trôi qua, tôi cũng không tìm thấy bất kỳ tế bào ung thư bạch cầu nào trong máu Olson. Một lần nữa, các tế bào CAR T vẫn làm tốt nhiệm vụ giám sát của mình”, TS June cho hay.

Hai bệnh nhân đầu tiên khỏi ung thư máu nhờ phương pháp mới-2
Ông Doug Olson và gia đình. Ảnh: Gia đình bệnh nhân cung cấp.

Phương pháp của nhóm chuyên gia Đại học Pennsylvania được thiết kế để điều trị bệnh bạch cầu bằng cách khai thác hệ miễn dịch của chính cơ thể và nhắm vào các tế bào ung thư. Các chuyên gia sẽ gửi các tế bào miễn dịch của bệnh nhân đến phòng thí nghiệm biến đổi gene và cung cấp cho nó khả năng nhận biết, tiêu diệt tận gốc ung thư.

Trong bài báo công bố trên tạp chí Nature, các tác giả mô tả hai giai đoạn khác nhau mà bệnh nhân đã trải qua. Ở pha đầu, các tế bào CAR T CD8+ hoặc CD4-CD8 đánh dấu và loại bỏ các tế bào T, tế bòa bạch cầu chống lại virus, ra khỏi máu của bệnh nhân, đồng thời biến đổi gene để chống lại bệnh ung thư. Sau đó, ở pha hai, các tế bào biến đổi được truyền ngược trở lại vào hệ tuần hoàn của bệnh nhân. Lúc này, CD4+ CAR T chi phối, loại bỏ dần các tế bào ung thư. Quá trình thuyên giảm này diễn ra rất nhanh.

Trong trường hợp người mắc bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính, ung thư liên quan tế bào B – loại tế bào hình thành kháng thể của hệ thống miễn dịch. Tế bào T của bệnh nhân được dạy để nhận ra tế bào B và tiêu diệt chúng. Kết quả, nếu điều trị thành công, mọi tế bào B trong cơ thể sẽ bị tiêu diệt. Bệnh nhân sẽ không có tế bào B, nhưng cũng không còn bị ung thư. Các bệnh nhân sẽ được truyền kháng thể thường xuyên dưới dạng truyền globulin miễn dịch.

Tác dụng phụ không mong muốn

Bên cạnh tác dụng đáng kinh ngạc, điều khiến các chuyên gia tại Đại học Pennsylvania e ngại đó là các tác dụng phụ nghiêm trọng. Trong những năm qua, liệu pháp này đã được cải tiến để trở nên an toàn hơn và áp dụng cho hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm. Tuy nhiên, tác dụng phụ không mong muốn vẫn canh cánh trong lòng những người sáng chế.

Đầu tiên là hiện tượng ly giải khối u. Số lượng lớn tế bào ung thư bị tiêu diệt cùng lúc tràn vào máu và có thể gây bất thường điện giải, tổn thương thận. Ở một số người được điều trị bằng CAR T, tình trạng này rất nặng.

Tác dụng phụ thứ hai là cơn bão cytokine, khiến người bệnh gặp hội chứng giống cúm nặng, sốt rất cao, buồn nôn, nôn, đau cơ và khớp. Tình trạng này có thể khiến huyết áp thấp tới mức nghiêm trọng, khó thở, rò rỉ chất lỏng vào phổi.

Tác dụng phụ thứ ba là nhiễm độc thần kinh, dẫn tới khó nói, suy nghĩ mơ hồ. Trong một số tình huống, bệnh nhân có thể bị hôn mê, lên cơn co giật nhưng phần lớn đã tự khỏi.

Điểm hạn chế của phương pháp này là nó chưa có tác dụng với người mang khối u rắn như ung thư vú, tuyến tiền liệt.

Hai bệnh nhân đầu tiên khỏi ung thư máu nhờ phương pháp mới-3
Các tế bào bạch cầu (màu tím) tích tụ trong cơ thể người bị bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính. Nguồn: Steve Gschmeissner/Science Photo Library.

Liệu pháp này đã giúp nhiều người chữa bệnh ung thư máu, đặc biệt hiệu quả ở những bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp tính và các bệnh ung thư máu khác. Song, những người mắc bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính (CLL) như ông Olson ít thành công hơn. Trong số những người bị ung thư, khoảng 20-33% bệnh nhân thuyên giảm nhờ liệu pháp CAR T. Nhưng, nhiều người vẫn bị tái phát. Chỉ có ông Olson và một người khác được chữa khỏi hoàn toàn.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao một số bệnh nhân tái phát hoặc kháng lại trị liệu trong khi người khác lại được chữa khỏi?”, tiến sĩ John F. DiPersio, Trưởng khoa Ung thư tại Đại học Washington, người không tham gia vào nghiên cứu, băn khoăn. Đây cũng là điều bí ẩn mà nhóm tác giả cần giải đáp.

Tiến sĩ Armin Ghobadi, Đại học Washington, chuyên gia về liệu pháp miễn dịch tế bào và gene cho bệnh nhân ung thư, đánh giá những phát hiện này “rất đáng kinh ngạc”. Từ "chữa khỏi" hiếm khi được sử dụng cho người mắc ung thư, song vị chuyên gia nhận định có vẻ như những bệnh nhân này đã đạt đến trạng thái đó.

Hàng chục nghìn bệnh nhân đang được điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR T. Phương pháp này cũng được các cơ quan y tế trên thế giới. Năm 2017, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt CAR T cho điều trị một số bệnh ung thư máu cho người lớn và trẻ em.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/hai-benh-nhan-dau-tien-khoi-ung-thu-mau-nho-phuong-phap-moi-post1294457.html

bệnh ung thư

ung thư máu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.