Hiếm muộn chưa được coi là bệnh: Chính sách cần thay đổi

Dù chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn, đặc biệt là khi thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo tại Việt Nam thấp hơn các nước nhưng vẫn là "rào cản" lớn đối với nhiều cặp vợ chồng.

Lời tòa soạn

Năm 1997, lần đầu tiên tại Việt Nam, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được thực hiện. Một năm sau, các em bé chào đời. Mặc dù bắt đầu muộn so với thế giới (1978) và khu vực (1984), nhưng hiện nay, Việt Nam là nước thực hiện IVF nhiều nhất khu vực ASEAN và là nước đi đầu về kỹ thuật này của khu vực. Nước ta có khoảng 50.000 trường hợp IVF mỗi năm, cho đến nay ước tính đã có khoảng 200.000 trẻ ra đời ở Việt Nam từ kỹ thuật này. 

Đây được xem là thị trường y tế siêu lợi nhuận mang lại hàng triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ lo ngại kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ bị thương mại hóa.

VietNamNet xin đăng tuyến bài: 'Nở rộ' trung tâm hỗ trợ sinh sản, người hiếm muộn thành khách hàng tiềm năng để phản ánh về thực tế bức tranh điều trị vô sinh hiếm muộn tại nước ta.

Kỳ 1: Dịch vụ thụ tinh ống nghiệm: Ngành 'công nghiệp' siêu lợi nhuận?

Kỳ 2: Nguy hiểm khi lạm dụng thụ tinh ống nghiệm để 'vừa nhanh, vừa dễ thu tiền'

'Có người chấp nhận uống nước giếng thay vì đến trung tâm hỗ trợ sinh sản'

Chị Phạm Hà Mai, trú tại Hà Nội, vừa đón "công chúa" sau nhiều năm nỗ lực trị hiếm muộn. Tập hồ sơ chữa hiếm muộn trong nhiều năm qua được vợ chồng chị Mai lưu lại hết. Do bị dính vòi trứng, chị từng phải phải trải qua ca phẫu thuật trước khi có con trai đầu lòng vào năm 2012 bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Đến lần sinh thứ hai, chị Mai “thả” mãi nhưng không có con. Vợ chồng chị lại đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán "vô sinh không rõ nguyên nhân". Cơ hội có con của họ chỉ còn làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Từ năm 2016, chị Mai liên tục làm các chu kỳ kích trứng - chọc trứng - chuyển phôi. Chị không nhớ mình đã chuyển bao nhiêu lần. Số tiền hai vợ chồng kiếm được bao nhiêu đều dành cho chữa hiếm muộn. Có thời điểm, chị chán nản không muốn làm tiếp.

Năm 2022, khi đã gần 40 tuổi, người phụ nữ này quyết định chuyển phôi lần cuối. Chị Mai tâm sự: “Lúc định buông thì may mắn tới. Tôi có thai và sinh được một công chúa kháu khỉnh”.

Sự kiên trì cùng với điều kiện kinh tế cho phép đã giúp chị thực hiện được mong ước làm mẹ. Tuy nhiên, với nhiều cặp vợ chồng khác, chi phí lại là vấn đề nan giải khiến họ không thể tiếp cận các phương pháp này.

Hiếm muộn chưa được coi là bệnh: Chính sách cần thay đổi-1
Vợ chồng chị Mai và hành trình sinh hai bé nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Ảnh: NVCC. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết bài toán chi phí là "rào cản" với người điều trị hiếm muộn. "Có bệnh nhân khi còn trẻ không đủ tiền chữa hiếm muộn, khi họ có tiền, tuổi lại nhiều, cơ hội có con giảm dần", bác sĩ Quang nói.

Từng thăm khám cho hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn, vị bác sĩ này còn chia sẻ ông đã từng chứng khiến nhiều người tìm tới các bài thuốc nam, thuốc bắc thậm chí ở đâu có “giếng thần” được cho là sẽ giúp mang thai họ cũng đến uống. Kết quả, dù đã áp dụng mọi cách, họ vẫn không có con. Mẫu số chung của các bệnh nhân này đó là sợ tốn kém khi làm các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Hiếm muộn chưa được coi là bệnh: Chính sách cần thay đổi-2
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia chuyển phôi cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Cần thay đổi chính sách

Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết hiện nay, tại Việt Nam, hiếm muộn chưa được coi là bệnh nên không được BHYT thanh toán. Bệnh nhân đi khám hiếm muộn đều phải tự chi trả các chi phí từ xét nghiệm tới phẫu thuật, làm thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm. Do đó, ông Tiến đã nhiều lần phải chứng kiến cảnh người bệnh khánh kiệt, thậm chí bán nhà đi chữa hiếm muộn.

Ngoài ra, bác sĩ này còn chỉ ra một vấn đề đó là: “Một nghịch lý đang xảy ra là nếu bóc u xơ điều trị bình thường bệnh nhân được BHYT thanh toán, cùng u xơ đó nếu bóc vì mục đích có con, họ sẽ phải tự chi trả”.

Một số quốc gia kinh phí đóng BHYT cao hơn nên người hiếm muộn được chi trả một phần chi phí điều trị. Ví dụ, tại Pháp, người hiếm muộn được hỗ trợ chi trả 3-4 lần làm IVF, từ các lần sau người hiếm muộn được chi trả 1 phần hoặc phải tự trả. Giáo sư Tiến cho rằng trong tương lai cần thay đổi thêm một số điều kiện về BHYT để người chữa hiếm muộn có thể được đồng chi trả.

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, chi phí thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam hiện nay ở mức thấp so với khu vực và thế giới, khoảng 1/8 so với ở Mỹ, 1/4 so với châu Âu, 1/3-1/2 so với các nước trong khu vực ASEAN. 

Trong thời gian dài trước đây, chính sách dân số quan trọng của Việt Nam là giảm sinh. Do đó, việc điều trị hiếm muộn không được quan tâm, các chi phí khám và điều trị hiếm muộn không được BHYT chi trả. 

"Tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam đã được kiểm soát và dự kiến có thể bắt đầu chuyển sang xu hướng giảm trong tương lai. Tôi nghĩ với sự phát triển của kinh tế và xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây, các chính sách quốc gia về dân số nói chung và BHYT cho khám, điều trị hiếm muộn cũng cần thay đổi phù hợp", bác sĩ Tường cho hay.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết đến nay theo Luật BHYT các trường hợp điều trị hiếm muộn nằm ngoài đối tượng thanh toán. Theo ông, dù tỷ lệ vô sinh hiếm muộn tăng lên hàng triệu ca, người điều trị gặp khó khăn nhưng quỹ BHYT hạn chế nên rất khó để đưa nhóm đối tượng này vào quỹ chi trả. Trong tương lai, ông Phúc nhìn nhận chính sách thay đổi cho người hiếm muộn được BHYT hỗ trợ đồng chi trả cũng vô cùng khó vì “còn nhiều thứ phải chi cấp thiết hơn”. 

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vi-sao-bhyt-khong-chi-tra-vien-phi-cho-nguoi-chua-vo-sinh-hiem-muon-2154244.html

thụ tinh trong ống nghiệm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.