Hoại tử xương sọ mặt có phải do “hậu COVID-19” hay không?

Vừa qua, thông tin về 11 ca bệnh bị viêm hoại tử xương vùng sọ mặt rất nặng ở người từng mắc COVID-19 vừa được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đưa ra đã khiến nhiều người lo lắng. Chỉ trong 2 tháng, bệnh viện này tiếp nhận 11 người bị hoại tử xương vùng sọ mặt rất nặng, 2 người tử vong, 6 người xin về, 3 người may mắn được cứu sống. Hoại tử xương vùng sọ mặt có phải do “hậu COVID-19” hay không hiện vẫn còn đang được nghiên cứu thêm, chưa có kết luận.

Bệnh nguy hiểm

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ở đây đã tiếp nhận đến 11 bệnh nhân bị viêm hoại tử xương vùng sọ mặt rất nặng ở ãngười từng mắc COVID-19 do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng. Đáng chú ý, tất cả trường hợp này đều có những triệu chứng như đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt, mắt… sau khi nhiễm COVID-19.

Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận 16 bệnh nhân từ tháng 2/2022 đến nay, trong đó có 3 bệnh nhân hoại tử hàm trên lan lên đến sàn sọ và được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn, điều trị.

Hoại tử xương sọ mặt có phải do hậu COVID-19” hay không?-1Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nắm thông tin từ các bệnh nhân bị hoại tử xương vùng mặt được cứu sống. Ảnh: Nguyễn Ly.

Đặc điểm chung của bệnh lý này là xảy ra chủ yếu trên bệnh nhân có đái tháo đường, có dùng thuốc corticoid và hậu COVID-19. Theo PGS.TS.BS Trần Minh Trường, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng bị đau trong giai đoạn sau nhiễm COVID-19 ở vùng đầu, mặt, răng…, triệu chứng tiến triển âm ỉ kéo dài.

Đây là những dấu hiệu của bệnh viêm xoang. Và hầu hết bệnh nhân này đều có bệnh lý nền, có dùng thuốc chứa corticoid. Tuy nhiên, không dám khẳng định 100% bệnh nhân bị hoại tử xương hàm mặt và sọ mặt do COVID-19. Nhưng từ tháng 5/2021 đến nay, thế giới đã có 80 bài báo cáo đăng tải những vấn đề tương tự, cho thấy có mối liên hệ giữa COVID-19 và cốt tủy viêm xương.

Còn theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong các bệnh nhân sống sót có một số ca tiền sử đái tháo đường được phát hiện nhiễm nấm. Từ những ca gợi ý trên, các trường hợp có bệnh cảnh tương tự cũng được điều trị nấm tích cực. Nhờ vậy, 3 bệnh nhân nguy kịch đã hồi phục kỳ diệu.

Theo các chuyên gia, trước đây khi chưa có COVID-19, tình trạng nhiễm nấm sau khi bị đái tháo đường không nhiều. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, người nhiễm COVID-19 thường bị rối loạn miễn dịch kéo dài, khiến khả năng nhiễm nấm tăng lên.

Miền Bắc chưa xuất hiện ca bệnh

Thông tin về căn bệnh bất thường này đã gây lo lắng cho rất nhiều người từng mắc COVID-19, đặc biệt là những người có bệnh nền, điều trị corticoid kéo dài. Chia sẻ về điều này, Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, đến nay ngoài thông tin của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế chưa nhận được báo cáo của các bệnh viện khác về căn bệnh tương tự. Do COVID-19 là một bệnh mới, nên Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trong quá trình điều trị, khám hậu COVID-19 cần tiếp tục theo dõi sát, cập nhật, báo cáo để có điều chỉnh, bổ sung phù hợp các phác đồ điều trị.

Hiện Bộ Y tế vẫn chưa có phác đồ chuẩn để điều trị các trường hợp trên, nên chỉ có thể kết hợp điều trị cả nội lẫn ngoại khoa, như phẫu thuật để lấy hết xương viêm, xương hoại tử, dùng thuốc kháng sinh, cân nhắc sử dụng thuốc kháng nấm. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là những trường hợp này dễ bị nhầm lẫn trong chẩn đoán ban đầu, khiến bệnh nhân không được điều trị tận gốc.

Hoại tử xương sọ mặt có phải do hậu COVID-19” hay không?-2Điều trị cho bệnh nhân hậu COVID-19.

Hiện nay, tại nhiều bệnh viện của Hà Nội cũng như bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương, Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương… chưa ghi nhận ca bệnh bị hoại tử xương vùng sọ mặt sau mắc COVID-19 tới khám.

Nhiều chuyên gia cũng cho biết, đến nay kể cả trên thế giới cũng chưa có nghiên cứu đầy đủ và bằng chứng khẳng định căn bệnh này có liên quan tới COVID-19, mà tất cả chỉ là giả thiết ban đầu dựa trên bằng chứng lâm sàng. Để có kết quả còn cần phải nghiên cứu thêm một cách đầy đủ.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người sau khi mắc COVID-19 từ 6-8 tháng nếu có tình trạng nhức đầu, viêm xoang được khuyến cáo nên được chụp CT-scan não để kịp thời phát hiện bệnh, xử lý viêm nhiễm sớm. Nếu để hình thành ổ áp-xe, hoại tử ăn vào não thì hậu quả rất nặng nề. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì tỉ lệ xảy ra hoại tử xương vùng sọ mặt sau COVID-19 là rất thấp.

Người sau mắc COVID-19 cần chú ý tới hiện tượng hoại tử xương khi thấy các dấu hiệu đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân, thay đổi dáng đi, khập khiễng, đặc biệt là ở những người đã trải qua bệnh COVID-19 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoid trong thời gian dài trong quá trình điều trị thì nên đi thăm khám ngay.

Chiều 14/7, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã ký văn bản gửi Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương TP Hồ Chí  Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy, đề nghị Giám đốc các bệnh viện trên báo cáo nhanh tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị bệnh hoại tử xương hàm từ tháng 2/2022 đến nay cho Bộ Y tế trước ngày 16/7. Hai bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên. Bệnh viện tiếp tục quan tâm tổ chức đón tiếp, điều trị chu đáo, tận tình với người bệnh. Đồng thời có các thông tin chính xác dựa trên cơ sở khoa học và đề xuất có các biện pháp để người dân chủ động đề phòng, tránh làm hoang mang, bất ổn trong xã hội.

Theo cand

Xem link gốc Ẩn link gốc https://cand.com.vn/y-te/hoai-tu-xuong-so-mat-co-phai-do-hau-covid-19-hay-khong--i660454/

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.