Hoảng hồn với 'đại chiến' nuôi con giữa các bà mẹ bỉm sữa

Đôi khi, những người nuôi con bằng sữa công thức như tôi cảm thấy bị coi thường...

Đôi khi, những người nuôi con bằng sữa công thức như tôi cảm thấy bị coi thường...

Nuôi con 9 người 10 ý, vì mỗi người có một bí quyết riêng nên không thể tránh khỏi những tranh cãi. Thế nhưng, chỉ khi tôi có con, trở thành một bà mẹ đích thực, tôi mới nhận ra cuộc tranh cãi giữa các bà mẹ đôi khi cũng gay gắt và sôi sục không kém bất kì vấn đề chính trị, xã hội nào. Dưới đây là những chủ đề dễ khiến các mẹ “khẩu chiến” nhất.

Bú sữa mẹ hay bú sữa công thức

Vấn đề gây nhiều tranh cãi hàng đầu giữa các mẹ bỉm sữa là chuyện cho con bú hay để con uống sữa công thức. Bản thân tôi thấy mỗi kiểu nuôi có những lợi ích riêng nhưng không hiểu sao, hầu như mẹ nào nuôi con được bằng sữa mẹ cũng tỏ ra... tự hào thái quá. Đôi khi những bà mẹ nuôi con bằng sữa công thức như tôi cảm thấy như bị những “mẹ sữa” (từ dùng để chỉ những bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mình) coi thường, bị chê nào là sợ xấu, sợ hỏng ngực nên không dám cho con bú, nào là kém cỏi, không biết cách kích sữa, nào là để mất sữa là người mẹ tồi, không biết nghĩ cho con, để con uống sữa công thức khác gì uống thuốc độc...

Vẫn biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lí tưởng nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng khi mình không thể có sữa để nuôi con lớn thì đành phải nhờ đến sữa công thức, chẳng nhẽ lại để mặc cho con nhịn đói, nhịn khát, chờ sữa mẹ về đến bao giờ? Mẹ nuôi con sữa công thức hay nuôi con sữa mẹ cũng đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Vì thế mà tôi thấy chủ đề tranh cãi này vô lí và ngớ ngẩn hết sức.

Hoảng hồn với 'đại chiến' nuôi con giữa các bà mẹ bỉm sữa - 1

Để con tự khóc hay dỗ con

Nhiều người cảm thấy việc bỏ mặc cho con tự khóc chán rồi nín là ác độc, nhiều người lại cho rằng đấy là một biện pháp hiệu quả khi mà mọi cách dỗ dành đều trở nên vô ích. Đặc biệt, các bà mẹ phương Tây khá ưa chuộng phương pháp “Cry It Out” (Để con tự khóc) nhưng cũng không ít bà mẹ khác phản đối, cho rằng đây là phương pháp phản khoa học, bé ngừng khóc và đi vào giấc ngủ nhưng là vì quá mệt, quá căng thẳng do không được mẹ dỗ dành thì chẳng có gì đáng tự hào cả.

Nuôi con ăn dặm kiểu ta, kiểu Tây hay kiểu Nhật

Cuộc chiến uống sữa gì trong 6 tháng đầu chưa qua, cuộc chiến cho con ăn dặm kiểu nào đã đến. Thời đại thông tin phát triển, các mẹ ngày càng có xu hướng ưa chuộng phương pháp ăn dặm nước ngoài như ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm chỉ huy (kiểu Tây),... Cá nhân tôi thích áp dụng mỗi kiểu một chút, ta có, tây có, Nhật có,... vì mỗi cách đều có ưu nhược điểm riêng. Chê kiểu ăn dặm truyền thống của Việt Nam là “lạc hậu” như quan điểm của một số mẹ chuộng ăn dặm kiểu Nhật hoặc kiểu Tây thì có phần cực đoan quá.

Thực tế thì ăn dặm kiểu Việt Nam từ xưa – thức ăn xay nhuyễn dưới dạng bột với đủ các thành phần dinh dưỡng tinh bột, đạm, rau, chất béo – khá hợp với hệ tiêu hóa và khả năng nhai nuốt non yếu của trẻ, lại bổ sung đủ 4 nhóm chất cần thiết nhất cho trẻ cũng như tốn ít thời gian chế biến nấu nướng nhất. Chúng ta cũng từng là những đứa trẻ, lớn lên từ cách ăn dặm truyền thống đó, cuối cùng thì tất cả đều biết nhai, biết nuốt và khỏe mạnh, trưởng thành cả đấy thôi.

Cho con ngủ chung hay ngủ riêng

Khá nhiều bố mẹ ưa thích phong cách nuôi con kiểu Tây, muốn rèn con tự lập từ bé nên để con ngủ riêng ở cũi từ khi còn trong giai đoạn sơ sinh. Lại thêm gần đây có quá nhiều vụ trẻ chết ngạt do ngủ chung với bố mẹ khiến nhiều bậc phụ huynh dù đang thực hiện kiểu ngủ cùng con nhỏ cũng phải “rùng mình”, phân vân không biết liệu có nên tách con ra ngủ riêng hay không. Cũng không ít bố mẹ phản đối phương pháp rèn con tự ngủ, cho rằng chuyện trẻ chết ngạt vì ngủ chung giường với bố mẹ chỉ có ở bên Tây, thân hình bố mẹ quá to lớn, cộng thêm lỗi bất cẩn mới để xảy ra những cái chết thương tâm như vậy.

Cùng là một phương pháp nuôi con, có thể áp dụng với em bé này rất tốt, rất hiệu quả nhưng với em bé khác lại không được như vậy. Tôi thấy dù phương pháp nuôi con của mình không giống những người khác thì chỉ cần con khỏe mạnh, hoạt bát là có thể tin rằng mình đang làm đúng. Có người mẹ nào lại không mong những điều tốt đẹp nhất cho con mình chứ?

Theo Khám Pháj



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.