Khu điều trị F0 nguy kịch ở Hà Nội kín giường

Hai tuần nay, các khu điều trị F0 nặng tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 ở Hà Nội luôn kín giường. Nhân viên y tế phải làm việc với cường độ cao.

"Bệnh nhân giường số 7, chỉ số SpO2 85%, yêu cầu kiểm tra ngay", nhân viên y tế trong trung tâm điều hành của khu R13, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội, gọi điện đàm vào trong phòng bệnh. Hai khu vực này chỉ cách nhau tấm kính trong suốt, có thể quan sát mọi diễn biến ở bên trong.

Ngay sau đó, 4 bác sĩ và điều dưỡng di chuyển nhanh đến giường của bệnh nhân N.T.M. (84 tuổi) để cấp cứu. Cả ê-kíp nhanh chóng thực hiện kỹ thuật xoa bóp tim ngoài lồng ngực, điều chỉnh máy móc. Năm phút trôi qua, một bác sĩ giơ tay ra tín hiệu "OK". Lúc này, tất cả cán bộ y tế, bác sĩ trong trung tâm điều hành thở phào vì bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Trong trung tâm điều hành của khu vực điều trị bệnh nhân nặng, tiếng chuông cảnh báo cần cấp cứu khi chỉ số SpO2 tụt thấp đan xen tiếng bộ đàm chỉ đạo, hối thúc, vang lên liên tục.

Liên tục quá tải

Từ 31/8/2021, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 với quy mô 500 giường bệnh chính thức đi vào hoạt động. Đây là nơi tiếp nhận, điều trị của các bệnh nhân Covid-19 tầng 2, tầng 3.

Theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Phương, bệnh viện có hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Thời gian gần đây, cơ sở y tế này điều trị khoảng 160-200 bệnh nhân, mỗi ngày tiếp nhận 20-30 F0.

"Khu vực R13 và R14 là nơi điều trị bệnh nhân tầng 3, nặng và nguy kịch. Mỗi khu có thể điều trị tối đa 20 bệnh nhân. Hai tuần nay, các khu này luôn kín giường và quá tải.

Giường bệnh vẫn còn nhưng nhân lực để tiếp nhận, điều trị theo công suất tối đa của bệnh viện chưa đủ. Với số nhân lực hiện nay và số bệnh nhân đang điều trị, chúng tôi còn thiếu khoảng 10 bác sĩ, điều dưỡng. Vì thiếu người, nhân viên y tế phải trực liên tục 12 tiếng mỗi ngày. Sắp tới, nếu số bệnh nhân tiếp tục tăng cao, chúng tôi sẽ cần chi viện từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Sở Y tế", điều dưỡng Phương nói.

Khu điều trị F0 nguy kịch ở Hà Nội kín giường-1
R13, R14 là khu vực điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch của Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Hà Nội. Ảnh: PA.

Điều dưỡng Phương cũng cho biết nhân lực tại khu vực tầng 3 sẽ chia thành 2 đội. Đội một sẽ ở trong phòng bệnh trực tiếp tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân. Đội còn lại sẽ ở ngoài điều phối, xử lý thông tin tại trung tâm điều hành qua vách ngăn phòng dịch.

Hệ thống camera giám sát có thể theo dõi đến từng giường của các bệnh nhân. Việc này giúp các nhân viên y tế trong trung tâm điều hành có thể quan sát toàn bộ bệnh nhân, kịp thời cấp cứu khi có tình huống khẩn cấp.

"Tại giường của mỗi bệnh nhân đều có máy đo chỉ số SpO2. Nhân lực ở trong bệnh phòng và trung tâm điều hành sẽ liên tục hỗ trợ nhau. Trường hợp khẩn cấp, các bác sĩ ở bên ngoài cũng có thể lập tức vào bên trong", điều dưỡng Thu Phương cho hay.

Bệnh nhân nặng chủ yếu là người già, suy kiệt

BS Nguyễn Minh Nguyên, điều trị tầng 3, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, cho biết đặc điểm của các bệnh nhân tại đây là rất già, tuổi trung bình từ 80 đến 100 và tỷ lệ chưa tiêm vaccine lớn.

"Các bệnh nhân điều trị tại khu vực hồi sức luôn cần theo dõi liên tục 24/24 giờ vì diễn biến xảy ra liên tục, khó lường. Bệnh nhân chủ yếu nằm lưu cữu, thời gian điều trị dài, có khi vài tuần hoặc vài tháng mới có thể ra viện. Vì vậy, chúng tôi phải chiến đấu dài hơi. Đây cũng là thách thức lớn với nhân viên y tế", bác sĩ Minh Nguyên nói.


Khu điều trị F0 nguy kịch ở Hà Nội kín giường-2
Màn hình hiển thị các chỉ số sinh tồn: Nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, SpO2 của tất cả bệnh nhân đang điều trị. Ảnh: PA.

Bác sĩ Nguyên phân tích sau khi tiêm vaccine, số lượng F0 ngoài cộng đồng tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng có giảm. Tuy nhiên, khi số F0 tăng quá cao, lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng, đặc biệt người già yếu, nhiều bệnh nền, không có khả năng đi tiêm vaccine. Những trường hợp này mắc thêm Covid-19 thường rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Vì vậy, theo bác sĩ Minh Nguyên, muốn giữ được tỷ lệ tử vong thấp, chúng ta cần "phòng bệnh hơn chữa bệnh", giảm tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng, bảo vệ đối tượng nguy cơ nặng.

Có cùng nhận định, bác sĩ Vũ Việt Hà, điều trị tầng 3, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, cho hay các trường hợp tử vong chủ yếu trên 80 tuổi, sức khỏe suy kiệt, nằm một chỗ. Số lượng ca tử vong ghi nhận khoảng 2-3 trường hợp/ngày. Hầu hết bệnh nhân chưa tiêm vaccine. Theo bác sĩ Hà, nguyên nhân từ chiến dịch tiêm chủng tại nhà ở Hà Nội chưa được triển khai đầy đủ.

"Để giảm tỷ lệ tử vong, chúng ta cần tiêm chủng đẩy đủ, đặc biệt đối tượng nguy cơ cao. Hơn nữa, chiến dịch tiêm tại nhà cần dễ tiếp cận, không ít người dân có tâm lý người già chỉ ở nhà, không đi đâu nên không cần tiêm vaccine. Về phía nhân viên y tế, khi bệnh nhân có diễn biến nguy kịch, chúng tôi luôn nỗ lực, dùng mọi biện pháp để cứu người bệnh", bác sĩ Hà chia sẻ.

Trước tình hình dịch tại Hà Nội tiếp tục phức tạp, số lượng F0 ghi nhận mỗi ngày liên tục tăng cao, nhiều bác sĩ trong ê-kíp trực tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 đùa với nhau rằng: "Xác định năm nay không có Tết".

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội tính đến 18h ngày 11/1, thành phố đang điều trị cho 50.946 người mắc Covid-19.

Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (133), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218), các bệnh viện thuộc Hà Nội (3.079), cơ sở thu dung của thành phố (1.330), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.533). Ngoài ra, 40.653 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/khu-dieu-tri-f0-nguy-kich-o-ha-noi-kin-giuong-post1289215.html

Covid-19 Hà Nội

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.