Làm 3 việc trong kỳ kinh nguyệt để thải độc cơ thể và tử cung luôn khỏe mạnh

Cũng giống như tử cung, kỳ kinh nguyệt tạo ra sự khác biệt về giới tính và quyết định khả năng sinh sản của phụ nữ. Nếu biết tận dụng, chị em còn có thể thải độc hiệu quả mỗi khi “tới tháng”.

Giải thích theo y học, kinh nguyệt là sự bong tróc của niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) kèm theo chảy máu. Nó xảy ra theo chu kỳ hàng tháng trong suốt cuộc đời sinh sản của phụ nữ, ngoại trừ khi mang thai và chỉ ngừng vĩnh viễn khi mãn kinh nên thường được gọi là hành kinh hoặc “tới tháng”.

Trong kỳ kinh nguyệt, chị em phụ nữ sẽ có thay đổi lớn về nội tiết tố. Từ đó, dẫn tới nhạy cảm, khó chịu hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thải độc cho cơ thể “độc nhất vô nhị” chỉ phụ nữ mới có đặc quyền được hưởng. Vì vậy, nếu muốn tử cung luôn “sạch” thì đừng quên làm 3 việc sau đây mỗi khi “tới tháng” nhé:

1. Ăn nhiều thực phẩm làm ấm cơ thể

Cơ thể phụ nữ vốn có tính hàn, lại thường có xu hướng giảm nhiệt độ cơ thể, dễ bị lạnh hơn trong kỳ kinh nguyệt. Lúc này, nếu ăn đồ lạnh hoặc uống đồ lạnh sẽ ảnh hưởng đến sự co bóp của tử cung. Khiến máu kinh lưu thông kém, dễ gây đau bụng kinh, khó chịu, kinh nguyệt kéo dài.

Làm 3 việc trong kỳ kinh nguyệt để thải độc cơ thể và tử cung luôn khỏe mạnh-1
Ảnh minh họa

Ngoài ra, nhiều phụ nữ có xu hướng trở nên cáu kỉnh và lo lắng hơn khi “tới tháng” do sự mất cân bằng của estrogen và progesterone, giữ nước và natri và quá nhiều hormone chống bài niệu. Vì vậy nên hạn chế đồ ăn nhiều muối vì nó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng giữ nước và natri, gây đau đầu, phù nề và các vấn đề khác.

Thay vào đó, hãy ăn những thực phẩm có khả năng làm ấm cơ thể, tốt cho tử cung, xua tan cảm lạnh và tuần hoàn máu. Như vậy không chỉ giảm bớt cảm giác khó chịu, đau bụng kinh mà còn làm sạch tử cung, thải độc cho cơ thể thông qua qua máu kinh. Ví dụ như uống nước ấm thường xuyên, ăn chocolate đen, bí ngô, khoai lang, bơ, yến mạch, chuối, các loại hạt, rau họ đậu, hành tây… Nhưng cũng đừng ăn quá nhiều thực phẩm có tính cay, nóng như ớt hay tiêu, gừng vì sẽ gây phản tác dụng.

2. Thay băng vệ sinh thường xuyên hơn

Giữ gìn vệ sinh vùng kín là điều tối quan trọng đối với phụ nữ, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt. Trong đó, việc thay băng vệ sinh thường xuyên có vai trò quyết định về hiệu quả làm sạch tử cung và giảm bớt khó chịu cho âm đạo.

Thời gian trung bình cho việc thay băng vệ sinh là cách 6 giờ 1 lần. Nếu muốn tăng hiệu quả làm sạch, giữ vệ sinh tốt nhất, hãy thay băng trong khoảng mỗi 2 - 4 giờ hoặc bất cứ khi nào thấy băng thấm quá nhiều hoặc cảm thấy khó chịu, ẩm ướt. Cần nhớ rằng dù bận rộn thế nào cũng không được kéo dài thời gian một lần thay băng vệ sinh quá 8 giờ đồng hồ. Đặc biệt, những phụ nữ có lượng máu kinh càng nhiều thì cần phải thường xuyên thay hơn nữa.

Làm 3 việc trong kỳ kinh nguyệt để thải độc cơ thể và tử cung luôn khỏe mạnh-2
Ảnh minh họa

Nếu chị em không thay băng vệ sinh kịp thời rất dễ khiến vi khuẩn phát triển và sinh sôi ở vùng kín. Từ đó dẫn đến ứ đọng máu kinh, nhiễm khuẩn gây viêm nhiễm phụ khoa, ảnh hưởng tới quá trình thải độc và sức khỏe của tử cung. Lặp lại trong thời gian dài có thể gây ra rất nhiều vấn đề sinh sản, thậm chí là mắc bệnh ung thư.

Đối với những người sử dụng tampon cũng như vậy, nên thay ít nhất mỗi 4 - 8 giờ 1 lần. Nếu để tampon trong âm đạo một thời gian dài có thể có liên quan tới hội chứng sốc nhiễm độc. Nếu lượng máu kinh thải ra quá nhiều thì cần phải thay tampon thường xuyên hơn.

Ngoài ra, một số người sử dụng cốc nguyệt san được làm bằng nhựa hoặc cao su. Sử dụng cốc nguyệt san bằng cách đưa vào âm đạo để đón dòng chảy của kinh nguyệt. Cốc nguyệt san có thời gian sử dụng lâu hơn băng vệ sinh và tampon, có thể thay sau mỗi 8 - 12 giờ đồng hồ, lấy ly ra và làm sạch rồi tái sử dụng. Tuy nhiên, một số cốc nguyệt san chỉ sử dụng được một lần và vứt bỏ nên cần chú ý sử dụng theo từng loại.

Trước khi thay băng vệ sinh hay tampon, cốc nguyệt san đều cần rửa tay sạch. Hãy vệ sinh vùng kín bằng nước ấm trước mỗi lần thay băng để giúp cho vùng kín sạch sẽ và nước ấm có thể làm giảm chứng đau bụng kinh.

3. Kích thích tăng đào thải kinh nguyệt

Trên thực tế, khi phụ nữ giúp máu kinh nguyệt được thải ra ngoài cơ thể nhanh chóng trong kỳ kinh nguyệt, tử cung sẽ trở nên khỏe mạnh hơn, có lợi cho việc giải độc cơ thể. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tử cung, tăng cường thải độc mà còn giúp kỳ kinh nguyệt được trải qua nhẹ nhàng hơn.

Một trong những cách hiệu quả mà ai cũng có thể làm là tận dụng toilet đúng cách. Cụ thể là khi phụ nữ ngồi trên bồn cầu khi đi vệ sinh, họ có thể cố gắng rướn người về phía trước và hít thở sâu nhiều lần. Đây là một dạng bài tập kết hợp giữa cơ sàn chậu và hô hấp trong tư thế tử cung có thể dễ dàng giải phóng nhiều máu kinh nhất mà không gây hại hay đau đớn.

Hoặc có thể tận dụng một số thực phẩm thiên nhiên giúp đẩy nhanh đào thải và điều hòa rối loạn kinh nguyệt như: Nghệ, nước gừng ấm, nho, đu đủ xanh, nước ép cà rốt… hay đơn giản là nước lọc đun sôi để nguội trong khoảng 30 - 45 độ C.

Tuy nhiên, đừng vì muốn kinh nguyệt ra nhanh, ra nhiều hơn mà bất chấp mọi cách, sẽ gây hại cho cơ thể. Đặc biệt thận trọng sử dụng các loại thuốc hoạt huyết, khử ứ. Nếu không sẽ dễ làm tăng lượng máu kinh, trường hợp nặng có thể gây ra các chứng như kinh nguyệt ra nhiều, thiếu máu. Tốt nhất là có hướng dẫn từ bác sĩ chuyên môn. Cũng không nên ngâm bồn, tắm suối nước nóng… trong thời gian này để tránh vi khuẩn, bệnh tật nguy hiểm nhé!

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/lam-3-viec-trong-ky-kinh-nguyet-de-thai-doc-co-the-va-tu-cung-luon-khoe-manh-20221229095355678.htm

kinh nguyệt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.