Làm gì khi con bạn mắc bệnh ghẻ?

Ghẻ rất dễ lây lan, gây ngứa và khó chịu cho trẻ nhỏ. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách phòng ngừa và điều trị để giúp con nhanh khỏi.

Làm gì khi con bạn mắc bệnh ghẻ?-1
Ghẻ là tình trạng da xảy ra rất phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở các nhà trẻ và trường học. Ảnh: Sonarhomehealthcare.

Ghẻ là tình trạng da khó chịu dễ lây lan. Trong tất cả vấn đề sức khỏe khó chịu vào thời thơ ấu bạn muốn tránh, bệnh ghẻ có lẽ là lựa chọn gần như đầu tiên.

Tình trạng rất dễ lây lan và khó chịu này thường lan rộng trong các nhà trẻ và trường học, khiến các bậc cha mẹ phải cảnh giác. Các bậc phụ huynh cần hiểu rõ về tình trạng này để phòng ngừa và điều trị hiệu quả cho con.

Nguyên nhân

Theo tạp chí Parents, bệnh ghẻ là tình trạng da do con ghẻ cực nhỏ (tên khoa học Sarcoptes scabiei var. hominis) gây ra. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết ghẻ chui vào lớp trên của da và đẻ trứng. Con ghẻ phát triển mạnh khi tiếp xúc giữa người với người trong thời gian dài và do đó rất có thể lây lan ở những nơi đông người như nhà trẻ, bệnh viện, trường học và viện dưỡng lão.

Tiến sĩ Hadley King, bác sĩ da liễu có trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết sự xâm nhập của bệnh ghẻ báo hiệu tin xấu cho những môi trường trên vì chúng có thể dễ dàng tồn tại trong vài ngày mà không cần vật chủ. Tiến sĩ King cảnh báo nếu chỉ một con ghẻ sống sót, bạn có thể bị tái nhiễm bệnh ghẻ do tốc độ sinh sản cực nhanh của chúng.

Tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm khuẩn (như khăn trải giường, khăn tắm hoặc quần áo) cũng có thể dẫn đến bệnh ghẻ ở trẻ em, nhưng đây không phải là cách lây truyền phổ biến nhất.

Triệu chứng bệnh ghẻ ở trẻ em

Bệnh ghẻ thường bắt đầu với cơn ngứa da trở nên tồi tệ hơn vào buổi tối, sau đó là phát ban đỏ lan rộng giống mụn nhọt có thể xuất hiện khắp cơ thể.

Ở trẻ nhỏ, ghẻ có thể ảnh hưởng đến mặt và cổ, trong khi trẻ lớn hơn và người lớn thường không bị ngứa ở những vị trí này. Các khu vực thường bị ảnh hưởng nhất trong nhiễm trùng ghẻ là bàn tay (đặc biệt là giữa các ngón tay), cổ tay, vùng giữa ngực và thắt lưng, háng, chân và mông.

Các vết loét có thể phát triển sau khi gãi vùng phát ban ghẻ, dễ dẫn đến nhiễm trùng. Nếu con bạn bị ghẻ, bạn có thể nhận thấy một loạt vết nổi trên một đường thẳng. Đây là dấu hiệu của động vật chân đốt đào sâu vào da và đó là dấu hiệu đặc trưng của bệnh ghẻ ở trẻ em cũng như người lớn.

Theo CDC, lúc đầu, bạn có thể không thấy bất kỳ triệu chứng nào, khoảng trong 2-6 tuần đầu tiên. Điều này đặc biệt đúng đối với người nhiễm ghẻ lần đầu. Nếu bạn đã bị nhiễm bệnh trước đó, các triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng vài ngày. CDC cảnh báo trẻ bị nhiễm bệnh vẫn có thể lây bệnh ghẻ mà không có triệu chứng.

Làm gì khi con bạn mắc bệnh ghẻ?-2
Các nốt ghẻ thường gây khó chịu và rất ngứa. Ảnh: Childhealthy.

Bệnh ghẻ lây như thế nào?

Theo Kid's Health, ghẻ là bệnh truyền nhiễm, lây lan qua tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh. Tiếp xúc vật lý trực tiếp là cách phổ biến nhất mà mọi người mắc bệnh ghẻ. Tuy nhiên, tiếp xúc nhanh, chẳng hạn một cái ôm ngắn, sẽ không cho bọ ve đủ thời gian để bò từ người này sang người khác.

Con ghẻ có thể sống khoảng 2-3 ngày trong quần áo, giường chiếu hoặc bụi. Vì vậy, đôi khi mọi người có thể bị ghẻ khi dùng chung quần áo, khăn tắm hoặc bộ đồ giường của người mắc bệnh. Bệnh ghẻ lây lan dễ dàng nhất ở những nơi đông người có nhiều tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn nhà trẻ, ký túc xá đại học và viện dưỡng lão.

Cách điều trị ghẻ

Các bác sĩ điều trị bệnh ghẻ bằng cách kê một loại kem hoặc kem dưỡng da có chứa thuốc để diệt bọ ve. Cha mẹ cần thoa kem lên da khắp cơ thể (từ cổ trở xuống), không chỉ vùng da bị phát ban. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bôi kem lên mặt (tránh miệng và mắt), da đầu và tai. Cắt móng tay cho trẻ và bôi thuốc lên đầu ngón tay.

Hầu hết phương pháp điều trị cần lưu lại trên da trong 8-12 giờ trước khi được rửa sạch. Bạn có thể bôi thuốc trước khi trẻ đi ngủ, sau đó rửa sạch vào buổi sáng. Nếu điều trị có hiệu quả, sẽ không có phát ban hoặc vết sần mới sau 24-48 giờ. Việc điều trị có thể cần được lặp lại sau 1-2 tuần. Bệnh ghẻ có thể mất 2-6 tuần mới khỏi trước khi hết ngứa và phát ban.

Đôi khi các bác sĩ sử dụng thuốc uống thay vì kem dưỡng da để điều trị bệnh ghẻ ở trẻ lớn hơn. Trẻ cũng có thể được kê một loại kem kháng histamine hoặc steroid, như hydrocortison, để giúp giảm ngứa.

Các thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc gần với trẻ đang được điều trị bệnh ghẻ nên được điều trị cùng một lúc, ngay cả khi họ không có triệu chứng. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh ghẻ.

Giặt quần áo, khăn trải giường và khăn tắm trong nước nóng và phơi khô ở chế độ nóng. Đặt thú nhồi bông và bất kỳ vật dụng nào khác mà bạn không thể giặt trong túi nhựa kín trong ít nhất 3 ngày. Hút bụi từng phòng trong nhà, sau đó vứt bỏ túi máy hút bụi.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/lam-gi-khi-con-ban-mac-benh-ghe-post1422028.html?fbclid=IwAR1qaucszVYcM1ZxM-naVfmt4E8AUYLAXSLk6xsNXX2os3tQejf_HSswrMQ

ghẻ lở


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.