Lan truyền chữa đột quỵ bằng máy sấy tóc, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm

Bác sĩ cảnh báo những di chứng nặng nề, khi làm theo những thông tin không được lan truyền trên mạng xã hội.

Thời gian gần đây, số ca mắc đột quỵ đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc thời tiết trở lạnh và kéo dài liên tục.

Gần đây, trên mạng xã hội cũng lan truyền thông tin về cách chữa đột qụy với nội dung: “Dạo này đột quỵ, tai biến nhiều quá. Giờ các bạn bỏ túi nè: Nạn nhân phải cố gắng ho thật mạnh khi cảm thấy tê và đau bất cứ cánh tay nào. Người thân lấy ngay cái máy sấy tóc làm ấm phần gáy lên đến đoạn đầu và toàn thân để đánh tan cục máu đông. Biết thì chích lễ để giải tỏa áp lực máu”.

Lan truyền chữa đột quỵ bằng máy sấy tóc, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm-1

Thông tin đột quỵ chữa bằng máy sấy tóc đang gây xôn xao dư luận. Ảnh chụp màn hình

Liên quan đến thông tin này, Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng xã hội như trên vô cùng nguy hiểm.

Theo BS Mạnh, khi xảy ra đột quỵ, việc sơ cứu đúng sẽ giúp nạn nhân tránh khỏi những di chứng nặng nề. Ngược lại, sơ cứu sai có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.

“Việc ho mạnh hay sấy vào gáy đều không có tác dụng. Trong trường hợp bệnh nhân xảy ra đột quỵ, làm những việc này thậm chí còn làm chậm "giờ vàng" cấp cứu cho bệnh nhân”, BS Mạnh khẳng định.

Theo vị chuyên gia, nhiều người đang bị hiểu lầm đột quỵ và cảm lạnh (trúng gió). Trường hợp cảm lạnh do đi ra ngoài về hoặc tắm lạnh xong có triệu chứng hơi đau đầu tê người do lạnh. Nếu dùng máy sấy làm ấm cơ thể sẽ có cảm giác dễ chịu hơn. Còn nếu thực sự bệnh nhân bị đột quỵ não, nhồi máu cơ tim thì ho và sấy không có tác dụng. Thực hiện những mẹo này sẽ làm chậm thời gian cấp cứu, bệnh nhân tử vong nhanh hơn.

Lan truyền chữa đột quỵ bằng máy sấy tóc, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm-2

BS Mạnh cảnh báo việc sử dụng máy sấy tóc chữa đột quỵ

Theo BS Thái Đàm Dũng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đột quỵ là tổn thương tại não, dấu hiệu diễn ra rất nhanh, chậm cấp cứu có thể tử vong hoặc di chứng tàn phế.

Thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến cả đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Đặc biệt, thói quen tắm khuya – một vấn đề phổ biến ở Việt Nam – đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc.

Theo BS Dũng nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc tiếp xúc với lạnh là yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự gia tăng đột quỵ não, cả đột quỵ chảy máu não và đột quỵ nhồi máu não.

- Sự thay đổi theo mùa và nhiệt độ tác động tới các yếu tố nguy cơ đột quỵ ( tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng lipid máu, rung nhĩ ) làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

- Co thắt mạch máu: có mạch ngoại vi và tăng huyết áp đột ngột thoáng qua sau khi tiếp xúc với lạnh có thể gây vỡ mạch máu não, gây đột quỵ xuất huyết não. Điều này lý giải cho hiện tượng đột quỵ xuất huyết não thường cao nhất vào ngày đầu tiếp xúc với lạnh.

Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt của máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến hình thảnh cục máu đông. Từ đó tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu dẫn đến nhồi máu não. Điều này lý giải cho hiện tượng đột quỵ nhồi máu não thường xảy ra sau vài ngày tiếp xúc với lạnh.

Theo chuyên gia, dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh cũng tương tự như các dấu hiệu thông thường. Tuy nhiên, bạn có thể dựa theo nguyên tắc FAST.

F (Face - Mặt): Khuôn mặt lệch, tê hoặc yếu một bên.

A (Arms - Tay): Yếu hoặc không nâng được một bên tay.

S (Speech - Lời nói): Nói khó, nói lắp hoặc không hiểu lời nói.

Nếu 1 người có 1 trong 3 dấu hiệu trên thì khả năng 70% là đột quỵ não. Khi đó, bạn phải thực hiện chữ T cuối cùng.

- TIME: Khi ai đó xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Khi cơn đột quỵ xảy ra, cứ mỗi phút trôi qua sẽ làm mất 2 triệu tế bào thần kinh. Do đó, phải tiếp cận điều trị càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không áp dụng các mẹo điều trị, uống bất cứ loại thuốc gì làm chậm quá trình can thiệp cho nạn nhân.

Theo Người đưa tin

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/lan-truyen-chua-ot-quy-bang-may-say-toc-bac-si-canh-bao-nguy-hiem-a492829.html?fbclid=IwY2xjawHXNxdleHRuA2FlbQIxMAABHZAKkiWxPzDx8mJrplYDGgOQQmUbI9tO1eAg1DWyb5VMq0b17TlnwOrMXw_aem_4WK_YwaQn_QO8B8gfFCQDQ

đột quỵ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.