Liên tiếp 2 vụ mẹ nghi trầm cảm sát hại con: Dấu hiệu trầm cảm sau sinh là gì?

Chỉ trong ngày hôm qua (5/2/2022), hai vụ việc thương tâm đã xảy ra ở Hà Tĩnh và TP.HCM: hai người mẹ nghi trầm cảm sau sinh được cho là đã sát hại con của mình.

Liên tiếp những chuyện đau lòng

Ngày 5/2, tại Hà Tĩnh xảy ra vụ việc đau lòng khi một bé trai 2 tháng tuổi được gia đình phát hiện tử vong với nhiều vết thương trên cơ thể. Lực lượng chức năng đến khám nghiệm hiện trường và tìm thấy người mẹ đang trong trạng thái hoảng loạn ở khu vực bờ sông gần nhà. 

Nguyên nhân ban đầu được xác định người mẹ bị trầm cảm sau sinh nên có thể đã dùng dao sát hại con trai mình.

Cũng trong ngày 5/2, một người phụ nữ ở quận Bình Tân, TP.HCM được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ. Con gái nhỏ 7 tháng tuổi của chị tử vong trong máy giặt. Qua lấy lời khai các nhân chứng thì người phụ nữ này từng có biểu hiện trầm cảm trước khi xảy ra sự việc đau lòng. Qua khám nghiệm hiện hiện trường, cơ quan chức năng nghi ngờ người mẹ trầm cảm sau sinh nên có thể đã sát hại con mình rồi tự tử. 

Liên tiếp 2 vụ mẹ nghi trầm cảm sát hại con: Dấu hiệu trầm cảm sau sinh là gì?-1

Trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm. Ảnh minh hoạ.

Theo BS Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, ông đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bà mẹ bị trầm cảm sau sinh. BS Hiển cho biết ngay trong dịch Covid-19 vừa qua cũng có nhiều bà mẹ sau khi sinh cũng mắc chứng trầm cảm.

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

BS Hiển cho biết, hiện nay xã hội đã quan tâm hơn đến vấn đề trầm cảm sau sinh. Đa số các trường hợp BS Hiển gặp đều có dấu hiệu trầm cảm nhẹ nhưng đã tới gặp bác sĩ để xin tư vấn. Chỉ có vài trường hợp rơi vào trầm cảm nặng sau sinh và phải điều trị.

Có những trường hợp bà mẹ trẻ là người có tri thức, có điều kiện kinh tế khá giả nhưng cũng rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh vì không tìm được ý nghĩa sống, từng có ý định muốn nhảy cầu tự tử. Hay có những bà mẹ trẻ lại rơi vào tình trạng bực bội, luôn có ý định ra đi cùng con.

Theo BS Hiển, nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh có thể là do ở giai đoạn này, phụ nữ có sự thay đổi mạnh mẽ về hormone và tình trạng sức khỏe chưa phục hồi. Thêm vào đó, trong 1 - 2 tháng đầu sau sinh, người mẹ thường phải phải thức giấc để chăm con nhỏ nên có thể dễ gặp tình trạng khó ngủ, rối loạn giấc ngủ. Điều đó dẫn tới tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ, khiến cho người mẹ cảm thấy bực bội, cáu gắt và dễ tủi thân. 

Nếu người mẹ đó không nhận được sự chia sẻ, chăm sóc từ gia đình, họ sẽ có những cảm xúc tiêu cực hơn, thậm chí không làm chủ bản thân mình, không kiểm soát được lời nói của mình, dễ nổi nóng với người khác.

Để nhận biết tình trạng trầm cảm sau sinh, BS Hiển cho biết người nhà hoặc chính người mẹ đó có thể cảm nhận được những thay đổi trong hành vi của mình. Ví dụ người mẹ đó thường xuyên có dấu hiệu bực bội, cảm giác buồn, mệt mỏi, tủi thân,...

Một số bà mẹ xuất hiện dấu hiệu bạo hành trẻ, đặc biệt là các hành động, ý nghĩ về cái chết. Với trường hợp này, gia đình cần cách ly người mẹ với đứa trẻ hoặc phải thay phiên nhau chăm sóc, theo dõi sát sao tình trạng của người mẹ. 

Việc điều trị trầm cảm sau sinh phụ thuộc vào mức độ của bệnh để chỉ định việc cần dùng thuốc hay chỉ cần tư vấn cho người mẹ và người nhà. Nếu bệnh nhân bị nặng thì phải dùng thuốc, các bác sĩ cũng phải cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích. Nếu dùng thuốc điều trị, người mẹ có thể không cho con bú. 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/lien-tiep-2-vu-me-nghi-tram-cam-sat-hai-con-dau-hieu-tram-cam-sau-sinh-la-gi-161220602170847610.htm

trầm cảm sau sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.