Lo dịch sốt xuất huyết lan rộng

Một số trường hợp mắc sốt xuất huyết sau khi đi du lịch, đi công tác, đi thăm người thân hoặc di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra Bắc nhưng do chủ quan nên không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, trong khi dịch sốt xuất huyết (SXH) ở miền Nam đang bùng phát mạnh thì ở miền Bắc đã xuất hiện lẻ tẻ các ca bệnh, chủ yếu do đi từ miền Nam ra.

Nhiều bệnh nhân nguy kịch

Trong số các bệnh nhân nặng đang được điều trị tại bệnh viện có người đàn ông 38 tuổi quê ở tỉnh Bình Định, là lái xe đường dài chạy Nam - Bắc. Trước khi nhập viện, bệnh nhân chạy xe từ Long An đến cửa khẩu Lạng Sơn, vài ngày trước đó, anh này đã có biểu hiện sốt từ nhà, khi đến Lạng Sơn thì sốt cao, rồi lên cơn co giật. Bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn và sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức.

Theo PGS Cường, kết quả chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với SXH Dengue, tiểu cầu hạ thấp, chỉ còn 70 G/L (bình thường là 150 G/L). Tiến hành xét nghiệm dịch não tủy và chụp cộng hưởng từ sọ não bệnh nhân được chẩn đoán mắc SXH dẫn đến biến chứng viêm não - màng não.

 Lo dịch sốt xuất huyết lan rộng  - Ảnh 1.
Nam bệnh nhân là tài xế đường dài đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: MAI THANH

Một trường hợp khác là nam học sinh 17 tuổi quê tỉnh Hải Dương, đi du lịch ở TP HCM. Khi về Hải Dương được 6 ngày, bệnh nhân bị sốt, đau đầu, đau người, da và mắt xung huyết và có biểu hiện điển hình của SHX. Bệnh nhân được một cơ sở y tế ở Hải Dương xét nghiệm dương tính với Dengue. Tuy nhiên, tại thời điểm nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, tiểu cầu của bệnh nhân hạ chỉ còn 20 G/L, đồng thời xuất hiện tình trạng cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, chảy máu chân răng, men gan tăng, xuất huyết dưới da. Sau gần 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Các bác sĩ cho biết có một số trường hợp sau khi đi du lịch, đi công tác… ở các tỉnh phía Nam về nhà xuất hiện tình trạng sốt. Do cơ sở y tế địa phương không khai thác yếu tố dịch tễ nên bệnh nhân được chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng diễn biến xấu mới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Thậm chí có trường hợp, bệnh nhân mắc SXH được chuyển đến trong tình trạng tiểu cầu hạ chỉ còn 6 G/L, có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận…

Dịch đang cao điểm, sẽ bùng phát mạnh

Trong bối cảnh dịch SXH đang bùng phát, PGS Đỗ Duy Cường khuyến cáo người dân khi đi du lịch, công tác, thăm thân tại các tỉnh phía Nam hoặc miền Nam Trung Bộ nếu có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người thì cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán SXH kịp thời, tránh trở nặng. "Hiện nay miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng. Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh" - PGS Cường khuyến cáo.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện đang là cao điểm mùa dịch SXH, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Nguyên nhân do dịch SXH có tính chất chu kỳ, mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng phát triển; bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết so với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 97%, tại khu vực miền Nam số mắc chiếm hơn 80% số mắc cả nước, trong đó cao nhất tại TP HCM tiếp đến là các tỉnh An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… "Dự báo trong thời gian tới, số mắc và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch, đặc biệt tại khu vực miền Nam" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Sốt xuất huyết tại Đà Nẵng tăng cao

Tại Đà Nẵng, dù chưa có thống kê chính thức về việc nhiễm SXH từ miền Nam, tuy nhiên, tình hình dịch SXH trên địa bàn thành phố đang bước vào những tháng cao điểm. Theo CDC Đà Nẵng, tính đến ngày 5-6, toàn thành phố đã ghi nhận 1.830 ca (tăng gần 1.700 ca so với cùng kỳ năm ngoái).

ThS-BS Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới nhi Hồi sức tích cực & Bệnh lý (Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng), cho biết số bệnh nhi điều trị nội trú tăng cao hơn cùng kỳ. Mỗi ngày có từ 20-30 bệnh nhi nhập viện, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã gấp đôi số bệnh nội trú của cả năm 2021. Hiện tại, có gần 80 bệnh nhi đang điều trị nội trú SXH tại khoa. Trong đó có một số trường hợp bệnh chuyển nặng đều do không phát hiện sớm, hoặc chuyển viện từ các bệnh viện tuyến dưới.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, mặc dù SXH là bệnh lưu hành quanh năm nhưng hiện nay thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và truyền bệnh nên nguy cơ bùng phát thành dịch trong thời gian sắp đến là rất lớn.

Để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch, trung tâm cùng các cơ sở y tế tăng cường tổ chức khoanh vùng, điều tra dịch tễ, xử lý vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, tập trung giám sát các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH.

Theo Người lao động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/suc-khoe/lo-dich-sot-xuat-huyet-lan-rong-20220701200548673.htm

sốt xuất huyết


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.