Loại ung thư diễn viên trong "Đội đặc nhiệm nhà C21" mắc phải - Nhiều người chủ quan với dấu hiệu dễ thấy nhất

Nam diễn viên Đức Thịnh đóng vai Sơn Sọ trong "Đội đặc nhiệm nhà C21" đang phải điều trị với căn bệnh ung thư hạch giai đoạn hai. Căn bệnh mà nam diễn viên mắc phải nhiều người chủ quan với dấu hiệu dễ thấy nhất nên thường vào viện muộn.

Nam diễn viên Đức Thịnh, SN 1982 được nhiều người nhớ đến với vai diễn Sơn Sọ trong "Đội đặc nhiệm nhà C21". Anh phát hiện bị bệnh ung thư hạch vào đúng ngày sinh nhật của con trai vào cuối tháng 3 vừa qua.

Theo chia sẻ của nam diễn viên, ban đầu anh thấy có khối u sưng to ở cổ đi vào viện khám, bác sĩ chọc sinh thiết kết luận bị viêm. Uống thuốc 10 ngày nhưng bệnh không thuyên giảm, vào xét nghiệm máu ở BV Nội tiết trung ương được tăng cường kháng sinh. 10 ngày tiếp theo, anh qua kiểm tra ở bệnh viện Ung bướu, bác sĩ siêu âm phát hiện có khối u ở cổ và giữa ngực. Sau khi tiến hành xét nghiệm, sinh thiết, kết luận anh bị ung thư hạch giai đoạn hai.

Hiện nam diễn viên Đức Thịnh đã trải qua 4 lần hóa trị tại bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội). Anh vẫn sinh hoạt bình thường vì không bị tác dụng phụ khi truyền thuốc. Nhưng sau mỗi đợt hóa trị, cánh tay anh lại đau nhức như có kiến cắn, gây mất ngủ. Các đầu ngón tay, ngón chân của anh cháy đen như bị dập móng. Mặc dù vậy, nam diễn viên vẫn giữ tinh thần lạc quan, đón nhận mọi thứ hết sức nhẹ nhàng.

Loại ung thư diễn viên trong Đội đặc nhiệm nhà C21 mắc phải - Nhiều người chủ quan với dấu hiệu dễ thấy nhất-1
Nam diễn viên Đức Thịnh đang điều trị ung thư hạch. Ảnh TL

Ung thư hạch là loại ung thư ít được mọi người để ý nhưng chúng là có nguy cơ gây tử vong cao nếu không phát hiện, điều trị kịp thời. Trong năm 2018, Tổ chức Ung thư toàn cầu (Global Cancer Observatory - GLOBOCAN) đã ghi nhận trên thế giới có gần 510.000 ca mắc bệnh ung thư hạch và gần 250.000 người đã tử vong vì căn bệnh này. Khi bị ung thư hạch, khối u lớn lên có thể gây chèn ép một cơ quan nào đó của cơ thể gây ra các biến chứng như vào phổi gây nghẹt thở, dây thần kinh gây đau nhức nhiều, một tĩnh mạch gây sưng phù…

BS Tạ Chi Phương, nguyên Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, ung thư hạch thường có hai loại là bệnh lymphôm Hodgkin (LH) và bệnh lymphôm không Hodgkin (LKH). Những trường hợp vào viện khi hạch đã di căn không phải hiếm, có những người vào viện cơ thể đã nổi đầy hạch, thậm chí khối u xâm lấn không có khả năng điều trị hóa chất và nguy hiểm cho bệnh nhân. Bởi bệnh không có triệu chứng rõ ràng, dấu hiệu giống một số bệnh thông thường nên nhiều người thường bỏ qua. Người bệnh khi mới bị thường nhầm lẫn là hạch viêm, lao hạch, nhọt… và tự mua thuốc về uống.

Theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương - Phó Chủ tịch hội ung thư Việt Nam cho biết, ung thư hạch là một loại ung thư nhạy cảm với nhiều loại thuốc, xạ trị có tiên lượng tốt so với các loại ung thư khác. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị thành công là trên 80%. Sau khi khỏi bệnh cần tái khám theo lịch của bác sĩ.

Mặc dù bệnh ung thư hạch không có dấu hiệu rõ ràng ban đầu nhưng mọi người cần chú ý với biểu hiện dễ nhận thấy nhất là: Giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân; Thường xuyên sốt cao kéo dài; thiếu máu, mệt mỏi, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm; nổi hạch ở cổ, nách hay bẹn… Hạch ở vùng cổ gây sưng đau, hoặc hạch tồn tại lâu ngày không biến mất cũng cần chủ động đi khám chuyên khoa sớm để chẩn đoán chính xác nhằm điều trị đúng hướng.

Ngoài các dấu hiệu báo động trên, còn có thể áp dụng biện pháp chiếu chụp, xét nghiệm, xét nghiệm chất chỉ điểm khối u. Nếu xét nghiệm cho thấy chỉ số tăng vọt lên nhiều lần, bạn có khả năng mắc ung thư cao.

Các chuyên gia cho rằng, hiện ung thư hạch có nhiều phương pháp khác nhau điều trị tốt. Việc điều trị chủ yếu bằng các tác nhân chống ung thư mới nhắm đích kết hợp phác đồ hóa chất kinh điển. Trường hợp người bệnh có khối u ban đầu kích thước lớn cần điều trị phổi hợp hóa chất toàn thân và xạ trị để tỷ lệ lui bệnh cao. Ở giai đoạn sớm I, II, khối u ban đầu kích thước lớn (>7,5 cm) hoặc u đáp ứng một phần sau truyền hóa chất có thể kết hợp với xạ trị khu trú mang lại tỷ lệ đáp ứng cao, kéo dài thời gian sống thêm, nâng cao chất lượng sống.

Nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư hạch chưa cụ thể nhưng có thể kể tới là do di truyền, hệ miễn dịch suy giảm… Để phòng tránh bệnh, mọi người cần chú ý tầm soát nguy cơ mắc bệnh từ sớm thông qua một số yếu tố như người thừa cân, béo phì; hệ miễn dịch suy yếu; mắc một số bệnh như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hay gia đình người thân mắc bệnh ung thư hạch (gen di truyền)…

Theo Gia đình & Xã hội

Xem link gốc Ẩn link gốc http://giadinh.net.vn/song-khoe/loai-ung-thu-dien-vien-dong-son-so-trong-doi-dac-nhiem-nha-c21-mac-phai-nhieu-nguoi-chu-quan-voi-dau-hieu-de-thay-nhat-20200630094317766.htm

ung thư hạch

bệnh ung thư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.