Mắc bệnh tuyến giáp ăn đậu phụ có sao không?

Nếu có vấn đề về tuyến giáp, bạn có thể đã được nghe lời khuyên tránh các sản phẩm. Vậy thực tế lời khuyên này liệu có cơ sở khoa học? Và ăn bao nhiêu đậu nành sẽ không gây hại cho sức khỏe?

Đậu nành hay đỗ tương, đậu tương là loại cây họ đậu có chứa nhiều protein, được trồng làm thức ăn cho người và gia súc. Sản phẩm từ cây đậu nành được sử dụng rất đa dạng, dùng trực tiếp hạt thô hoặc sản phẩm đã qua chế biến.

Những sản phẩm từ đậu nành rất đa dạng và quen thuộc trong cuộc sống của người Việt như sữa đậu nành, đậu phụ, nước tương, bánh kẹo… đáp ứng nhu cầu đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Protein đậu nành và isoflavone

Theo Verywell Health, đậu nành là thực phẩm chủ yếu ở châu Á trong nhiều thế kỷ và là một phần trong chế độ ăn kiêng của phương Tây kể từ những năm 1950. Đậu nành là nguồn cung cấp protein lành mạnh và đầy đủ, chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất béo không bão hòa đa có lợi cho tim.

Mắc bệnh tuyến giáp ăn đậu phụ có sao không?-1
Đậu nành là nguồn cung cấp protein lành mạnh và đầy đủ, chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất béo tốt cho tim (Ảnh: Shuterstock).

Đậu nành cũng chứa các hợp chất hoạt tính sinh học được gọi là isoflavone, một loại phytoestrogen tương tự như hormone estrogen. Đậu nành và isoflavone đậu nành đã được nghiên cứu rộng rãi và phát hiện có nhiều đặc tính có lợi cho sức khỏe.

Đậu nành có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm ở thời kỳ mãn kinh, giảm mức cholesterol LDL, hạ huyết áp ở người bị tăng huyết áp, bảo tồn sức khỏe xương sau mãn kinh, giảm nguy cơ ung thư vú.

Đậu nành và chức năng tuyến giáp

Trong nhiều năm, người ta cho rằng ăn đậu nành có thể cản trở chức năng tuyến giáp, có thể gây ra chứng suy giáp.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật cho thấy isoflavone đậu nành ảnh hưởng đến hormone tuyến giáp như ngăn chặn hoạt động của hormone tuyến giáp, gây suy giáp, giảm hấp thu thuốc tuyến giáp từ ruột, kích thích tuyến giáp phát triển gây bướu cổ, kích hoạt bệnh tuyến giáp tự miễn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người không cho thấy kết quả tương tự. Một phân tích tổng hợp năm 2019 gồm 18 thử nghiệm lâm sàng cho thấy đậu nành không có tác dụng đối với chức năng tuyến giáp tổng thể. Việc bổ sung đậu nành có liên quan đến sự gia tăng nhẹ nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH), nhưng dường như nó không có ý nghĩa lâm sàng.

Ngoài ra, một đánh giá năm 2022 của 417 nghiên cứu cho thấy isoflavone đậu nành không có tác động tiêu cực đến chức năng tuyến giáp, nồng độ hormone tuyến giáp hoặc hormone sinh sản. Nói cách khác, nghiên cứu hiện tại không ủng hộ việc coi đậu nành như một chất gây rối loạn nội tiết.

Đậu nành có thể ảnh hưởng đến iod

Tuy nhiên, đậu nành có thể làm thay đổi chức năng tuyến giáp ở những người thiếu iod. Hormon tuyến giáp được sản xuất trong tuyến giáp. Iod, một khoáng chất thiết yếu trong chế độ ăn uống, là một thành phần của hormone tuyến giáp.

Đậu nành được cho là có tác dụng ức chế sản xuất hormone tuyến giáp bằng cách cản trở sự xâm nhập của iod vào tuyến giáp. Điều này có thể kích hoạt cơ chế phản hồi kích thích tuyến yên tiết ra nhiều TSH hơn.

TSH thường có chức năng thúc đẩy sản xuất hormone tuyến giáp. Khi hormone tuyến giáp thấp, nồng độ TSH tiếp tục tăng lên mức quá cao. Điều này có thể kích thích quá mức tuyến giáp và khiến nó to ra, hình thành bướu cổ.

Mắc bệnh tuyến giáp ăn đậu phụ có sao không?-2
Đậu phụ là món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân Việt (Ảnh: N.P).

Quá nhiều đậu nành có thể là một vấn đề

Tiêu thụ quá nhiều đậu nành có thể làm thay đổi hoạt động của hormone tuyến giáp, nhưng cơ chế xảy ra những thay đổi này vẫn chưa rõ ràng.

Ví dụ, một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Sức khỏe Cộng đồng đã kết luận rằng khả năng có TSH cao tăng gấp 4 lần ở những người ăn hai khẩu phần thực phẩm đậu nành hàng ngày so với những người không ăn chút nào.

Một thử nghiệm lâm sàng năm 2018 cho thấy tác dụng này có thể là do isoflavone chứ không phải do đậu nành. Trong nghiên cứu này, những người tham gia được cung cấp protein đậu nành cộng với isoflavone hoặc chỉ protein đậu nành. Sau ba tháng bổ sung hàng ngày, chỉ nhóm isoflavone có nồng độ hormone tuyến giáp T3 và TSH tăng cao.

Nghiên cứu hiện tại cũng cho thấy phụ nữ dễ mắc các vấn đề về tuyến giáp liên quan đến các sản phẩm đậu nành hơn nam giới. Tuy nhiên, lý do cho phản ứng khác nhau này giữa nam và nữ vẫn chưa rõ ràng.

Đậu nành và thuốc điều trị bệnh tuyến giáp

Đậu nành có thể ngăn cản sự hấp thu tối ưu của thuốc thay thế tuyến giáp như levothyroxine. Điều này có thể khiến thuốc của bạn mang lại kết quả không nhất quán.

Nói chung, thuốc tuyến giáp nên được uống khi bụng đói để tránh hấp thu không đều. Nên tránh thực phẩm và đồ uống có chứa đậu nành trong 4 giờ trước và sau khi dùng thuốc.

Ngoài ra, những người đang điều trị bằng iod phóng xạ (RAI) nên tránh các sản phẩm đậu nành trong thời gian điều trị. Theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, việc tiêu thụ nhiều đậu nành có thể cản trở liệu pháp iod phóng xạ và nên tránh.

Bao nhiêu đậu nành là tốt cho sức khỏe?

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị người lớn nên tiêu thụ 25gr protein đậu nành mỗi ngày như một phần của chế độ ăn có lợi cho tim.

Đậu nành cũng được bán dưới dạng thực phẩm bổ sung ở dạng viên nang và bột dưới dạng protein đậu nành hoặc isoflavone đậu nành. Nghiên cứu cho thấy dùng 50-100mg isoflavone đậu nành mỗi ngày là an toàn, nhưng số lượng cao hơn vẫn chưa được đánh giá.

Như vậy, theo nghiên cứu hiện tại, ăn đậu nành điều độ không ảnh hưởng đến sức khỏe tuyến giáp. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều đậu nành có thể làm thay đổi nồng độ hormone tuyến giáp và cản trở việc sản xuất hormone tuyến giáp.

Isoflavone đậu nành, hợp chất hoạt tính sinh học có đặc tính phytoestrogen, có tác dụng có lợi đối với sức khỏe tim mạch và có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh. Tuy nhiên, isoflavone đậu nành liều cao đã được chứng minh là làm tăng mức TSH và T3. Phụ nữ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng hơn. 

Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết thêm, những người có tiền sử mắc bệnh ung thư nhạy cảm với nội tiết tố, chẳng hạn như ung thư vú, có thể chọn tránh các sản phẩm từ đậu nành do hàm lượng isoflavone đậu nành, có thể bắt chước tác dụng của estrogen trong cơ thể.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu mới phát hiện ra rằng việc ăn thực phẩm từ đậu nành không liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn.

Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng và Ung thư thậm chí còn phát hiện ra rằng việc ăn đậu phụ thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Ngoài ra, đậu nành có chứa goitrogen, là những hợp chất có thể cản trở việc sản xuất hormone tuyến giáp.

TS Giang cũng lưu ý, điều quan trọng là phải duy trì lượng đậu nành ở mức vừa phải và thưởng thức như một phần của chế độ ăn uống cân bằng, đặc biệt nếu chúng ta có tiền sử mắc các vấn đề về tuyến giáp.

Chung quan điểm, theo BS Nguyễn Việt Cường, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, một số nghiên cứu chỉ ra rằng trên những người vốn có chức năng tuyến giáp bình thường và không bị thiếu iod, isoflavones không làm ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Các tài liệu còn cho rằng thực phẩm từ đậu nành còn làm tăng liều hormone cần thiết trên bệnh nhân suy giáp.

Chính vì vậy, khẩu phần ăn chứa một hàm lượng đậu thông thường được coi là an toàn. Người bệnh bị suy giáp cũng không cần thiết phải kiêng đậu, điều quan trọng là phải đảm bảo cơ thể không bị thiếu iod.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/suc-khoe/mac-benh-tuyen-giap-an-dau-phu-co-sao-khong-20240410094402264.htm

bệnh tuyến giáp


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.