Mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ, người phụ nữ này thường bị mộng du và rơi vào những tình huống đáng sợ

Theo Viện Mayo, rối loạn hành vi giấc ngủ chuyển động mắt nhanh REM là một chứng rối loạn khiến bạn thực hiện những hành động giống trong giấc mơ một cách vô thức.

Camille Falconnier bị mộng du từ nhỏ và một trong những ký ức đầu tiên của cô về tình trạng này là vào năm 9 tuổi, khi đi lang thang trong sân lúc nửa đêm để tìm một tờ giấy. Nhiều năm trôi qua, các thành viên trong gia đình của Camille đã quen với việc thấy cô đi lại vào ban đêm. Họ nghĩ đây chỉ là mộng du và đưa cô trở lại giường sau đó.

Vào năm 2009, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi chồng của Camille phải làm ca đêm. Nói cách khác, đây là lần đầu tiên cô ngủ ở nhà mà chỉ có một mình.

Dưới đây là những lời chia sẻ của người phụ nữ này về chứng bệnh khiến cô thường xuyên bị mộng du và rơi vào những tình huống đáng sợ:

Mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ, người phụ nữ này thường bị mộng du và rơi vào những tình huống đáng sợ-1
Bức ảnh chụp Camille sau khi cô điều trị chứng rối loạn hành vi giấc ngủ chuyển động mắt nhanh REM.

Trải nghiệm kinh hoàng

Mọi thứ dường như trở nên tồi tệ hơn khi tôi bị căng thẳng và rất nhiều giấc mơ kỳ lạ xuất hiện. Tôi là giáo viên và một đêm nọ, tôi thức dậy, mở cửa trước để chào đón học sinh vào trường. Đêm khác, tôi cào vào tường để cố giải cứu một con mèo con trong giấc mơ.

Cuối cùng, một sự việc kinh khủng xảy ra đã buộc tôi phải tìm cách giải quyết tình trạng này. Một ngày nọ, tôi mơ thấy người của tổ chức từ thiện đến nhà để kêu gọi quyên góp. Trong hiện thực, tôi đang nhoài người ra cửa sổ tầng hai, nước mưa bắt đầu ngấm vào người. Tôi có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào. Nghĩ tới điều này làm tôi thực sự sợ hãi.

Từ trải nghiệm đó, tôi nhận ra mộng du ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Ở nhà một mình khiến tôi cảm thấy không an toàn.

Tìm kiếm sự trợ giúp

Mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ, người phụ nữ này thường bị mộng du và rơi vào những tình huống đáng sợ-2
Chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM có thể khởi phát từ từ hoặc đột ngột, các đợt xảy ra thỉnh thoảng hoặc vài lần trong đêm.

Sau sự cố với cửa sổ, tôi lên mạng tra cứu các triệu chứng và liên hệ với Trung tâm Y tế Giấc ngủ trực thuộc Đại học Washington ở Brentwood, Missouri.

Sau khi khám sức khỏe sơ bộ và kiểm tra thần kinh, bác sĩ nghi ngờ tôi mắc parasomnia, chứng rối loạn giấc ngủ gây ra các hành vi bất thường khi đang ngủ như mộng du hoặc hoảng loạn. Tuy nhiên, ông ấy vẫn chưa đưa ra kết luận và nói cần phải theo dõi thêm.

Sau đó, các cảm biến được đặt khắp cơ thể tôi để đo đa ký giấc ngủ, theo dõi tim, nhịp thở, hoạt động của não và các chuyển động của tay chân. Bác sĩ cũng dùng máy quay để ghi hình.

Khi tỉnh dậy, tôi lo lắng vì không mơ thấy gì. Làm sao họ biết được chuyện gì xảy ra nếu tôi không làm gì cả? Trên thực tế, tôi đã không biết các cảm biến có khả năng phát hiện những thay đổi từ bên trong, dù cơ thể không hề di chuyển.

Kết luận từ bác sĩ

Mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ, người phụ nữ này thường bị mộng du và rơi vào những tình huống đáng sợ-3


Các bằng chứng gần đây đã cho thấy, chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM cũng có thể bắt nguồn từ một số yếu tố môi trường bao gồm phơi nhiễm với hóa chất, hút thuốc hoặc chấn thương đầu.

Sau khi xem xét kết quả theo dõi, bác sĩ chẩn đoán tôi đang mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM (RBD).

Ông ấy giải thích hầu hết mọi người đều bị tê liệt tạm thời trong giai đoạn ngủ mắt chuyển động nhanh (REM), thời điểm những giấc mơ xuất hiện. Não gửi tín hiệu đến các cơ thông qua đường dẫn truyền thần kinh với nội dung: “Đây chỉ là giấc mơ nên đừng di chuyển”. Với những người mắc RBD như tôi, đường dẫn truyền thần kinh này không hoạt động.

Do đó, những hành động trong giấc mơ cũng được thực hiện ngoài đời thực. Tôi cảm thấy may mắn vì giấc mơ của tôi không quá kinh khủng. Trên thực tế, nhiều người mắc RBD mơ phải điều đáng sợ như bị truy đuổi, tấn công và phải phòng vệ bằng cách chạy, đấm hoặc đá.

Một đặc điểm nổi bật của tình trạng này là nếu ai đó đánh thức bạn giữa giấc mơ, bạn sẽ tự động trở nên minh mẫn và có thể nhớ được giấc mơ đó. RBD thực sự rất hiếm và chỉ ảnh hưởng đến khoảng 0,5-1% dân số. Trường hợp của tôi thậm chí còn hiếm hơn khi tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở nam giới và thường được chẩn đoán ở người trên 50 tuổi.

Đi tìm giải pháp

Mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ, người phụ nữ này thường bị mộng du và rơi vào những tình huống đáng sợ-4


Camille chia sẻ: "Tôi từng gặp phải những cơn đau đầu khó chịu mỗi ngày. Sau khi điều trị, tôi bắt đầu ngủ ngon hơn và cuối cùng cơn đau cũng biến mất. Tôi cảm thấy mình không còn mệt mỏi như trước, khỏe mạnh hơn và suy nghĩ lạc quan hơn".

Dù cảm thấy nhẹ nhõm khi tìm ra được nguyên nhân, tôi cũng thực sự lo lắng vì không biết cách giải quyết tình trạng này. Họ kê cho tôi một loại thuốc tên là clonazepam (Klonopin), một phương pháp điều trị phổ biến để giảm triệu chứng do RBD gây ra.

Tôi cũng thực hiện một số thay đổi lớn về lối sống. Để giảm bớt lo lắng, tôi bắt đầu viết nhật ký, lên lịch trình trong ngày nhằm đảm bảo đi ngủ và thức dậy cùng vào một khoảng thời gian. Đồng thời, tôi còn lắp các ổ khóa đặc biệt trên cửa sổ và cửa ra vào, loại bỏ bất kỳ vật dụng có thể gây nguy hiểm trong phòng ngủ cho bản thân và gia đình.

Những người phải đối mặt với RBD thường phát triển bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ thể Lewy và bệnh teo đa hệ thống. Do đó, tôi đến gặp bác sĩ điều trị về thần kinh, giấc ngủ hai lần một năm và cho đến nay, tôi chưa có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng liên quan đến sa sút trí tuệ nào.

Các nhà khoa học tin rằng nếu nghiên cứu thêm về mối liên hệ giữa RBD và các bệnh thoái hóa thần kinh này, chúng ta có thể tìm ra phương pháp điều trị cho cả hai. Tôi đã trở thành tình nguyện viên tham gia nhiều nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Giấc ngủ trực thuộc Đại học Washington trong vài năm qua. Các chuyên gia ở đó gọi tôi là “kỳ lân nghiên cứu” vì trường hợp của tôi rất hiếm gặp, không phải nam giới và dưới 50 tuổi.

Lời khuyên của tôi là nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào với giấc ngủ, hãy tìm kiếm sự trợ giúp càng sớm càng tốt vì giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe. Một giấc ngủ ngon không chỉ giúp cơ thể chúng ta nghỉ ngơi mà còn lưu giữ ký ức và duy trì sức khỏe não bộ.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://afamily.vn/mac-chung-roi-loan-hanh-vi-giac-ngu-nguoi-phu-nu-nay-thuong-bi-mong-du-va-roi-vao-nhung-tinh-huong-dang-so-20201213141859453.chn

mộng du


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.