Mỗi ngày "bò" 40 phút: Bài tập lạ người Trung Quốc và Mỹ thi nhau tập vì hiệu quả bất ngờ

Tờ The Independent dự đoán bài tập "lạ" này sẽ là xu hướng thể dục của năm 2017.

Tờ The Independent dự đoán bài tập "lạ" này sẽ là xu hướng thể dục của năm 2017.

LTS: Ở Trung Quốc, vào mỗi buổi sáng, người dân Bắc Kinh rủ nhau ra công viên để bò. Cứ những tưởng bài tập dựa trên việc di chuyển tự nhiên của động vật này chỉ được "yêu thích" ở quốc gia Châu Á.(đọc TẠI ĐÂY).

Thế nhưng, hiện nay người dân Mỹ cũng thi nhau bò, từ trong nhà cho đến ra công viên. Không những thế, bài tập bò còn được dự đoán là xu hướng thể dục của năm 2017.

Phong trào tập bò lan rộng khắp nước Mỹ: Xu hướng thể dục của năm 2017

Vào mỗi sáng, khi ánh nắng mặt trời bắt đầu xuyên qua đường chân trời, hàng xóm đều nhìn thấy chị Danielle Johnson đang sống ở thành phố Rochester (thuộc tiểu bang Minnesota, Mỹ) bò xuống hành lang quanh nhà.

Mỗi ngày bò 40 phút: Bài tập lạ người Trung Quốc và Mỹ thi nhau tập vì hiệu quả bất ngờ - Ảnh 1.

Hàng ngày, chị Danielle Johnson đều bò ở hành lang quanh nhà.

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng Johnson - một nhà vật lý trị liệu của Chương trình Sống khỏe tại Trung tâm Y tế Mayo cho biết: 

"Bò mỗi ngày sẽ làm cho nhóm cơ cốt lõi vững chắc hơn. Bạn có thể bò theo nhiều cách: Bò bằng tay và đầu gối hoặc cũng có thể chống đỡ cơ thể trên ngón chân và chỉ cần di chuyển cao hơn 3 - 5 cm so với mặt đất. Điều này sẽ kéo căng những cơ cốt lõi và làm cho các cơ bắp hoạt động hiệu quả.

Sau đó, khi bắt đầu di chuyển, phần xương bả vai và hông phải làm việc. Nếu tôi có thể cung cấp một bài tập cho tất cả mọi người, thì đây chính là bài tập đó".

Chị Johnson cho biết bài tập bò đã được xem như là một công cụ vật lý trị liệu và bây giờ đang được áp dụng cho việc tăng cường sức khỏe và thể lực. 

Tờ The Independent dự đoán bài tập bò sẽ là xu hướng thể dục của năm 2017.

Mỗi ngày bò 40 phút: Bài tập lạ người Trung Quốc và Mỹ thi nhau tập vì hiệu quả bất ngờ - Ảnh 2.

Người Mỹ "rủ nhau" tập bò trong công viên.

Ý tưởng đưa hoạt động bò như một đứa bé vào các bài tập thể dục như một mô hình vận động chức năng là khởi xướng của Hệ thống Đào tạo Original Strength.

Theo đó, khi bò, bạn đang "nhấn nút khởi động lại" trên hệ thống thần kinh trung ương và lúc đó bạn sẽ nhớ lại các cách di chuyển như một em bé.

Ông Justin Klein, một bác sĩ điều trị chấn thương và là Giám đốc điều hành của Công ty Got Your Back Total Health ở Washington cũng đã đưa bài tập bò vào chương trình luyện tập.

"Các loại mô hình như bò không chỉ đòi hỏi kỹ năng vận động mà còn liên quan đến hệ thống tiền đình - một hệ thống giác quan kết hợp giữa khả năng cân bằng và định hướng không gian. 

Nó giống như cài đặt vòng trung tâm trong hệ thống thần kinh để làm cho tất cả các bộ phận có liên quan đến phối hợp, di chuyển và phản xạ hoạt động một cách đồng bộ.

"Bạn phải thực sự làm việc để có thể hít thở, giữ cho đầu ngẩng lên và bò cùng một lúc trong khi vẫn giữ nguyên trạng thái cơ thể của bạn. Đó là tất cả những gì phải làm nếu bạn thực sự để ý trong quá trình bò, nó khó hơn bạn tưởng".

Ông Klein luôn khuyên bệnh nhân của mình hãy xem bò như một hình thức tập thể dục, từ vận động viên chuyên nghiệp cho tới những người bị thương trong tai nạn xe hơi.

Nhằm nhân rộng mô hình này ra khắp thế giới, Klein đã đăng cai tổ chức sự kiện tập bò tại công viên quốc gia National Mall ( Washington, Mỹ) trong tháng này.

Buổi tập bò tại Hệ thống Đào tạo Original Strength.

Những lợi ích và khuyến cáo về bài tập bò

Tiến sĩ Scott Simpson, một giảng viên tại Đại học Y khoa Stony Brook, chuyên gia về y học thể thao tại Stony Brook cho rằng cần phải nghiên cứu thêm để có thể bổ sung luận cứ khoa học rằng bò có thể "khởi động lại" hệ thống thần kinh trung ương, ít nhất là trong cộng đồng bác sĩ.

"Đối với tôi, rõ ràng đó là một bài tập hiệu quả. Khi bò, bạn phải co cơ bụng và cũng phải sử dụng cơ lưng và các cơ cốt lõi khác để duy trì vị trí đó đồng thời di chuyển mình.

Tôi có lời cảnh báo dành cho bất cứ ai có chứng đau đầu gối. Bò bằng tay và đầu gối sẽ dẫn đến thô ráp đầu gối, nhưng có một số loại bài tập bò sử dụng bàn chân chứ không phải là đầu gối. Như vậy sẽ an toàn hơn", tiến sĩ Simpson cho biết.

Jacque Crockford, nhà sinh lý học tại Hội đồng Thể dục Mỹ khuyến cáo: "Nếu bạn có vấn đề về cổ tay, vai hoặc cổ thì không nên bò".

Bà cũng khẳng định thêm rằng bò trên cả hai tay hai chân, với đầu gối trên sàn sẽ kích hoạt thêm các cơ cốt lõi và khả năng giữ thăng bằng của cơ thể.

Mỗi ngày bò 40 phút: Bài tập lạ người Trung Quốc và Mỹ thi nhau tập vì hiệu quả bất ngờ - Ảnh 4.

Từ người bình thường cho đến vận động viên chuyên nghiệp đều "mê mẩn" bò.

Trước đó, có một nghiên cứu của Trường Đại học Florida, Mỹ đã chứng minh bài tập bò, tức là cân bằng cơ thể giúp cải thiện cơ bắp và não.

65 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 đến 59, được chia thành ba nhóm. Một nhóm được yêu cầu những người tham gia hoàn thành bài tập chức năng khác nhau như bò và leo cây trong 2 tiếng.

Các bài tập cũng đòi hỏi người tham gia phải cân bằng và nhận thức được các vận động cũng như vị trí cơ thể của họ - điều mà được gọi là "sự nhận cảm trong cơ thể".

"Bài tập chính là sự kết hợp của chức năng cảm nhận, từ đó hữu ích trong việc cải thiện bộ nhớ. Thật bất ngờ khi biết kết quả của cuộc nghiên cứu, bài tập bò cải thiện trí nhớ lên đến 50%," Tracy Packiam Alloway, nhà nghiên cứu cho biết.

Hướng dẫn cách bò

Các chuyên gia khuyên bạn nên làm theo 3 bước đơn giản sau:

- Khi làm động tác tay và đầu gối chống xuống sàn, hãy đặt cổ tay dưới vai và đầu gối dưới hông.

- Tiếp theo, giữ cho lưng phẳng và thẳng. Mỗi khi di chuyển, bạn nên nâng đầu gối khoảng 5 cm so với mặt đất.

- Cuối cùng, bắt đầu bò bằng cách di chuyển chân nọ tay kia về phía rước khoảng 5 – 7 cm trong khi khoảng cách giữa đầu gối và lưng so với mặt đất không thay đổi. 

Lưu ý: Bạn có thể bò từ vài phút cho đến 30-40 phút, tùy thuộc vào sức khỏe. Để bảo vệ an toàn, bạn nên bọc dụng cụ bảo vệ vào tay và đầu gối để đảm bảo rằng khi tiếp xúc mặt sàn không bị tổn thương.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.