Nghiên cứu từ Thụy Điển: COVID-19 làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ tới 6-8 lần

Một nghiên cứu mới ở Thụy Điển cho thấy COVID-19 làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ của bệnh nhân.

Dưới đây là tổng hợp một số nghiên cứu khoa học mới nhất về virus gây bệnh COVID-19 và những nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị và vaccine COVID-19, theo Reuters.

Nghiên cứu từ Thụy Điển: COVID-19 làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ tới 6-8 lần-1
Một bệnh nhân COVID-19 đang nằm trong phòng chăm sóc tích cực của khoa truyền nhiễm của bệnh viện Dalal Jamm, ở Dakar, Senegal vào ngày 5 tháng 8 năm 2021. REUTERS / Zohra Bensemra

Nguy cơ đau tim, đột quỵ tăng ở bệnh nhân COVID-19

COVID-19 làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ của bệnh nhân, theo một nghiên cứu từ Thụy Điển.

Nghiên cứu so sánh 86.742 người nhiễm SARS-CoV-2 vào năm 2020 và 348.481 người không nhiễm virus. Trong vòng một tuần sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19, nguy cơ đau tim lần đầu tăng gấp 3 đến 8 lần và nguy cơ đột quỵ lần đầu do tắc nghẽn mạch máu tăng gấp 3 đến 6 lần, các nhà nghiên cứu phát hiện.

Nguy cơ sau đó giảm dần nhưng vẫn tăng lên trong ít nhất bốn tuần, theo nghiên cứu đăng tải trên The Lancet.

Các nhà nghiên cứu không xem xét những bệnh nhân COVID-19 từng bị đau tim hoặc đột quỵ trước đó. Nhưng đối với đối tượng này, nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ lần nữa có thể còn cao hơn, đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Anne-Marie Fors Connolly đến từ Đại học Umea (Thụy Điển), cho biết.

Tiêm vaccine cúm liên quan đến bệnh COVID-19 ít nghiêm trọng hơn

Tiêm phòng cúm có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng, trong đó có nguy cơ gặp biến chứng nhiễm trùng huyết và đột quỵ, theo một báo cáo trên PLoS One hôm 3/8.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét gần 75.000 bệnh nhân COVID-19, một nửa trong số đó đã được tiêm vaccine cúm gần đây. Kết quả là: Số bệnh nhân COVID-19 đã tiêm phòng cúm phải nhập khoa chăm sóc đặc biệt/khoa cấp cứu ít hơn so với những bệnh nhân chưa tiêm phòng cúm. Đồng thời, số bệnh nhân COVID-19 đã tiêm phòng cúm xuất hiện cục máu đông nguy hiểm ở chân cũng ít hơn so với những bệnh nhân không tiêm phòng cúm.

Tuy nhiên, các nghiên cứu như thế này không thể chứng minh rằng vaccine mang lại kết quả tốt hơn. Giới khoa học sẽ cần thực hiện thêm các nghiên cứu lớn hơn để giúp "xác thực những phát hiện này và xác định xem liệu việc tăng cường tiêm chủng cúm có cải thiện kết quả bất lợi ở bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 hay không", các tác giả của nghiên cứu viết.

Nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine COVID-19 có thể tăng khả năng miễn dịch

Một nghiên cứu mới được đăng trên medRxiv cho thấy nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ dường như tăng cường khả năng phòng vệ miễn dịch.

Một tháng sau khi xảy ra một đợt bùng phát COVID-19 tại một viện dưỡng lão ở Đức, các bác sĩ đã thu thập mẫu máu của 23 người cao tuổi và 4 nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính.

Họ phát hiện ra rằng những người cao tuổi được tiêm phòng và vẫn nhiễm virus có lượng kháng thể sau đó cao hơn đáng kể so với những người cao tuổi được tiêm phòng không bị nhiễm virus; và họ cũng có nhiều kháng thể có khả năng vô hiệu hóa các biến thể của virus hơn.

Coauthor Jorg Timm thuộc Đại học Heinrich-Heine ở Düsseldorf cho biết những phát hiện này cho thấy sau khi hầu hết người dân đã phát triển mức độ miễn dịch nhất định đối với SARS-CoV-2, có thể sẽ đến lúc lây nhiễm tự nhiên sẽ có một số lợi ích, nhưng chỉ khi nó không dẫn đến các triệu chứng nặng hoặc bệnh nghiêm trọng.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/nghien-cuu-tu-thuy-dien-covid-19-lam-tang-nguy-co-dau-tim-dot-quy-toi-6-8-lan-161210808084736713.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.