Nguy cơ đông máu bất thường hậu Covid-19

Sars-CoV-2 không chỉ tác động đến phổi mà hàng loạt cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng. Một trong số đó là nguy cơ đông máu kéo dài tới 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

Cuối năm 2020, khi Covid-19 lan khắp châu Âu và gây ảnh hưởng nặng nề ở thành phố New York, tin tức bắt đầu lan truyền về những bệnh nhân có cục máu đông trong não, tim, phổi và chân, đôi khi là khắp cơ thể. Tại Los Angeles, Mỹ, một trường hợp đã phải cưa chân phải do đông máu nặng.

Covid-19 là căn bệnh phức tạp, virus tấn công cơ thể theo nhiều cách khác nhau, từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Sau khi đại dịch này tạm lắng xuống, các chuyên gia tiếp tục lo ngại về hội chứng Covid-19 kéo dài. Một trong số đó là nguy cơ đông máu, xuất huyết nguy hiểm sau nhiều tháng khỏi bệnh.

Từ đầu năm 2020, Resia Pretorius - Trưởng bộ môn và là giáo sư nghiên cứu về khoa học sinh lý, Đại học Stellenbosch, Nam Phi và các nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng Covid-19 cấp tính không chỉ đơn thuần là một bệnh về đường hô hấp, mà nó còn thực sự ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống mạch máu (lưu thông máu) và khả năng đông máu.

Một nghiên cứu công bố ngày 6/4 trên tạp chí BMJ của nhóm chuyên gia Thụy Điển cho thấy người từng mắc Covid-19 có nguy cơ phát triển cục máu đông nghiêm trọng trong vòng 6 tháng, ngay cả với những trường hợp bệnh nhẹ.

Cụ thể, người từng mắc Covid-19 có nguy cơ thuyên tắc phổi - do phát triển cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch trong phổi - cao gấp 33 lần người không nhiễm virus.

Nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu - thường ở chân - của bệnh nhân Covid-19 cũng tăng trong vòng 3 tháng sau khi bệnh, cao gấp 5 lần người bình thường.

Nguy cơ đông máu và chảy máu cao nhất ở những F0 thể nặng, người có sức khỏe tiềm ẩn và nhóm nhiễm nCoV ở giai đoạn đầu của đại dịch. Nghiên cứu cho thấy không chỉ người mắc triệu chứng Covid-19 nặng hoặc có các bệnh lý nền, mà cả người bệnh nhẹ không cần nhập viện cũng có nguy cơ thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn.

Cụ thể, huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra ở 0,04% bệnh nhân Covid-19 và 0,01% nhóm đối chứng. Thuyên tắc phổi xảy ra ở 0,17% F0 và 0,004% nhóm đối chứng. Các biến cố chảy máu xảy ra ở 0,1% bệnh nhân Covid-19 và 0,04% nhóm đối chứng.

Bên cạnh nguy cơ đông máu, nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng xuất huyết sau hai tháng ở người mắc Covid-19.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo sau khi khỏi Covid-19, người bệnh nên theo dõi những dấu hiệu của cục máu đông và đột quỵ, đau tim có thể xảy ra như mặt bị xệ; yếu một tay hoặc chân; nói khó; sưng, dễ đau khi chạm vào, đau hoặc đổi màu ở tay hoặc chân; khó thở; đột ngột đau ngực hoặc đau lan đến cổ, cánh tay, hàm hoặc lưng.

Nếu có bất kỳ triệu chứng đáng lo nào ở trên, người bệnh cần ngay lập tức gọi cấp cứu. Hậu Covid-19, chúng ta nên vận động thường xuyên, uống đủ nước và giữ chế độ ăn uống khoa học, cân bằng, hợp lý.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nguy-co-dong-mau-bat-thuong-hau-covid-19-post1311028.html

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.