Nguy cơ mất mạng vì tiêm phải vắc xin phòng Covid-19 tự chế

Theo TS.DS Phạm Đức Hùng, hành động tự chế vắc xin của bà Sương là rất liều lĩnh, nguy hiểm, có thể để lại hậu quả khôn lường cho người bệnh.

Ngày 16/3, lãnh đạo Công an TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cho biết cơ quan cảnh sát điều tra vừa khởi tố bị can, bắt khẩn cấp bà Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra xác định bà Sương đã dùng nước cất, kháng sinh để làm giả các loại vắc xin tiêm phòng bệnh cho trẻ em, bệnh ung thư, đột quỵ và phòng dịch Covid-19.

Theo TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ; hiện làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ), hành động "chế" vắc xin giả của bà Sương là rất liều lĩnh, nguy hiểm, có thể để lại hậu quả khôn lường cho người bệnh.

Thứ nhất, chúng ta không thể biết chính xác nước cất được sử dụng có điều chế trong môi trường vô trùng hay không. Nếu không vô trùng, hành động này đã đưa vi khuẩn vào máu bệnh nhân, có thể gây nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng huyết là điều kiện cấp cứu rất nguy hiểm.

Nguy cơ mất mạng vì tiêm phải vắc xin phòng Covid-19 tự chế-1
Bà Sương cùng tang vật vụ án. Ảnh: A.T.

Thứ hai, kháng sinh được tiêm vào cơ thể không theo hướng dẫn của thầy thuốc cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa. Chúng phụ thuộc vào loại kháng sinh bị tiêm.

"Tất cả kháng sinh đều không diệt được SARS-CoV-2. Ngoài ra, tiêm kháng sinh không đúng chỉ định có những nguy cơ rất lớn như tác dụng phụ mẩn ngứa, tiêu chảy, đau bụng, dị ứng (sưng mũi, mặt, đứt hơi, đỏ da). Phản ứng đáng sợ nhất là sốc phản vệ, tức cơ thể phản ứng thái quá với một thuốc nhanh chóng sau vài phút, vài giờ hoặc lâu hơn. Triệu chứng thường gặp trong sốc phản vệ là hạ huyết áp, co thắt đường thở, nhịp nhanh và yếu, nôn mửa, chóng mặt và ngất xỉu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.", TS Hùng nói.

Vị chuyên gia này thông tin thêm nếu người dân bị tiêm loại thuốc hay dùng đường chích tĩnh mạch như ciprofloxacin có thể gây ra những tác dụng phụ sưng tấy chỗ tiêm, bội nhiễm (sốt, đau cổ họng), chảy máu, đỏ da, da cháy nắng, độc gan cấp (ói mửa, vàng da, đau bụng, nước tiểu sẫm màu). Hiện tượng tay chân cảm thấy bị đau nhức, tê, nhột, yếu sức hoặc mất cảm giác xúc giác như cảm nhận nhiệt độ, vị trí cơ thể là dấu hiệu của tổn thương thần kinh ngoại biên (tổn thương vĩnh viễn).

Vì vậy, TS Hùng khuyến cáo người dân nên đến các cơ sở y tế lớn để thăm khám và điều trị, tuyệt đối không cả tin vào những đối tượng giả mạo nhân viên y tế.

Theo hồ sơ, bà Sương mới học hết lớp 9, từng giúp việc cho một phòng khám tư nhân trên địa bàn. Biết nhiều người có nhu cầu phòng bệnh, bị can tự nhận là nhân viên y tế dự phòng để tiêm phòng vắc xin. Tin lời, nhiều người dân đã liên hệ với bà Sương. Mỗi lần tiêm xong, bị can phát cho người dân bản photo phiếu chỉ định tiêm ngừa thật.

Đến nay, công an xác định bà Sương đã lừa tiêm cho 30 người ở TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước với giá khoảng 700.000 đồng/mũi.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/nguy-co-mat-mang-vi-tiem-phai-vac-xin-phong-covid-19-tu-che-post1060243.html

Covid-19

virus corona

vắc-xin

dịch bệnh

virus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.