Nguyên tắc sống còn khi nâng ngực

Nếu có ý định nâng ngực, chị em nên tuân theo các lời khuyên dưới đây của bác sĩ để không phải trả giá đắt cho việc làm đẹp.

Nếu có ý định nâng ngực, chị em nên tuân theo các lời khuyên dưới đây của bác sĩ để không phải trả giá đắt cho việc làm đẹp.

1.  Phải xác định phẫu thuật nâng ngực có tiềm ẩn rủi ro

TS Nguyễn Huy Thọ - Nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình- Bênh viện TW Quân đội 108 cho biết, mặc dù phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn là một loại phẫu thuật thông dụng, có độ an toàn cao nhưng không phải không tiềm ẩn rủi ro. 

Trong một báo cáo tại Hội nghị thầm mỹ Pháp- Việt được tổ chức tại trường Đại học y khoa Hà nội tháng 10/2015 cho thấy: tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật nâng ngực là 5,8% trên tổng số 1.561 túi độn ngực. Các biến chứng sớm sau mổ (tụ máu, nhiễm trùng, toách vết mổ ) là 2,3%.

Các biến chứng muộn như: vỡ túi silicone 2%, túi giọt nước bị xoay là 0,5%, co bao xơ là 1%.

2.  Chỉ nâng ngực khi cần thiết

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho hay trước khi quyết định phẫu nâng ngực, chị em cần phải trả lời câu hỏi: Liệu mình có thực sự cần nâng ngực hay không?

Với những trường hợp vú teo nhỏ, sa trễ (bẩm sinh hoặc sau khi sinh con), phì đại, làm đẹp vòng một là nhu cầu chính đáng. Song, cải thiện bằng cách nào, chị em cần tư vấn bác sĩ thẩm mỹ để chọn ra biện pháp nâng ngực tốt nhất với mình. Ví dụ, để điều trị dị tật, thiếu hoàn toàn ngực hoặc cơ ngực lớn, phải sử dụng mỡ, hoặc túi độn ngực để làm tăng thể tích. Người sau khi chửa đẻ, hoặc ngực nhỏ bẩm sinh có thể dùng túi độn ngực hoặc ghép mỡ. Những người bị sa trễ vú có thể treo tuyến vú hoặc treo vú cộng với đặt túi độn ngực để cải thiện hình dáng ngực. Với trường hợp đầu vú to, việc thu nhỏ đầu vú cũng có thể được thực hiện trong khi nâng ngực.

Theo bác sĩ, phẫu thuật đặt túi ngực làm đẹp cần phải bảo tồn các chức năng sinh lý tự nhiên về cảm giác, bảo tồn hoạt động của tuyến vú. Để bảo toàn tuyến vú, túi ngực sẽ được đặt ở vị trí xa tuyến vú, vì nếu đặt ngay sau tuyến vú sẽ có thể gây xơ hóa, ảnh hưởng đến việc tiết sữa sau này.

3.  Không giấu bệnh

Vẫn theo GS Sơn, những người mắc bệnh chuyển hóa, đái đường, tim mạch, gan thận, tâm thần tuyệt đối không nên nâng ngực.

Về điều này, TS Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Hà Nội, cũng khuyến cáo trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh nhân giấu bệnh là một điều cực kỳ nguy hiểm.

“Nhiều bệnh nhân mang bệnh lý tim mạch, huyết áp cao, khi sử dụng thuốc tê, thuốc mê dễ có biến chứng hậu phẫu. Ở bệnh viện 108 trước đây, khi làm phẫu thuật chúng tôi phát hiện một trường hợp máu không đông nên đã không thực hiện phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân này đến một phòng mạch khác, bác sĩ chủ quan không kiểm tra, xét nghiệm, khi phẫu thuật đã xảy ra tai biến chảy máu, trong suốt 7 ngày với sự tham gia của nhiều y bác sĩ mới cứu được bệnh nhân”, TS Nguyễn Huy Thọ cho biết.

Nguyên tắc sống còn khi nâng ngực
Ngực bị toác vết mổ lộ túi ngực và bị nhiễm trùng. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

4. Chọn địa chỉ tin cậy

TS Nguyễn Huy Thọ cho hay đây là nguyên tắc rất quan trọng. Thực tế đã có rất nhiều vụ tai biến, thậm chí tử vong do được làm tại các cơ sở mà chủ cơ sở thiếu kinh nghiệm.

Trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, hai kỹ thuật được quan tâm nhiều nhất đó chính là kỹ thuật gây tê và gây mê. Thường thì gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện tư, nhưng gây mê phải làm ở bệnh viện có đội ngũ bác sĩ có tay nghề và có trang thiết bị đầy đủ.

Trong quá trình gây tê, nếu không thử thuốc trước sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây sốc phản vệ, mặc dù ít khi xảy ra nhưng khi bệnh nhân gặp phải tình trạng này mà không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng là khá cao.

Với những phẫu thuật gây chảy máu nhiều cũng khá nguy hiểm, trong phẫu thuật nâng ngực nếu quá trình cầm máu không tốt, tràn máu, tràn khí vào khoang phế mạc, gây ép phổi cũng là một biến chứng nguy hiểm. Một biến chứng khác cũng có thể xảy ra trong quá trình gây mê, việc không để ý nồng độ ôxy, để nồng độ này tụt xuống quá thấp cũng là một vấn đề cần lưu ý.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo: “Chị em không chỉ cần chọn bác sĩ có tay nghề cao mà còn phải chọn các bác sỹ có kinh nghiệm, đó là các bác sỹ đã từng làm việc tại các bênh viện lớn, hơn nữa cơ sở phẫu thuật mà bệnh nhân chọn phải có đủ trang thiết bị và có đông bác sỹ và y tá tham gia”.

5. Tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ

Theo các chuyên gia, để đảm bảo quá trình nâng ngực thành công và không có biến chứng trong và sau khi thực hiện, bệnh nhân phải luôn tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

“Mỗi bác sĩ sẽ có những chỉ định khác nhau cho mỗi bệnh nhân của mình. Song, bệnh nhân nên tuân thủ theo những chỉ dẫn đó để tránh kết quả không mong muốn như: chế độ bất động một số ngày sau phẫu thuật để phòng chảy máu, chế độ massage những tuần sau mổ phòng biến chứng co bao...", TS Thọ cho hay.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.