Tuy nhiên, bác sĩ Sahil Khanna chuyên khoa dạ dày và ruột, đã cảnh báo về việc lạm dụng thuốc giảm đau trong kì kinh nguyệt có thể khiến bạn gặp một số vấn đề về sức khoẻ, bao gồm loét dạ dày, trào ngược dạ dày- thực quản và các vấn đề tiêu hoá.
Bác sĩ phụ khoa của UCLA, bà Aparna Sidhar cũng cho biết có không ít phụ nữ phải chịu những cơn đau rất khó chịu nên bắt buộc phải dùng tới thuốc giảm đau và kết hợp với các phương thức tự nhiên. Tuy nhiên bà cũng nhấn mạnh nếu lạm dụng sẽ gặp phải những nguy hại cho sức khỏe.
Dưới đây là các nguy cơ thuốc giảm đau bụng trong kì kinh nguyệt có thể gây ra và một số phương pháp thay thế.
Một số nguy cơ khi dùng thuốc giảm đau
Theo Tiến sĩ Khanna, bất cứ thứ gì sử dụng nhiều đều có thể gây nguy hiểm, đặc biệt nếu nó lặp đi lặp lại, tháng này qua tháng khác.
Ông nói với Daily Mail: “Các bác sĩ chuyên khoa dạ dày như chúng tôi luôn muốn khuyên bệnh nhân nên tránh các loại thuốc giống Advil (thuốc giảm đau, hạ sốt) càng nhiều càng tốt. Liều lượng tối đa là 4 viên 250mg một ngày hoặc ba viên sẽ tốt hơn, hay thậm chí chỉ hai viên còn tốt hơn nữa.”
“Uống quá liều có thể gây ra các phản ứng phụ về đường tiêu hoá. Nó đặc biệt nguy hiểm với những bệnh nhân đang dùng aspirin hoặc ibuprofen, hay những người có thói quen hút thuốc, uống rượu.”
Các phản ứng phụ thường gặp bao gồm trào ngược dạ dày-thực quản, táo bón và tiêu chảy. Tiến sĩ Khanna cảnh báo vấn đề nguy hiểm nhất chính là ở dạ dày hoặc ruột non. Việc loét có thể không được chú ý trong nhiều tháng. Nếu chúng không tự chữa lành, có thể sẽ gây ra chảy máu đường ruột, gây đau đớn và nguy hiểm.
Tuy nhiên bệnh nhân hiếm khi nhận ra những vấn đề trên bắt nguồn từ việc dùng thuốc giảm đau của họ.
Theo tiến sĩ Khanna cảnh báo, các chất chống viêm không steroid (NSAIDs, như Advil) cũng có thể hạ thấp huyết áp và nồng độ hemoglobin. Ông cũng nhấn mạnh rằng mỗi bệnh nhân phải tự trao đổi tình trạng bệnh với bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp. Một số bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn thuốc để cân bằng lượng acid của bệnh nhân, chẳng hạn như dùng omepraloze để điều trị trào ngược dạ dày.
Tiến sĩ Sridhar, bác sĩ kiêm giảng viên khoa sản phụ khoa cho biết cô không tránh dùng NSAID cho bệnh nhân nhưng cô kiểm tra liệu họ có còn lựa chọn nào khác nữa không.
Các phương pháp thay thế
Tiến sĩ Sridhar đã nghiên cứu những cách đơn giản có thể làm tại nhà thay vì dùng thuốc và khuyên các chị em phụ nữ nên áp dụng những phương pháp này thay vì tìm tới thuốc giảm đau.
- Chườm nóng: đặt một vật nóng đã được bao bọc lên vùng chậu để giảm đau.
- Tập trung vào chế độ ăn uống để tăng lượng vitamin B1 cần thiết.
- Cách điều trị thay thế hiệu quả nhất đã được kiểm chứng là tập thể dục – và đó là điều mà bác sĩ Sridhar đã thấy có tác dụng tốt với các bệnh nhân.
Nếu các phương pháp trên không giải quyết được vấn đề và cơn đau đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống bạn, thì hãy thử thuốc giảm đau, nhưng luôn luôn bắt đầu với các lựa chọn không phải dược phẩm, sau đó dùng liều nhẹ nhất, nếu không được thì hãy tới gặp bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất.
Theo Khám phá