Những trường hợp cần theo dõi chặt khi mắc đậu mùa khỉ

Các chuyên gia khuyến cáo một số trường hợp bắt buộc phải nhập viện và được theo dõi chặt chẽ nếu không may mắc đậu mùa khỉ.

Sau tuyên bố gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về dịch bệnh đậu mùa khỉ như một tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, căn bệnh này đang nhận được sự theo dõi của nhiều người dân. Bên cạnh vấn đề lây nhiễm, lo lắng cũng được đặt ra ở vấn đề điều trị khi đậu mùa khỉ gây ra những triệu chứng ngoài da rất đặc trưng.

Đa phần bệnh nhân đậu mùa khỉ có thể tự khỏi

Trao đổi với báo chí, tiến sĩ Trần Văn Giang, Phó viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ hay được khẳng định mắc bệnh đậu mùa khỉ.

“Tuy nhiên, ở các quốc gia lân cận như Thái Lan, Campuchia đều báo cáo có ca mắc. Do đó, Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ bị dịch bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập”, vị chuyên gia nhận định.

TS Giang thông tin các dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm phát ban dạng phỏng nước, kèm theo đó là sốt cao, đau đầu và sưng hạch ngoại vi.

Những trường hợp cần theo dõi chặt khi mắc đậu mùa khỉ-1
Đa số trường hợp mắc đậu mùa khỉ có thể tự khỏi, việc điều trị chủ yếu liên quan hỗ trợ triệu chứng. Ảnh minh họa: Verywellhealth.

Do đó, ông cho rằng những trường hợp có yếu tố dịch tễ như đi, đến, về từ nơi có dịch kèm các dấu hiệu nêu trên cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ về mặt ca bệnh.

Dù đến thời điểm này, dịch đậu mùa khỉ vẫn chưa xâm nhập vào Việt Nam, sau khi WHO công bố căn bệnh này là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Bộ Y tế đã họp khẩn với các đơn vị để thống nhất các phương án ứng phó chủ động.

Trong đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đối với bệnh lý này. Mặt khác, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã chủ động liên hệ với tổ chức quốc tế và đơn vị liên quan nhằm chuẩn bị sinh phẩm phục vụ xét nghiệm nhằm chẩn đoán, xác định ca bệnh.

Về việc điều trị, TS Giang cho biết đa phần trường hợp mắc đậu mùa khỉ trên thế giới đến nay đều diễn biến nhẹ và có thể tự khỏi.

“Trên thực tế ở các bệnh nhân đậu mùa khỉ, chúng ta chỉ phải điều trị hỗ trợ về mặt triệu chứng như hạ sốt, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng điện giải, bổ sung một số loại vitamin”, vị chuyên gia nói.

Mặt khác, một số ít trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở thể nặng có thể tiến triển thành viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm não… hoặc trên người có cơ địa suy giảm miễn dịch, có nguy cơ diễn biến nặng sẽ cần điều trị thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của WHO.

TS Giang khẳng định: “Việc làm này nhằm giảm nguy cơ diễn biến nặng, đồng thời hạn chế tỷ lệ tử vong ở người bệnh dù nguy cơ này ở bệnh nhân đậu mùa khỉ tương đối thấp”.

Trong khi đó, liên quan vấn đề xét nghiệm, tiến sĩ Văn Đình Tráng, Trưởng khoa Vi sinh và Sinh học Phân tử, cho biết Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã có sự chuẩn bị trong trường hợp xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên.

“Sau khi bác sĩ lâm sàng có chỉ định về việc nghi ngờ bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, chúng tôi sẽ lấy bệnh phẩm ở vùng tổn thương là nốt phỏng ngoài da của người bệnh để xét nghiệm khẳng định. Một số loại bệnh phẩm khác cũng được lấy gồm máu, bệnh phẩm đường hô hấp nhằm làm các xét nghiệm khác nhau, từ sinh học phân tử đến những xét nghiệm thông thường”, vị chuyên gia nói.

Ông giải thích với dịch tổn thương ở vùng da, các bác sĩ sẽ tách chiết vật liệu di truyền ở người bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Sau đó, mẫu này sẽ được nhân lên để phát hiện đoạn gene đặc hiệu của đậu mùa khỉ, từ đó xác định chính xác ca bệnh.

“Đây là một loại virus có cấu trúc ADN, do đó, chúng tôi cũng làm giống các phương pháp sinh học phân tử khác. Ngoài lấy mẫu như hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng tôi cũng sẽ thực hiện các thao tác tại phòng thí nghiệm như tách chiết vật liệu di truyền, các phương pháp sinh học phân tử…”, TS Tráng cho hay.

Điểm khác biệt đối với căn bệnh này là việc xét nghiệm sẽ yêu cầu bộ mồi thiết kế riêng nhằm phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ.

“Hiện chúng tôi thực hiện song song 2 nhiệm vụ là đặt các bộ mồi đặc hiệu ở công ty nước ngoài và chờ đợi cung ứng từ WHO. Việc làm này nhằm xét nghiệm khẳng định, đồng thời so sánh với các phương pháp thường quy”, ông nói.

Theo TS Tráng, phương pháp sinh học phân tử là tiêu chuẩn khá đặc hiệu. Ngoài ra, còn một số phương pháp khác như làm giải phẫu bệnh, xét nghiệm bổ trợ như sinh hóa huyết học… Tuy nhiên, phương pháp sinh học phân tử nhanh và đặc hiệu hơn trong chẩn đoán xác định ca bệnh.

Ai có nguy cơ diễn biến nặng do đậu mùa khỉ?

Theo TS Trần Văn Giang, dù đa phần bệnh nhân ở thể nhẹ, một số trường hợp vẫn có nguy cơ diễn biến nặng.

Vị chuyên gia thông tin: “Từ hướng dẫn của WHO, một số trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất, hóa trị, xạ trị, người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh mạn tính khác…”.

Ông nhấn mạnh những trường hợp này buộc phải nhập viện và được theo dõi chặt chẽ nếu không may mắc đậu mùa khỉ.

Những trường hợp cần theo dõi chặt khi mắc đậu mùa khỉ-2
Tiến sĩ Trần Văn Giang, Phó viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Quốc Toàn.

Về cách phòng tránh, TS Giang khuyến cáo một số điểm người dân có thể lưu ý gồm:

Đầu tiên là sử dụng vaccine. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết vaccine đậu mùa khỉ hiện chưa được sản xuất và sử dụng phổ biến.

“Do đó, chúng ta sẽ phải chờ đợi thêm hướng dẫn từ WHO trong việc sử dụng dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ”, ông nói.

Thứ 2, cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất lúc này là bản thân người dân phải có hiểu biết về đường lây của bệnh đậu mùa khỉ, từ đó thực hiện các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.

Theo TS Giang, bệnh đậu mùa khỉ được lây nhiễm từ động vật sang người và từ người sang người.

Với con đường từ động vật sang người, ông khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc hoặc giết, mổ những loài động vật không rõ nguồn gốc cũng như các con vật ốm, chết.

Với trường hợp lây từ người sang người, chúng ta cần hạn chế tiếp xúc với những ca bệnh nghi ngờ hoặc đã được khẳng định mắc đậu mùa khỉ. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với vật dụng xung quanh người bệnh.

“Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây qua giọt bắn của đường hô hấp. Vì thế, chúng ta vẫn nên duy trì thói quen đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay sạch…”, TS Giang khuyên.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nhung-truong-hop-can-theo-doi-chat-khi-mac-dau-mua-khi-post1339767.html

bệnh đậu mùa khỉ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.