Sắp có vắc xin ngừa ung thư hiệu quả cao

Kết hợp vắc xin mRNA với thuốc điều trị ung thư hắc tố da giúp giảm 49% nguy cơ tái phát hoặc tử vong; giảm 62% nguy cơ di căn xa so với chỉ dùng thuốc.

Hai hãng Moderna và Merck vừa đưa ra những kết quả đầy hứa hẹn từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2b nghiên cứu khả năng kết hợp giữa vắc xin mRNA và thuốc để điều trị ung thư hắc tố da. 

Liệu mRNA có thể xoay chuyển quá trình điều trị ung thư? Đây chắc chắn là những gì Moderna nghĩ. Công ty dược phẩm có trụ sở tại Mỹ vừa công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 2b kết hợp vắc xin mRNA-4157 (V940) với thuốc trị ung thư Keytruda (pembrolizumab) của Merck.

Sắp có vắc xin ngừa ung thư hiệu quả cao-1
Nhiều hãng dược trên thế giới chạy đua để tìm được vắc xin các loại ung thư. Ảnh minh họa: Umontreal

Theo Medscape, đây chưa phải là kết quả cuối cùng mà là dữ liệu từ quá trình theo dõi 3 năm nhưng có phần hứa hẹn. Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên thực hiện trên những bệnh nhân ung thư hắc tố da có nguy cơ cao (giai đoạn 3-4) sau khi cắt bỏ hoàn toàn khối u. 

Nguy cơ tái phát giảm một nửa

Điều trị bằng mRNA-4157 kết hợp với pembrolizumab đã giảm 49% nguy cơ tái phát hoặc tử vong; giảm 62% nguy cơ di căn xa so với chỉ dùng pembrolizumab. 

“Kết quả nghiên cứu trên là minh chứng đầu tiên về hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư mRNA và là liệu pháp kết hợp đầu tiên cho thấy lợi ích đáng kể so với pembrolizumab đơn thuần trong chữa ung thư hắc tố da”, Tiến sĩ Kyle Holen, Phó chủ tịch cấp cao của Moderna, cho biết. 

Tác dụng phụ 

Phương pháp điều trị kết hợp không có nhiều tác dụng phụ hơn so với chỉ dùng pembrolizumab. Số bệnh nhân có các tác dụng phụ từ độ 3 trở lên tương tự giữa các nhóm (hơn 20%).

Các tác dụng phụ phổ biến nhất do mRNA-4157 (V940) là mệt mỏi (60,6%), đau tại chỗ tiêm (56,7%) và ớn lạnh (49%). Dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu giai đoạn 2b, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã cấp chỉ định và công nhận liệu pháp đột phá theo Chương trình Thuốc ưu tiên cho mRNA-4157 kết hợp với Keytruda để điều trị bổ trợ cho bệnh nhân ung thư hắc tố da. 

Thử nghiệm giai đoạn 3

Vào tháng 7, Moderna và Merck đã công bố triển khai thử nghiệm giai đoạn 3, đánh giá mRNA-4157 [V940] kết hợp với pembrolizumab như một phương pháp điều trị bổ trợ ở những bệnh nhân ung thư hắc tố da đã cắt bỏ khối u ở giai đoạn nguy cơ cao (2B-4). Stephane Bancel, Tổng giám đốc Moderna, tin rằng có thể có vắc xin mRNA cho khối u ác tính vào năm 2025.

Các loại vắc xin ung thư khác

Moderna không phải là hãng dược duy nhất đặt mục tiêu phát triển vắc xin ngừa ung thư. Vào tháng 5, BioNTech, hợp tác với Roche, đã đề xuất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của một loại vắc xin nhắm vào ung thư tuyến tụy. 

Vào tháng 6, tại hội nghị của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ, Transgene đã trình bày kết luận của mình liên quan đến vắc xin vector virus chống lại các bệnh ung thư liên quan đến tai mũi họng và HPV. Vào tháng 9, Ose Immunotherapeutics gây chú ý với vắc xin nhắm vào ung thư phổi giai đoạn cuối.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/sap-co-vac-xin-mrna-ngua-ung-thu-hac-to-da-hieu-qua-cao-2242246.html

vắc xin

bệnh ung thư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.