Siêu âm dây rốn nằm ngoài tử cung, bác sĩ hốt hoảng với cảnh tượng bên trong khi mổ đẻ

Dù bà mẹ này khẳng định chỉ hơi tức bụng một chút nhưng bác sĩ đã cố gắng thuyết phục để cô nhập viện theo dõi.

Dù bà mẹ này khẳng định chỉ hơi tức bụng một chút nhưng bác sĩ đã cố gắng thuyết phục để cô nhập viện theo dõi.

Đứng bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh, anh Châu (37 tuổi, sống tại Trùng Khánh, Trung Quốc) vừa ngắm nhìn hai cô con gái sơ sinh vừa thởi phào nhẹ nhõm.

"Nếu không phải vì sự khăng khăng giữ lại bệnh viện của bác sĩ, hai vợ chồng tôi có thể đã phải hối tiếc suốt đời", anh chia sẻ. 

Mọi chuyện bắt đầu vào lúc 11h40 sáng ngày 25/5, khi ca khám buổi sáng của bác sĩ Lý Tú Toàn sắp kết thúc. Lúc này, một người phụ nữ mang thai bối rối bước vào. Đó chính là vợ anh Châu - chị Trần, 35 tuổi và đang mang thai đôi 31 tuần. 

 

Dù chị Trần chưa có biểu hiện gì đáng lo ngại nhưng bác sĩ vẫn khăng khăng khuyên chị nhập viện theo dõi.

Ngồi xuống ghế, chị Trần lấy điện thoại ra cho bác sĩ Lý xem và cho biết chị có ra một chút máu vào buổi sáng và hai bé đạp ít hơn bình thường. "Máu chảy rất ít, chưa đến 10ml đâu bác sĩ", chị nói với vẻ mặt mong muốn nhận được lời kết luận tích cực từ bác sĩ. 

Vậy nhưng sau khi xem hồ sơ bệnh án, bác sĩ Lý cho rằng mọi thứ không đơn giản như vậy. Chị Trần đã hiếm muộn nhiều năm và trước đây đã từng phẫu thuật nội soi ổ bụng. Hơn nữa chị còn đang có dấu hiệu nhau tiền đạo nên thai kỳ nguy cơ xảy ra rủi ro không hề thấp. 

Vì thế nên dù chị Trần đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không hề đau bụng mà chỉ hơi tức tức một chút nhưng bác sĩ Lý vẫn khăng khăng khuyên chị nên nhập viện theo dõi. 

"Tốt hơn bạn nên ở lại để chúng tôi theo dõi xem máu còn chảy nữa không. Nếu không có vấn đề gì thì 1-2 ngày là có thể xuất viện rồi", bác sĩ Lý thuyết phục. Chính vì sự kiên trì khuyên bảo của bác sĩ nên anh Châu quyết định cho vợ nhập viện. Không ngờ rằng quyết định này cuối cùng đã cứu mạng cả ba mẹ con. 

Khoảng 12h50 chiều, chị Trần đột nhiên cảm thấy đau nhói ở vùng bụng bên phải, khác hoàn toàn với cảm giác tức tức ở bụng dưới như buổi sáng. Lo lắng có chuyện chẳng lành, anh Châu lập tức đi tìm người trực khi đó là bác sĩ Bành Lâm đến kiểm tra. Bác sĩ Bành tiến hành khám và siêu âm cho chị ngay sau đó. 

 

Ca phẫu thuật căng thẳng diễn ra trong thời gian gấp rút để cứu cả 3 mẹ con.

Những hình ảnh kỳ lạ trên màn hình siêu âm đã khiến bác sĩ Bành phải bận tâm. Ở gần gan của chị Trần xuất hiện một vật thể lạ lờ mờ như dây rốn. Tại sao dây rốn đáng lẽ ra phải ở tử cung lại xuất hiện ở khoang bụng? "Tử cung đã vỡ?", phỏng đoán của bác sĩ Bành khiến cả kíp trực giật mình vì vỡ tử cung có nghĩa là tính mạng của cả 3 mẹ con sản phụ đang bị đe dọa. Buổi hội chẩn gấp ngay lập tức được tiến hành. 

Các bác sĩ rất băn khoăn vì nếu tiến hành mổ lấy thai mà không phải tử cung đã vỡ thì việc để 2 đứa trẻ chào đời ở tuần 31 là khá nguy hiểm. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Trong khi đó chị Trần không như những ca vỡ tử cung khác vì máu không chảy ồ ạt ra mà chỉ đau bụng. 

13h40, nhịp tim thai đã khiến các bác sĩ càng tin tưởng vào phỏng đoán của mình hơn bởi từ nhịp tim thai trung bình là 110 nhịp/phút, nhịp tim của em bé trong bụng chị Trần đã giảm xuống chỉ còn 70 nhịp/phút. Ca mổ cấp cứu lập tức được sắp xếp. 

13h45 phút, ca mổ bắt đầu với sự tham gia của hai bác sĩ là phó giám đốc bệnh viện. Sau khi mổ khoang bụng, các bác sĩ cực kỳ hốt hoảng khi tử cung chị Trần thật sự đã vỡ, máu và nước ối tràn ra khoang bụng. Đến 14h, em bé đầu tiên được lấy ra, 1 phút sau em bé thứ hai chào đời. Nước ối của hai bé gần như đã cạn kiệt, chỉ cần chậm trễ thêm vài phút nữa, có thể hai bé đã chết lưu. 

 

Hai bé chào đời ở tuần 31 nên đang được theo dõi thêm tại phòng chăm sóc đặc biệt.

Sau khi hai bé chào đời và được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, các bác sĩ tiến hành khâu tử cung cho chị Trần. 4 cách khâu khác nhau đã được áp dụng mới có thể cứu được tử cung của chị. Sau 30 phút cấp cứu tích cực, cuối cùng tính mạng của cả 3 mẹ con đã được đảm bảo.  

Ngày 30/5 vừa qua, chị Trần đã hoàn toàn hồi phục và được về nhà. Tuy nhiên, hai bé sinh non vẫn phải ở lại bệnh viện để theo dõi thêm. Cả hai vợ chồng chị cảm thấy vô cùng may mắn và biết ơn các bác sĩ tại bệnh viện, từ bác sĩ khám đến bác sĩ cấp cứu bởi chỉ suýt chút nữa thôi, cả 3 mẹ con có thể đã ra đi vì sự chủ quan của anh chị. 

Theo Khám phá


Trẻ sơ sinh

mang thai

dây rốn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.