Sức khỏe của 18 cháu bé bị tiêm nhầm vaccine ở Quốc Oai ổn định

Sau 2 tuần theo dõi, 18 trẻ sơ sinh bị tiêm nhầm vaccine đã ăn, bú, ngủ tốt, chơi ngoan, phản ứng viêm, sưng tấy tại chỗ tiêm đều hết.

Chiều tối 16/11, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã họp đánh giá lại tình hình sức khỏe của 18 em bé ở huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) bị tiêm nhầm vaccine.

Lãnh đạo BV Nhi Trung ương cùng lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đồng chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, sau khi xem xét và thảo luận thông tin về tình trạng lâm sàng của các bé, thành viên tham dự cuộc họp đều thống nhất cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ. Đến ngày thứ 21, bệnh viện sẽ tiến hành xét nghiệm lại, đánh giá tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bé, sau đó xin ý kiến Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế TP. Hà Nội đã lập trước đó để đánh giá về sự cố tiêm nhầm.

Thông tin tại cuộc họp cho biết trong gần 2 tuần qua, các chuyên gia của 2 bệnh viện đã theo dõi chặt chẽ sức khỏe của 18 cháu bé. Các bé được bố trí nằm tại khu vực riêng ở khoa Sơ sinh của BV Xanh Pôn.

Hai bệnh viện đã thành lập nhóm chuyên gia đặc biệt bao gồm lãnh đạo và chuyên gia đầu ngành để thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình sức khỏe của các cháu.

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp làm việc tại BV Xanh Pôn để chủ động phối hợp xử lý ngay tình huống nếu có.

Trong quá trình theo dõi sức khỏe, 18 trẻ đã được làm xét nghiệm 3 lần vào các mốc thời gian như ngày thứ 3, thứ 7 và ngày thứ 10. Đến nay, sau gần 2 tuần theo dõi, hiện tình trạng sức khỏe của các cháu ổn định, ăn, bú, ngủ tốt, chơi ngoan. Phản ứng viêm, sưng tấy tại chỗ tiêm đều đã hết. Một vài cháu còn rối loạn tiêu hóa, sổ mũi nhẹ, viêm da cơ địa, chàm.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn đánh giá sự cố tiêm nhầm này, cho biết tại cuộc họp trước đó, Hội đồng đã thống nhất theo dõi sát lâm sàng, xét nghiệm cho các cháu đến ngày thứ 28 tại BV Xanh Pôn. Tình trạng sức khỏe các cháu ổn định sẽ được cho về nhà, cứ một tháng được kiểm tra sức khỏe lại một lần đến hết 12 tháng sau biến cố tiêm nhầm.

Trước đó, ngày 3/11, Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, đã tiêm nhầm vaccine Comirnaty của hãng Pfizer/BioNTech cho 18 cháu bé 2-6 tháng tuổi. Ngày 4/11, biến cố trên được phát hiện và báo cáo tới Sở Y tế Hà Nội.

Ngay lập tức, Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo Bộ Y tế và tham vấn ý kiến chuyên môn của các giáo sư hàng đầu trong nước, chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã chỉ đạo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương và các chuyên gia của BVĐK Xanh Pôn thăm khám, thực hiện biện pháp điều trị cần thiết để đảm bảo an toàn cho các cháu.

Tối 4/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã tới BV Đa khoa Xanh Pôn thăm các cháu và chỉ đạo các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tiếp tục hỗ trợ tối đa Hà Nội để chăm sóc và điều trị các cháu.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội rà soát công tác tiêm chủng, thực hiện việc bảo quản, lưu giữ, vận chuyển và sử dụng vaccine nói chung và vaccine phòng Covid-19 nói riêng đúng theo quy định của Bộ Y tế, tăng cường giám sát để không xảy ra các sự cố tương tự.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên y tế liên quan tới sự cố tiêm chủng nêu trên.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng đã có văn bản khẩn yêu cầu ngành y tế Hà Nội khẩn trương xác định nguyên nhân về việc tiêm nhầm vaccine cho trẻ tại Quốc Oai.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/suc-khoe-cua-18-chau-be-bi-tiem-nham-vaccine-o-quoc-oai-on-dinh-post1277886.html

Vaccine Covid-19

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.