Tay căng phồng, nhiễm khuẩn cấp vì "thủ phạm" ở hàng rào

Viêm mô tế bào là bệnh khá phổ biến với biểu hiện là một nhiễm trùng cấp tính ở da và mô dưới da. Bệnh thường khởi phát ở một vùng da sưng, nóng, đỏ và đau; sau đó nhanh chóng lan rộng.

Người phụ nữ 61 tuổi, sống tại Hà Nội vào viện trong tình trạng cả bàn tay phải sưng to, da căng cứng. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết cách đó 4 ngày, không may bị cành cây ở hàng rào đâm vào ngón tay giữa.

Ban đầu, vì nghĩ là vết thương nhỏ, bệnh nhân tự bôi thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian, bàn tay bị thương sưng to và đau buốt. Bệnh nhân không chịu được đau nên quyết định đến bệnh viện thăm khám.

Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, qua thăm khám xác định bệnh nhân bị viêm mô tế bào.

Tay căng phồng, nhiễm khuẩn cấp vì thủ phạm ở hàng rào-1
Bàn tay bệnh nhân sưng to, đau nhức (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

"Thời điểm nhập viện, tay bệnh nhân sưng, nóng, đỏ và đau nhức; tình trạng viêm đã tiến triển lên cẳng tay và có tình trạng chảy dịch mủ viêm", BS Thiệu cho hay.

Viêm mô tế bào là bệnh khá phổ biến với biểu hiện là một nhiễm trùng cấp tính ở da và mô dưới da. Bệnh thường khởi phát ở một vùng da sưng, nóng, đỏ và đau; sau đó nhanh chóng lan rộng.

Tổn thương cũng có thể lan rộng đến hạch lympho và đi vào máu. Nếu không được điều trị có thể đe dọa đến tính mạng, cần đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào.

BS Thiệu cho biết, bệnh xảy ra khi có vi khuẩn xâm nhập, thường gặp tụ cầu vàng (Streptococcus) và liên cầu (Staphylococcus)… Bình thường chúng xuất hiện trên bề mặt da nhưng không gây hại.

Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, có vết cắt hoặc vết trầy xước, vết đứt, vết nứt trên da… Các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào các lớp bên dưới da và gây ra tổn thương viêm, nhiễm trùng.

Với trường hợp của nữ bệnh nhân này, theo BS Thiệu, được điều trị bằng kháng sinh và có thể rạch mủ nếu cần.

Những bệnh nhân bị viêm mô tế bào nặng, đã điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng không có tác dụng, bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn phần mô hoại tử.

Viêm mô tế bào có các triệu chứng điển hình như:

- Đau và cảm giác ngứa, rát trên vùng da bị tổn thương.

- Da sưng, nóng, đỏ, căng bóng.

- Vùng da đỏ hoặc vết loét trên da lan nhanh.

- Tạo mủ và áp xe.

- Sốt.

Trong trường hợp nặng người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như:

- Ớn lạnh, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, mê sảng.

- Đau cơ, da ấm nóng, vã mồ hôi.

- Các triệu chứng cho thấy bệnh viêm mô tế bào đang lan tỏa: Buồn ngủ, hôn mê, chảy dịch hoặc rỉ dịch màu vàng trong hoặc mủ ra từ bên trong da, có nhiều vết phồng rộp trên da.

Để phòng ngừa tình trạng viêm mô tế bào, đặc biệt khi có vết thương hở trên da, BS Thiệu khuyến cáo:

- Vệ sinh da thường xuyên sạch sẽ, vệ sinh thật cẩn thận các vết trầy xước ngoài da ngay khi phát hiện.

- Các bước xử trí khi bị thương: Chỉ cần lau rửa vết thương thường xuyên bằng nước sát khuẩn hoặc nước sạch, nước muối sinh lý; sử dụng thuốc bôi để vùng da tổn thương nhanh lành hơn (theo đơn của bác sĩ).

- Nếu như phát hiện vết thương hở, vết trầy xước bị nhiễm trùng, bạn nên đi khám để được điều trị đúng cách.

Theo Dantri

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/suc-khoe/tay-cang-phong-nhiem-khuan-cap-vi-thu-pham-o-hang-rao-20240107142603378.htm

nhiễm khuẩn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.