(Ảnh minh họa)
ThS, Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Đông y Bệnh viện TW Quân đội 108 cho rằng, từ xưa đến nay chưa có sách hay kinh nghiệm dân gian nào đề cập đến phương pháp, mỗi sáng ngủ dậy cho một muỗng canh dầu mè (vừng) vào mồm và nhai cho tới khi mỏi miệng thì nhổ đi có thể chữa được bách bệnh. Đây là phương pháp chắc chắn không có khả năng chữa bệnh, chứ chưa nói đến chữa bách bệnh như vậy.
Theo DS Phan Đức Bình, phó chủ tịch Hội người tiêu dùng TP.HCM, có thể nhai dầu mè cũng có tác dụng tâm lý. Nó làm cho bệnh nhân tin rằng dầu mè trở nên trắng đục sau khi nhai là do nó hút hết chất độc trong người ra... Tuy nhiên, cách làm này hoàn toàn không gây hại, nhưng gây lãng phí. Bởi mỗi muỗng canh dầu mè, khoảng 13,6g dầu vừng, tương đương gần 30g bột vừng (chứa 120calo; 13,60g chất béo; 0,19mg vitamin E; 1,8mcg vitamin K; 1,931g axit béo; tổng cộng, 5,399g axit béo omega 9; 5,616g axit béo omega 6; 0,014g axit béo omega 3; 118mg phytos-terol) bỏ đi mỗi ngày là rất phí. Trong khi đó nếu ta ăn hoặc uống một muỗng canh dầu mè sẽ tốt cho tim mạch, hệ thần kinh và còn chống táo bón nữa.
Theo BS Nguyễn Xuân Hướng, chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, trong y học cổ truyền không có phương pháp nhai dầu mè hoặc nhai bất cứ thứ gì để hút nọc độc. Thực tế chỉ có đắp thuốc hoặc lá để hút nọc độc (chẳng hạn như rắn cắn...). Vừng đen trong Đông y gọi là hắc chi ma, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ gan, thận, nhuận ngũ tạng, bền gân cốt, sáng tai mắt...Dùng 12-24g/ngày nhai nuốt để chữa gan, thận hoạt động kém, nhức đầu, táo bón, phong tê, bại liệt chân tay... Riêng dầu mè người ta thường ép ra làm tá dược với một số thuốc khác bôi ngoài chữa các bệnh lở loét thuộc về nhiệt chứng hoặc uống để chữa đại tràng (táo bón) giúp nhuận tràng tốt.
Các chuyên gia cảnh báo, dầu mè được nói ở trên được làm từ vừng đen, chứ không phải loại dầu mè được nhắc đến trong "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS Đỗ Tất Lợi và "Từ điển cây thuốc Việt Nam" của TS Võ Văn Chi". Bởi cả hai tài liệu này đều nói rằng, dầu mè làm thuốc là dầu được ép từ hạt của cây đậu cọc rào còn gọi là đậu ba mè, có tên khoa học là Jatropha curcas L. Euphorbiaceae. Trong hạt đậu cọc rào có chứa 20-25% dầu béo, protein và chất nhựa còn chứa một phytotoxin là curcin có tác dụng độc, làm tổn thương các mạch máu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Dầu mè (dầu đậu cọc rào) được dùng làm thuốc tẩy xổ, làm ra thai... với liều thấp, liều cao có thể làm chết người. Như vậy, cần phải thật thận trọng khi quyết định chọn lựa dầu mè trong sử dụng như một phương pháp chữa bệnh.
Theo Nhật Hà