Thông tin về vắc xin tiêm phòng đậu mùa khỉ

Mỹ đã dự trữ hàng triệu liều vắc xin đậu mùa, cũng có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Khi 19 quốc gia đang đối mặt với sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ, các quan chức y tế trên thế giới đã gấp rút đánh giá nguồn dự trữ vắc xin và phương pháp điều trị có thể cần thiết để ngăn chặn sự lây lan.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông tin, kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ có hai loại vắc xin có thể được sử dụng để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Thông tin về vắc xin tiêm phòng đậu mùa khỉ-1
Ảnh minh họa: Reuters

Kho dự trữ chứa hơn 100 triệu liều vắc xin đậu mùa. Nhưng loại vắc xin đó có tác dụng phụ và không nên tiêm cho một số bệnh nhân nhất định, bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch.

Một loại vắc xin mới hơn, có tên Jynneos, đã được phê duyệt vào năm 2019 để phòng ngừa cả bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ. Tiến sĩ Jennifer McQuiston, Phó giám đốc CDC, cho biết kho dự trữ của Mỹ có hơn 1.000 liều Jynneos. 

“Chúng tôi hy vọng số lượng sẽ tăng lên rất nhanh trong những tuần tới, khi công ty cung cấp nhiều liều hơn”, Tiến sĩ McQuiston nói. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang dự trữ khoảng 31 triệu liều vắc xin đậu mùa. 

Các cụm bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất đã được xác định ở châu Âu, đặc biệt ở Tây Ban Nha, khiến một số chuyên gia đưa ra giả thuyết các đợt bùng phát bắt nguồn từ đó. Có hai nguồn tiềm năng gồm một sự kiện tổ chức tại quần đảo Canary bắt đầu vào ngày 5/5 thu hút khoảng 80.000 người và một phòng tắm hơi ở Madrid.

Anh ghi nhận những trường hợp đầu tiên mắc đậu mùa khỉ ở những bệnh nhân không có mối liên hệ với Tây Phi chỉ hơn một tuần sau sự kiện ở quần đảo Canary. 

Tuy nhiên, một số nhà khoa học đánh giá, mô hình lây nhiễm cho thấy virus có thể đã lưu hành bên ngoài châu Phi trong vài tháng.

Đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu ở Tây và Trung Phi, việc lây truyền trong cộng đồng ở những nơi khác là rất bất thường. 

Tổng thống Joe Biden cảnh báo nên quan tâm tới căn bệnh này nhưng cho biết, Mỹ có đủ liều vắc xin để bảo vệ người dân. 

Khó tiến hành tiêm chủng diện rộng

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, khó có các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ. Thay vào đó, các quan chức có thể khuyến nghị tiêm vắc xin cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. 

Chiến dịch tiêm chủng đại trà không được khuyến khích vì vắc xin đậu mùa loại cũ có các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm cơ tim. Loại vắc xin đó cũng có nguy cơ gây rủi ro cho những người bị ức chế miễn dịch, bao gồm cả bệnh nhân HIV, người bị bệnh chàm. 

Ngoài vắc xin để phòng bệnh, Mỹ đã mua hơn 2 triệu liều thuốc kháng virus để điều trị. 

Bệnh đậu mùa khỉ ở người lần đầu tiên được xác định vào năm 1970 với một bệnh nhi 9 tuổi sống tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi đậu mùa đã được loại bỏ. Các trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở nước này đã tăng lên đáng kể trong nhiều thập kỷ sau khi chiến dịch tiêm chủng đậu mùa kết thúc.

Một đến hai tuần sau khi tiếp xúc, những người nhiễm đậu mùa khỉ có thể bắt đầu sốt, đau họng, ho, mệt mỏi và đau nhức cơ thể. Họ thường phát ban đầu tiên ở mặt, sau đó lan sang lòng bàn tay và lòng bàn chân, khắp cơ thể. Vết ban phồng rộp, lớn dần và chứa đầy chất mủ màu trắng.

Các mụn mủ tồn tại khoảng một tuần trước khi đóng vảy và lành lại. Bệnh nhân đậu mùa khỉ cũng có thể sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách và bẹn.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/benh-dau-mua-khi-da-co-vac-xin-phong-benh-va-dieu-tri-tai-my-2023277.html

bệnh đậu mùa khỉ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.