Mặc dù tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ đã kéo dài trong suốt một thời gian dài, nhưng nhiều người vẫn “quay lưng” lại với vắc xin Quinvaxem vì lo sợ phản ứng xảy ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tất cả các loại vắc xin đều có thể xảy ra tai biến, kể cả là vắc xin dịch vụ.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Cục Y tế Dự phòng đã có những giải đáp kịp thời để người dân hiểu về vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và vắc xin dịch vụ:
- Vắc xin Quinvaxem phải nhập khẩu từ nước ngoài, vậy công tác kiểm định và quản lý chất lượng được thực hiện như thế nào? Có khác gì so với các vắc xin dịch vụ?
- Đối với các vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam, bao gồm vắc xin Quinvaxem và tất cả các loại vắc xin sử dụng trong Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ đều phải tuân thủ các quy định của Việt Nam.
Các vắc xin này phải thực hiện các thủ tục để đăng ký lưu hành bao gồm các thử nghiệm cần thiết và đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và của Tổ chức Y tế thế giới. Vắc xin chỉ được cấp phép sử dụng tại Việt Nam sau khi đã được kiểm định nghiêm ngặt và đạt được các yêu cầu của Việt Nam.
Từng lô vắc xin khi nhập vào Việt Nam đều phải được Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế kiểm định và đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
- Vậy trường hợp nào trẻ không tiêm được vắc xin Quinvaxem ?
- Không tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước như:
+ Sốt cao liên tục trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.
+ Sốc sau tiêm vắc xin.
+ Các trường hợp phản ứng quá mẫn muộn sau tiêm vắc xin
+ Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.
+ Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin.
Không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vắc xin có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ. Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.
- Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ đặt ra những lo ngại về việc vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào có tỷ lệ phản ứng cao, trong khi vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ lại chưa ghi nhận nhiều trường hợp tai biến sau tiêm tại Việt Nam? Vậy tính an toàn của vắc xin Quinvaxem là như thế nào so với các vắc xin dịch vụ?
- Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin ho gà toàn tế bào có tỷ lệ phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… cao hơn so với vắc xin chứa thành phần ho gà vô bào. Tuy nhiên, tỷ lệ phản ứng nặng của vắc xin ho gà vô bào và toàn tế bào là tương đương nhau.
Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 100.000 đến 200.000 liều vắc xin ho gà vô bào được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Con số này thấp hơn nhiều so với 5,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem được triển khai hàng năm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.
Theo đánh giá năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới về các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam, kết quả đánh giá cho thấy có 9 trường hợp phản ứng có liên quan đến vắc xin trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (0,64/1 triệu liều), không có tử vong trong số 9 ca này. Chỉ ghi nhận 1 trường hợp sốc phản vệ trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (0,07/1 triệu liều), thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.
Trên thế giới một số vắc xin có thành phần ho gà vô bào cũng đã được sử dụng trong Chương trình TCMR tại một số nước và đã ghi nhận những trường hợp phản ứng nặng, thậm chí tử vong sau tiêm vắc xin có thành phần ho gà vô bào.
- Sử dụng vắc xin dịch vụ có xảy ra phản ứng sau tiêm không?
- Khác nhau cơ bản giữa vắc xin Quinvaxem với các vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 khác, chủ yếu là thành phần ho gà toàn tế bào. Vắc xin này gây nhiều phản ứng hơn vô bào, tuy nhiên chỉ ở phản ứng mức độ nhẹ và trung bình. Các phản ứng mức độ nặng thì hiếm gặp và cả hai đều tương đương nhau. Các thành phần khác gần như là tương đồng.
Vắc xin cũng như thuốc và các sinh phẩm, không có loại vắc xin nào là an toàn tuyệt đối. Các trường hợp phản ứng sốc và phản ứng quá mẫn đều có thể xảy ra với bất kỳ thuốc hoặc vắc xin nào ở một số trẻ có cơ địa nhạy cảm với thành phần có trong vắc xin.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí PlosOne thì tại Ý đã có 1,5 triệu mũi tiêm vắc xin Infarix Hexa được thực hiện trong giai đoạn từ 1999-2004 và ghi nhận 21 trường hợp tử vong đột ngột trong vòng 15 ngày sau tiêm vắc xin này.
Vắc xin Pentaxim kết quả ghi nhận sau sử dụng vắc xin này cho thấy các trường hợp khóc nhiều dai dẳng chiếm 5,3%, nôn 16%. Tỷ lệ các phản ứng này gần như tương đương với vắc xin ho gà toàn tế bào.
- Gần đây có xảy ra một số trường hợp trẻ sau tiêm vắc xin Quinvaxem bị phản ứng nặng, có trường hợp tử vong. Những sự việc này đã ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý các bậc phụ huynh khi đưa con đi tiêm chủng?
- Khác với thuốc chữa bệnh, dùng đơn lẻ cho từng bệnh nhân, vắc xin được dùng cho số đông đối tượng, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Theo ước tính của WHO, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam.
Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường sau tiêm rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.
Trong thời gian qua, thông tin về các phản ứng sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem, phần nào cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của các ông bố, bà mẹ trước quyết định đưa con đi tiêm chủng vắc xin.
Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở một số ít các bậc phụ huynh, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số hơn 1,6 triệu trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước. Ở các tỉnh thành phố khác, người dân vẫn đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tỷ lệ tiêm chủng vẫn được duy trì ổn định.