Trẻ có thể bị tay chân miệng và sốt xuất huyết cùng lúc không? Phân biệt vết loét do tay chân miệng gây ra

Đa phần trẻ nhỏ mắc tay chân miệng đều ở thể nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Thời gian qua, Hà Nội ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh. Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng tăng so với tuần trước. Dự báo, số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang vào cao điểm mùa dịch.

Cụ thể, trong tuần qua (tính từ ngày 27/6 đến 1/7), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận có thêm 139 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng gần 29% so với tuần trước đó). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, TP đã có 968 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021).

Trẻ có thể bị tay chân miệng và sốt xuất huyết cùng lúc không? Phân biệt vết loét do tay chân miệng gây ra-1

Để giúp các bậc cha mẹ có thêm hiểu biết và biết cách chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng cho con, trong chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề "PHÒNG NGỪA VÀ CHĂM SÓC CON BỊ TAY CHÂN MIỆNG", BS Phí Văn Công, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, đã có những chia sẻ rất chi tiết như sau:

Trẻ có thể bị tay chân miệng và sốt xuất huyết cùng lúc không? Phân biệt vết loét do tay chân miệng gây ra-2

Tác nhân gây bệnh và trung gian truyền bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng do nhiều virus đường ruột gây ra, trong đó có các nhóm chính là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Các nhóm virus này chủ yếu ở đường ruột và gây ra các triệu chứng ở tay, chân và miệng. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nên có thể lây từ người bệnh sang người lành thông qua giọt bắn của đường hô hấp và dịch tiết của đường tiêu hóa. Chính vì thế, bệnh tay chân miệng rất dễ lây trong không gian kín và nơi đông người như lớp học...

Lứa tuổi nào hay bị tay chân miệng nhất?

Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh tay chân miệng, nhưng thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ 1-2 tuổi. Trẻ đi lớp mẫu giáo, lại chưa bị tay chân miệng bao giờ, trẻ có hệ thống miễn dịch kém rất dễ bị bệnh.

Triệu chứng phổ biến của bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh nhân bị tay chân miệng thường là nổi phát ban ở tay, chân và miệng, đặc biệt là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vòm họng, đầu gối, khe mông. Các phát ban có không phải lúc nào cũng xuất hiện ở tất cả các vị trí này mà có thể chỉ có ở một vài vị trí.

Dù chỉ xuất hiện vài nốt ở các vị trí trên nhưng đang trong mùa dịch tay chân miệng, lại có các triệu chứng khác như chảy dãi, quấy sốt, kém ăn, đi ngoài... thì cũng nên nghĩ đến bệnh tay chân miệng.

Làm sao để phân biệt các vết viêm loét là do tay chân miệng hay các bệnh khác gây nên?

Thứ nhất, vị trí đặc hiệu của bệnh tay chân miệng là ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, khoang miệng, đầu gối, khe mông. Thứ hai, ban của tay chân miệng là những dát sẩn, thường chìm trong bề mặt da. Các vết loét trong khoang miệng thường tập trung ở đầu lưỡi, vòm họng, niêm mạc má 2 bên. Các triệu chứng của tay chân miệng thường đi kèm với sốt, trẻ bị bệnh thì thường quấy khóc, chảy dãi...

Trong nhà có trẻ bị tay chân miệng thì liệu những trẻ khác và người lớn trong nhà có nguy cơ bị lây bệnh không?

Nếu trong nhà có bệnh nhân bị tay chân miệng thì cả người lớn và trẻ em trong nhà đều có nguy cơ bị lây. Người lớn, trẻ lớn có sức khỏe tốt thì có thể bị bệnh ở mức độ bình thường, còn nếu có sức đề kháng suy giảm thì có thể bị nặng.

Có thể phát hiện trẻ bị bệnh tay chân miệng khi trong thời kỳ ủ bệnh không?

Thời kì ủ bệnh là thời kì virus xâm nhập vào cơ thể, chưa khởi phát triệu chứng nên không thể phát hiện ra trẻ bị bệnh trong giai đoạn này.

Khi nào thì có thể coi là bé đã khỏi bệnh tay chân miệng, tính theo ngày hay là dựa trên các dấu hiệu triệu chứng?

Bệnh tay chân miệng giống như các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, thường tính theo ngay - tính từ ngày có triệu chứng đầu tiên là ngày thứ nhất. Bệnh thường kéo dài 5-7 ngày, sau 7 ngày mà trẻ không xuất hiện biến chứng, các triệu chứng mất đi thì có thể coi như trẻ khỏi bệnh.

Có nên tự ý mua thuốc điều trị tay chân miệng cho con?

Khi trẻ có bất kì dấu hiệu hay triệu chứng nào của bệnh thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế có kiến thức về bệnh đó. Bệnh tay chân miệng có thể nhầm lẫn với các bệnh khác nên để chẩn đoán đúng là bệnh tay chân miệng hay không, có biến chứng gì là việc của bác sĩ. Vì vậy, tự ý mua thuốc ở nhà để điều trị tại nhà là không nên.

Trẻ bị tay chân miệng có dấu hiệu như thế nào thì cha mẹ cần đưa ngay đến bệnh viện?

Đa phần các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng là nhẹ, như sốt nhẹ, xuất hiện phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân... Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ sốt trên 39 độ, sốt trên 2 ngày, quấy khóc nhiều (khóc nằng nặc, đòi bế đi mà không cách nào dỗ được), trẻ giật mình, trẻ có hiện tượng run tay chân, đi không vững... thì cần đưa con đi khám để xem liệu có phải trẻ bị biến chứng của tay chân miệng hay chưa.

Trẻ bị tay chân miệng nặng nguy hiểm thế nào?

Không có thuốc để diệt virus gây ra bệnh tay chân miệng mà chỉ có thuốc điều trị các biến chứng do tay chân miệng gây ra hoặc giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Bệnh tay chân miệng có 2 nhóm biến chứng chính là: Biến chứng về thần kinh và biến chứng về tim mạch.

Biến chứng về thần kinh có thể là viêm não, viêm màng não. Biến chứng về tim mạch có thể là trẻ bị viêm cơ tim, nhịp tim nhanh hoặc chậm lại. Những biến chứng này đều cần phải điều trị tích cực và kịp thời. Vì vậy, khi con bị tay chân miệng cha mẹ cần đưa con đi khám.

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ như thế nào, nhất là với trẻ mầm non tiếp xúc nhiều với đồ chơi?

Để phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ đang tuổi đi học thì việc vệ sinh là cực kì quan trọng, bao gồm cả đeo khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh các bề mặt, vệ sinh đồ chơi...

Ngoài vệ sinh ở nhà, vệ sinh ở lớp học cũng rất quan trọng. Các cô cũng cần thường xuyên lau bề mặt, đồ chơi, vệ sinh cho trẻ bằng các khăn riêng biệt... thì có thể phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nói chung và tay chân miệng nói riêng.

Bé mới khỏi COVID-19 thì bị tay chân miệng, liệu bé có nguy cơ bị nặng không?

Câu chuyện trẻ vừa mắc COVID-19 xong bây giờ bị tay chân miệng vẫn thường xảy ra. Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào chứng minh bị sau khi bị COVID-19 mà bị tya chân miệng thì sẽ bị nặng nhưng sau khi bị COVID-19, hệ thống miễn dịch của trẻ có thể yếu hơn, do đó trẻ dễ bị tay chân miệng hơn.

Có cách nào giảm đau những vết loét trong miệng để bé dễ ăn không?

Vết loét do bệnh tay chân miệng xuất hiện trong miệng có thể làm cho trẻ đau và khó ăn. Cha mẹ có thể dùng các sản phẩm làm giảm đau miệng dùng được cho trẻ em. Cha mẹ nên dùng trước ăn 10-15 phút để lúc đó các vết loét đỡ đau rồi, trẻ có thể ăn được. Nên cho trẻ ăn đồ ăn mềm, mát để dễ ăn hơn. Bên cạnh đó, cần vệ sinh thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc sản phẩm vệ sinh dùng được trong miệng để tránh nhiễm khuẩn bội nhiễm làm cho vết loét nặng hơn.

Bé bị sốt 2 ngày, loét ở miệng và nổi mẩn ở người. Có khi nào bé bị tay chân miệng và sốt xuất huyết cùng lúc không?

Trường hợp bé bị tay chân miệng cùng lúc với sốt xuất huyết vẫn có thể xảy ra. Mỗi bệnh có những biểu hiện khác nhau, ví dụ: Sốt khi bị tay chân miệng thường là sốt nhẹ hơn 37 độ C hoặc sốt đến 38,5-39,5 độ C và kèm phát ban. Còn trẻ bị sốt xuất huyết thường sốt cao 39-40 độc C liên tục, rất khó hạ sốt, đi kèm mệt mỏi.

Ngoài ra, sốt xuất huyết thì phải có muỗi đốt, lây bệnh từ người bệnh sang người lành. Nếu trẻ không bị muỗi đốt, xung quang trẻ không có ai bị sốt xuất huyết, điều kiện vệ sinh tốt thì khả năng trẻ bị sốt xuất huyết cũng thấp.

Trẻ đã bị tay chân miệng liệu có miễn dịch với bệnh không, có dễ bị lại không?

Miễn dịch sinh ra do bệnh tay chân miệng là miễn dịch không bền vững, có thể bị suy giảm theo thời gian. Thứ hai, có nhiều virus gây ra bệnh tay chân miệng, thậm chí có trường hợp bị tay chân miệng 2 lần trong cùng 1 mùa. Vì vậy, trẻ có thể bị tay chân miệng tái đi tái lại trong một mùa.

Bé mắc bệnh tay chân miệng có cần kiêng khem gì không?

Không cần kiêng khem quá kĩ những cần tránh mất vệ sinh, nên ăn uống sạch, nên ăn lỏng, uống mát. Trẻ bị tay chân miệng cũng không cần thiết kiêng tắm, kiêng đồ tanh, chua...

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/tre-co-the-bi-tay-chan-mieng-va-sot-xuat-huyet-cung-luc-khong-phan-biet-vet-loet-do-tay-chan-mieng-gay-ra-2220226713148332.htm

sốt xuất huyết

tay chân miệng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.