Trẻ em mắc Covid-19 nhập viện tại miền Bắc đang có xu hướng tăng

Những bé nhập viện đa số là trường hợp có yếu tố nguy cơ, mắc bệnh nền hoặc có các biểu hiện lâm sàng của Covid-19 phải điều trị tại viện theo phân tầng của Bộ Y tế.

Theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, những ngày gần đây, số lượng trẻ em mắc Covid-19 nhập viện có chiều hướng tăng lên so với giai đoạn trước, bao gồm cả trẻ sơ sinh từ 5-6 ngày tuổi đến trẻ lớn.

Những bé phải nhập viện đa số là trường hợp có yếu tố nguy cơ, mắc bệnh nền (như béo phì) hoặc có các biểu hiện lâm sàng của Covid-19 phải điều trị tại viện (theo phân tầng của Bộ Y tế). Trẻ lớn, có thể tự chăm sóc sẽ không có người thân theo kèm. Với trẻ độ tuổi nhỏ, bố mẹ có thể vào viện cùng con với điều kiện cũng mắc Covid-19 (vừa vào điều trị, vừa chăm sóc con).

Lý giải nguyên nhân số bệnh nhi Covid-19 tăng cao giai đoạn này, ThS Trường cho hay, hiện số bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đang tăng mạnh, người lớn có thể lây cho trẻ em. Hơn nữa, nhiều nhóm đối tượng là trẻ em chưa được tiêm vắc xin Covid-19 nên càng dễ nhiễm bệnh hơn.

Nhìn chung, trẻ em khi mắc Covid-19 tình trạng bệnh thường nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp nhận, điều trị nhiều trẻ diễn tiến nặng, phải thở oxy kính, thở oxy mask, thậm chí thở máy.

Trẻ em mắc Covid-19 nhập viện tại miền Bắc đang có xu hướng tăng-1Trẻ em mắc Covid-19 nhập viện tại miền Bắc đang có xu hướng tăng-2

Bệnh nhi Covid-19 điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh - Ảnh: M.T

ThS Trường khuyến cáo phụ huynh cần hướng dẫn trẻ phòng Covid-19 bằng cách tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ  Y tế, thực hiện 5K, hạn chế tụ tập đông người, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán.

Trường hợp bé đã nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà, cha mẹ cần theo sát diễn tiến, thường xuyên liên lạc với y tế cơ sở để kịp thời xử trí nếu con có dấu hiệu chuyển nặng. Bên cạnh đó, chú ý theo dõi các dấu hiệu lâm sàng của con, đặc biệt là tình trạng khó thở, nhịp thở, sự gắng sức, đo nồng độ oxy SpO2 cho con.

Về phương án, kế hoạch điều trị cho dịp Tết Nguyên Đán, theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường, Khoa đã lên phương án chuẩn bị sẵn về nhân lực, trang thiết bị cũng như vấn đề hậu cần, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điều trị khi lượng bệnh nhi Covid-19 tăng trong thời gian tới.

“Khoa đang có 80 giường ICU dành cho trẻ em, có thể điều trị cả trẻ sơ sinh nhiễm Covid-19. Các bác sĩ cũng như điều dưỡng của Khoa sẵn sàng đồng hành cùng bệnh nhi trong dịp Tết”, ThS Trường thông tin.

Với bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thời gian này, bệnh viện đã chuẩn bị những phần quà cũng như một số hoạt động để các cháu có thể đón Tết trong khu cách ly.

Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các gia đình có bệnh nhi Covid-19 điều trị tại nhà cần lưu tâm một số dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trẻ diễn tiến nặng, phải nhập viện như tình trạng bú kém, nôn ói, không tỉnh táo, khó thở, co giật hoặc có biểu hiện sốt cao, đau họng, đỏ mắt, đỏ môi, lưỡi đỏ như trái dâu tây, tay chân sưng phù, phát ban…

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cập nhật thường xuyên chỉ số nhịp thở, mạch, nhiệt độ, huyết áp và SpO2 (nếu có) cho con. Trường hợp phát hiện trẻ có nhịp thở nhanh (trên 40 lần/ phút với nhóm từ 1-5 tuổi và trên 30 lần/phút với nhóm từ 5-12 tuổi) hoặc SpO2 dưới 95% (ở tất cả nhóm tuổi), nên thông báo ngay cho nhân viên y tế.

Khi con có dấu hiệu sốt trên 38,5 độ, có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol. Tính liều uống theo cân nặng của trẻ, liều cụ thể được khuyến cáo là từ 10 - 15mg/kg/lần. Việc sử dụng thuốc có thể lặp lại sau 4 - 6 tiếng, không quá 4 lần/ngày.

Nếu bé có triệu chứng ho, nên giảm ho bằng thảo dược hoặc thuốc giảm ho theo đơn chỉ định của nhân viên y tế. Chú ý cho con uống bổ sung nước và điện giải, không tự ý dùng kháng sinh hoặc các thuốc kháng viêm, thuốc khác khi không có chỉ dẫn từ bác sĩ.

Nên cho con mặc quần áo rộng rãi, ở không gian khô thoáng, thường xuyên vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng sạch sẽ. Cho con ăn nhiều bữa trong ngày, tập thể dục nhẹ nhàng, tập các bài tập phục hồi như hít sâu, thở đều.

“Bên cạnh đó, cha mẹ cần bình tĩnh để có thể hỗ trợ tâm lý, động viên và trấn an tinh thần cho con. Giúp bé duy trì những nếp sinh hoạt bình thường, tạo điều kiện cho trẻ vui chơi giải trí tại nhà và hướng dẫn con cách hành động để giảm sự lây lan của dịch bệnh”, bác sĩ Ninh lưu ý.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/loi-chuc-tet-nguyen-dan-nham-dan-2022-cho-nguoi-yeu-vo-chong-hay-ngot-ngao-810247.html

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.