Trẻ viêm đường hô hấp hàng loạt vì nắng nóng đầu hè

Đang nắng nóng, thời tiết đột ngột chuyển mưa rét kéo dài 4 - 5 ngày, rồi lại chuyển nắng nóng đã khiến trẻ em đổ bệnh hàng loạt.

Đang nắng nóng, thời tiết đột ngột chuyển mưa rét kéo dài 4 - 5 ngày, rồi lại chuyển nắng nóng đã khiến trẻ em đổ bệnh hàng loạt. Tại các bệnh viện, số trẻ em đến khám vì các bệnh hô hấp lại tăng vọt, trong đó, trẻ bị viêm phổi nặng phải nhập viện rất nhiều.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, trong 5 -7 ngày trở lại đây, số trẻ phải đến viện khám vì các bệnh lý viêm đường hô hấp tăng vọt đến 30%. Khám chung ngày thường cũng tăng, khám tối, khám ngày nghỉ đều tăng lên.

Gần 12h trưa ngày Chủ nhật (12/4) vẫn có nhiều trẻ xếp hàng chờ khám bệnh. Ảnh: H.Hải
Gần 12h trưa ngày Chủ nhật (12/4) vẫn có nhiều trẻ xếp hàng chờ khám bệnh. Ảnh: H.Hải

“Trẻ em là đối tượng “nhạy cảm” với thời tiết nhất. Trời đang nóng quay mưa lạnh đột ngột bởi rét “nàng Bân” đã khiến trẻ không thích nghi được sự thay đổi thời tiết đó. Nhiệt độ đang cao, khô chuyển sang lạnh, ẩm là điều kiện lý tưởng cho vi rút, vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây bệnh. Rồi rét được 3 - 4 hôm lại đột ngột nắng nóng trở lại chính là tác nhân khiến trẻ đổ bệnh, do cơ thể trẻ không thích nghi được với sự biến động thời tiết đó”, TS Dũng giải thích.

Ngày 12/4, có mặt tại khoa Nhi, dù là C hủ nhật, gần trưa nhưng bệnh nhân ngồi chờ ở sảnh, đứng đợi khám vẫn rất đông đúc. Bác sĩ khám “mệt nghỉ” vì các bệnh lý liên quan đến hô hấp, trong đó trẻ em bị viêm phổi rất nhiều.

Theo ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, trong các bệnh lý hô hấp này, trẻ bị viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản rất nhiều. Có những trẻ không sốt, chỉ sau 2 ngày khúc khắc ho, đi khám đã viêm phổi. Có những trẻ lại không ho nhiều, đầu chỉ âm ấm sốt đi khám cũng đã viêm phổi. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi, không như với trẻ lớn các biểu hiện viêm phổi thường biểu hiện rất điển hình như sốt cao, ho nhiều.

Chị Mai Hương (đường Giải Phóng) đưa con trai 14 tháng tuổi đi khám, rất thảng thốt khi bác sĩ chẩn đoán con bị viêm phổi. “Nó vẫn chơi bình thường, mới ho hôm nay là ngày thứ 2, thấy đầu âm ấm, đo được 37,7 độ thì cho con vào viện khám. Khi nghe phổi bác sĩ nói nhiều khả năng phổi viêm, mình còn phấp phỏng, hi vọng không phải nhưng hình ảnh chụp X - quang phổi thì đã rõ ràng. May mà mới bị nhẹ nên bác sĩ kê thuốc uống và khí dung”, chị Hương cho biết.

Khám nhi tăng 30% vì thời tiết thay đổi thất thường, trẻ bị viêm đường hô hấp tăng vọt. Ảnh: H.Hải
Khám nhi tăng 30% vì thời tiết thay đổi thất thường, trẻ bị viêm đường hô hấp tăng vọt. Ảnh: H.Hải

Theo BS Nam, viêm phổi ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 6 tháng tuổi không biểu rầm rộ như ở trẻ lớn (sốt, ho, khó thở...)  mà ít có dấu hiệu điển hình, có những trẻ thậm chí còn không sốt, không ho nên việc nhận biết dấu hiệu là rất khó khăn.

Vì thế, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh cần quan sát trẻ rất kỹ. Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú, có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường), quấy khóc thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ, đếm nhịp thở của trẻ để kịp thời đưa trẻ đi khám khi phát hiện bất thường.

Trẻ dưới 2 tháng tuổi được cho là thở nhanh khi bé thở từ 60 lần trong một phút trở lên. Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi có nhịp thở 50 lần trong một phút trở lên và trẻ từ 1-5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần trở lên trong một phút.  Cách đếm nhịp thở đơn giản nhất là cho trẻ nằm yên, không cho bú và tốt nhất là khi bé ngủ. Người lớn đặt tay trên ngực bé hoặc quan sát bằng mắt. Mỗi lần ngực trẻ phình lên được tính là một nhịp. 

Để phòng bệnh hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa cần rất chú ý giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng. Khi mới đi ngủ trẻ thường nóng bức, bố mẹ mà để quạt ngủ quên trẻ nhiễm lạnh có thể bị viêm đường hô hấp, viêm phổi ngay. Vì thế, dùng điều hòa được khuyến khích để nhiệt độ phòng được ổn định, trẻ sẽ giảm được nguy cơ lúc nóng, lúc lạnh. Tuy nhiên, ban ngày cần mở cửa phòng thoáng khí để không khí trong phòng lưu thông tốt, vi khuẩn, vi rút không có điều kiện kinh sôi phát triển.

Ngoài ra, cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình. Vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp, nên khi trong gia đình có người bị hắt hơi, xổ mũi cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác.

Cho trẻ ăn phong phú, uống đủ nước, chơi ở nơi thoáng mát. Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Người chăm trẻ, trẻ em thường xuyên rửa tay xà phòng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh lây qua đường hô hấp.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.