Tự nặn mụn nhọt có thể gây tử vong

BV Nhiệt đới TƯ đã từng cấp cứu, điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng máu do tự chích nhọt.

BV Nhiệt đới TƯ đã từng cấp cứu, điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng máu do tự chích nhọt.

Suy đa tạng do tự nặn nhọt

Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp, quyền trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện tuần qua đã tiếp nhận một bệnh nữ, tuổi trung niên, quê ở Hà Nội trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng. Được biết trước đó, khi bị một chiếc nhọt ở mông bệnh nhân đã tự ý chích nhọt. Sau đó chỗ nặn nhọt sưng tấy và xuất hiện nhiều ổ áp xe khác. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trước, sau đó chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Theo BS Trung Cấp, khi nhập viện tình hình bệnh nhân rất nặng và tiên lượng thấp. Vùng nặn mụn bị áp xe nên gia đình bệnh nhân đã xin cho bệnh nhân về.

tu nan mun

Tự nặn mụn có thể gây nhiễm trùng máu

BS Cấp cũng cho biết, từ trước đến nay bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị áp xe, nhiễm trùng máu vì tự nặn mụn nhọt và đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì không được điều trị kịp thời. “Khi cơ thể bị nhọt dễ tái phát thì nên đi khám, vì có thể bị bệnh tiềm ẩn nào đó làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng như đái tháo đường hoặc bệnh lý của hệ miễn dịch”, BS. Cấp khuyến cáo.

Tự nặn mụn gây sốc nhiễm trùng máu

PGS. TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TƯ cho biết, việc nặn mụn trứng cá nhất là các mụn đinh râu có thể gây nhiễm trùng, sốc nhiễm trùng máu và tử vong nếu người bị mụn trứng cá nặn không đúng cách, khi tay còn bẩn. Vết thương hở sau khi nặn mụn cũng có thể bội nhiễm thêm các vi khuẩn, vi trùng khác. Nếu không biết điều trị có thể tử vong vì biến chứng sốc nhiễm trùng. Tuy nhiên, trường hợp này không nhiều.

Hiện nay, PGS Thường khuyến cáo nhiều người sau khi mặt có mụn tự ý nặn mụn dẫn đến nhiễm trùng, viêm da. Đặc biệt mụn đinh râu là mụn mọc ở quanh miệng, khu vực có râu. Mụn đinh râu rất nguy hiểm, nếu tự ý nặn có thể giật méo miệng vì khu vực này có nhiều mạch máu, dây thần kinh. Nếu nặn mụn đinh râu rất dễ nhiễm trùng máu vì máu đi vào hệ tuần hoàn nhanh nhất. Khi vi khuẩn từ các mụn nhọt ở đây lọt vào hệ thống tĩnh mạch sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng máu - một loại nhiễm trùng toàn thân, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì rất dễ tử vong, ngay cả khi được điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong cũng cao.

Để điều trị các mụn nhọt thông thường, chỉ cần bôi thuốc sát trùng như Betadine, cồn lode 3%, hoặc ngâm tay, ngâm chân vào nước muối đặc. Khi nhọt đã “chín” thì chích mủ, nhưng phải đảm bảo vô trùng, tuyệt đối không được nặn nhọt non.

“Trong trường hợp nhọt to có sốt cao hay bị đinh râu, hậu bối có nhiễm khuẩn thì phải sử dụng kháng sinh liều cao và được điều trị tại bệnh viện. Để phòng mụn nhọt, ta phải giữ vệ sinh thân thể như giặt quần áo, thường xuyên tắm rửa, đặc biệt là về mùa hè, sau khi lao động nơi bụi bẩn”, PGS Thường khuyến cáo

Theo Báo Giao Thông




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.